Theo Thứ trưởng Ga, cho đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã biên soạn được hơn 60.000 câu hỏi thô, cơ bản đáp ứng đúng quy trình xây dựng câu hỏi thi chuẩn hóa của lý thuyết khảo thí hiện đại. Số câu hỏi thô đã chuẩn bị hiện đạt gấp đôi so với dự kiến ban đầu.
Ngoài ra, Bộ cũng đang gấp rút thực hiện bổ sung, chuẩn hóa ngân hàng câu trắc nghiệm đã có bằng nhiều nguồn khác nhau, như huy động giáo viên tham gia biên soạn, biên tập câu hỏi thi, khai thác các câu hỏi thi phù hợp trong ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Ngân hàng câu hỏi thi trắc nghiệm khách quan được xây dựng theo một quy trình khoa học, chặt chẽ.
Căn cứ ma trận đề thi, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng các đề minh họa làm cơ sở cho giáo viên và học sinh tham khảo trong dạy học và ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi. Sau khi công bố đề thi minh họa (đề thi thử nghiệm), giáo viên và học sinh sẽ nắm được cấu trúc đề thi để ôn tập, đạt kết quả tốt.
“Thí sinh am hiểu kiến thức về xã hội sẽ có lợi thế khi làm bài thi... Thầy cô cần hướng dẫn học sinh tham khảo những đề thi năm trước để biết cách xử lý” - ông Ga cho biết.
Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12 và bảo đảm phân loại được trình độ của thí sinh, đáp ứng yêu cầu cơ bản (tốt nghiệp THPT) và nâng cao (tuyển sinh ĐH, CĐ). Do đó, thí sinh có thể tham khảo đề minh họa năm ngoái để hình dung được cách thức ra đề, từ đó yên tâm ôn tập.
Theo Thứ trưởng Ga, mặc dù ngày 6-10-2016 vừa qua, Bộ đã công bố 14 đề thi minh họa của các môn thi năm 2017. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu dạy và học của học sinh và giáo viên, theo kế hoạch, Bộ sẽ công bố thêm 14 đề thi thử nghiệm của các môn thi năm 2017 vào cuối tháng 1-2017.
Hiện Bộ đang dựng bộ đề thi thử nghiệm theo năm bài thi. Bộ đề thi theo bài thi này sẽ công bố rộng rãi ngay sau khi học sinh lớp 12 hoàn thành chương trình năm học 2016-2017 (dự kiến giữa tháng 5-2017).