Theo ghi nhận PV, sáng 22-3, đoạn sông từ cầu Đồng Nai lên đến khu vực thượng lưu giáp thị xã Tân Uyên (Bình Dương) có gần 100 chiếc tàu, sà lan (loại 600-1.000 tấn) chở vật liệu xây dựng, hàng hóa phải neo đậu trên sông.
Gần 100 chiếc tàu, sà lan lớn chở đá, cát phải nằm chờ trên sông Đồng Nai. Ảnh: Vũ Hội.
“Đây là con sông lớn, giao thông đường thủy của khu vực nên sau khi xảy ra sự cố sập cầu Ghềnh đã khiến toàn bộ việc đi lại phải dừng lại. Vài ngày nữa nếu chưa thông tuyến, khúc sông này sẽ bị kẹt cứng. Chủ tàu cũng như tài công chúng tôi đang mong ngóng từng ngày để có thể được lưu thông” - tài công Huỳnh Văn Năm cho biết.
Vì tàu, sà lan không vận chuyển được cũng khiến cho các bến thủy nội địa và cơ sở kinh doanh cát, đá, vật liệu xây dựng nằm dọc sông Đồng Nai phải đóng cửa chờ đợi. Máy móc, xe vận tải chở cát, đá cũng tạm dừng hoạt động.
Nhiều doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động vì sự cố sập cầu Ghềnh.
Một chủ cơ sở vật liệu xây dựng bên bờ sông Đồng Nai (xã Hóa An) thở dài: “Sau khi vụ sập cầu Ghềnh xảy ra, tàu, chở đá cỡ 600 tấn của cơ sở ngưng xuất bến. Rất nhiều khách hàng hối thúc nhưng đây là việc ngoài ý muốn. Chúng tôi đang rất nóng ruột, không biết khi nào tàu vận chuyển có thể qua lại được cầu Ghềnh. Hiện nay mỗi ngày cơ sở thiệt hại cả chục triệu đồng”.
Theo lãnh đạo Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực 3 cho biết lực lượng chức năng vẫn đang phong tỏa tạm thời tuyến đường thủy trên sông Đồng Nai (đoạn qua Cầu Ghềnh) để phục vụ công tác điều tra.