Ước tính có khoảng 3.000-4.000 người Trung Quốc (TQ) sinh sống ở Tonga, chiếm khoảng 3% dân số quốc đảo này vào năm 2001. Người TQ ở Tonga và người Tonga gốc Hoa là các nhóm dân tộc thiểu số chính ở Tonga. Vào những năm 1990, chính quyền Tonga đã gây tranh cãi khi bán hộ chiếu Tonga cho công dân TQ và cư dân Hong Kong, cho phép họ sinh sống ở Tonga. Điều này dẫn tới sự hiện diện đáng kể cộng đồng người TQ tại vương quốc Nam Thái Bình Dương này.
Miền đất hứa
Có vị trí ở châu Đại Dương, Tonga có tên chính thức là vương quốc Tonga, là một quần đảo nằm trong Nam Thái Bình Dương, được tạo bởi ba đảo Tongatapu, Hapai, Vavau và hơn 150 đảo lớn nhỏ khác với dân số khoảng 100.000 người sống tập trung trên 45 đảo.
Rất nhiều người TQ trắng tay đã đến và làm việc tại các cửa hàng ở Tonga, Samoa, Fiji và một số nơi khác ở châu Đại Dương. Ở Tonga, những người TQ tha phương lập nghiệp trên quốc đảo này là những người đến từ các vùng nông thôn, họ được các đồng hương là những người làm ăn lớn thuê tới. Để có tiền sang được tận đây, những người TQ được thuê phải vay mượn tiền từ bạn bè, người thân hay thậm chí là các nguồn bất hợp pháp khác. Bởi họ phải có tiền để chuẩn bị cho đủ loại giấy tờ: Hộ chiếu, thị thực và các khoản phí không tên khác.
Điều đáng chú ý là dù chỉ chiếm khoảng 3% dân số so với tổng dân số Tonga là 100.000 người, những người TQ mới đến đã tiếp quản 80% lĩnh vực bán lẻ trong thập niên qua ở Tonga. Đặc biệt, dù mới chân ướt chân ráo đặt chân đến Tonga song người TQ được hưởng một số đãi ngộ hấp dẫn, kể cả trong vấn đề kết hôn. Họ có thể lấy được quốc tịch Tonga nếu muốn nhưng thường những người này có xu hướng xem các quốc gia như Tonga là nơi để kiếm tiền rồi sau đó hồi hương, hoặc họ chỉ xem Tonga là bước đệm để tiến đến các vùng đất khác, trong đó có New Zealand và Úc. Nếu không vì bản thân họ thì để cho con cháu của họ sau này. Nhiều người không có ý định bám đất bám làng ở Tonga thì họ cũng không quá hòa nhập vào xã hội địa phương.
Cảnh sát Tonga lấy lời khai một tiểu thương TQ về một vụ phạm tội nhằm vào cộng đồng người TQ ở Nuku’alofa. Ảnh: CẢNH SÁT TONGA
Cảnh tượng trong vụ bạo loạn tấn công vào các cửa hàng người TQ ở thủ đô Nuku’alofa, Tonga năm 2006. Ảnh: NUKUALOFATIMES
Xuất hiện sát thủ Trung Quốc?
Không có nhiều vụ phạm tội ở Tonga và người TQ ở Tonga là nạn nhân của các vụ tấn công phạm tội chỉ là 3%. Tuy nhiên, con số này không chắc chắn bởi lẽ phần lớn các vụ phạm tội diễn ra bên trong cộng đồng người TQ ít khi được báo cáo, theo The Diplomat.
