Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Bristol ở Anh đã phát triển loại công nghệ có thể sửa chữa các vết nứt trên máy bay theo cách thức hoạt động tương tự như làn da của con người.
Nghiên cứu của họ tập trung vào vật liệu composite được gia cố sợi carbon thường dùng để chế tạo các thiết bị thể thao và máy bay hiện đại. Họ đã tạo ra một viên nang rỗng nhỏ hơn chiều ngang sợi tóc của con người có chứa một hợp chất kết dính và sau đó cấy vào vật liệu composite này.
Trong trường hợp có tác động mạnh, những quả cầu sẽ vỡ ra và các chất lỏng sẽ tiếp xúc với một loại chất xúc tác khác khiến cho chúng sẽ trở nên khô cứng và che lấp vết nứt.
Khoa học sắp phát minh loại vỏ máy bay có khả năng tự lành như da người (Ảnh minh họa)
Giáo sư Duncan Wass, trưởng nhóm nghiên cứu về dự án cùng với giáo sư Ian Bond và Tiến sĩ Richard Trask mô tả phương pháp của họ “lấy cảm hứng từ cơ thể của con người”.
Tại thời điểm này, công nghệ này chỉ có thể khắc phục các vết nứt rất nhỏ, chưa tính tới các tổn hại nghiêm trọng. Tuy nhiên cũng chính vì những vết rạn nhỏ đó mà máy bay sẽ gặp sự cố nếu không được phát hiện sớm.
Hơn nữa, thay vì phải phủ các khối cầu lên toàn bộ thân máy bay, các nhà khoa học nói rằng họ sẽ sử dụng kiến thức hiện có về cấu trúc máy bay để nhắm đến các bộ phận được cho là có nguy cơ dễ gặp hỏng hóc.
Các nhà khoa học cũng đã tìm thấy một phương pháp để làm cho công nghệ hoạt động tốt trong các môi trường khác nhau. Giáo sư Watts khẳng định: "Môi trường bên ngoài máy bay có thể sẽ rất nóng hoặc rất lạnh, và để làm cho các vết nứt tự lành lại ở những nhiệt độ như vậy là cả một thách thức lớn."