Phó Ủy viên Cảnh sát Tonga Pelenatita Fe’ao Vaisuai cho rằng mặc dù chỉ có 3% người TQ là nạn nhân trong các vụ tấn công nhưng thường những vụ này rất nghiêm trọng. Điển hình là trong vụ bạo loạn nổ ra ngày 16-11-2006, khi những người ủng hộ dân chủ Tonga xuống đường biểu tình về sự chậm tiến độ thực hiện cải cách dân chủ. Đám đông biểu tình phá xe cảnh sát, đốt phá các tòa nhà chính quyền. Các cửa hiệu TQ cũng trở thành mục tiêu đốt phá và bị thiệt hại nặng. Chính quyền Tonga đã phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau khi ước tính 60%-80% doanh nghiệp trong TP bị phá hủy và tám người thiệt mạng. Đại sứ quán TQ cũng vội mướn trực thăng sơ tán công dân nước này, theo Guardian.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu vụ phạm tội liên quan tới những người TQ dù chính thức hoặc không chính thức. Thủ tướng vương quốc Tonga Akilisi Pohiva từng công khai bày tỏ lo ngại về một số thành viên trong cộng đồng người TQ ở Tonga, cho rằng có thể họ đang thuê các sát thủ để tấn công đối thủ của họ. Đáng lo ngại hơn là người Tonga đôi khi thường là đối tượng được thuê để thực hiện các vụ phạm tội. Có vô số trường hợp doanh nhân TQ cố gắng dụ dỗ người Tonga đốt phá các cửa hàng của đối thủ cạnh tranh, buôn lậu ma túy hoặc tấn công đối thủ. “Chính phủ Tonga không dung thứ cho các hành động bạo lực như vậy cho dù nạn nhân là cộng đồng người TQ hay là cộng đồng khác” - Thủ tướng Pohiva nói.
Ông Pohiva cho biết một nhóm điều tra tội phạm đặc nhiệm của chính phủ nhằm vào người TQ ở Tonga đang cố gắng xác nhận các báo cáo về việc các sát thủ được các doanh nhân TQ thuê để thanh toán đối thủ. Ông cho biết dù chưa có “bằng chứng buộc tội mạnh mẽ” nhưng vấn đề này rất quan trọng. Chính phủ Tonga cũng đã thành lập một ủy ban điều tra tội phạm chống lại người TQ và những người xa xứ khác ở Tonga. Cảnh sát Tonga hồi tháng 11-2016 cũng đã thành lập Chiến dịch Vạn lý trường thành nhằm cắt giảm các hoạt động phạm tội nhằm vào cộng đồng người châu Á ở Tonga.
Tai tiếng nơi đất khách
Tonga là đất nước xem trọng tập quán dựa vào cộng đồng và nhà thờ. Đất nước này cũng sinh ra những con người thường xuyên tổ chức hoạt động thiện nguyện, gây quỹ, chia sẻ mùa màng và lương thực trong các sự kiện cộng đồng. Nhưng người TQ sống tại đây thường phớt lờ vấn đề này, xem đó không phải là nghĩa vụ của họ.
Nếu một người Tonga làm chủ một cửa hàng, họ sẽ được kỳ vọng đóng góp cho cộng đồng. Ngược lại, người TQ thì không. Một điều oái oăm là cho dù người Tonga có làm việc chăm chỉ cật lực thế nào đi nữa, họ cũng khó có cơ hội cạnh tranh với các cửa hàng người TQ. Chính điều này đã dẫn tới sự bất mãn trong cộng đồng người Tonga, khoét sâu thêm sự cô lập của người TQ tại quốc đảo này. Đây là một trong những lý do các cửa hàng người TQ trở thành mục tiêu tấn công trong vụ bạo động Tonga năm 2006, cũng là lý do giải thích tại sao một ngôi làng ở Samoa quyết định cấm các cửa hàng của người TQ mở ra trên vùng đất của họ.
Thái độ thiển cận và tách biệt cộng đồng người gốc Hoa sống tại Tonga đã góp phần làm hoạt động kinh doanh ở vương quốc này bị trì trệ. Ở Tonga gần đây, nhiều trường hợp người TQ dính tới các vụ buôn người, mại dâm, bắt cóc, tống tiền, buôn lậu, tham nhũng, hối lộ, cờ bạc, giết người. Chưa hết, họ còn mang nhiều tai tiếng vì gian lận visa, dùng hộ chiếu giả, hối lộ hải quan, buôn bán tài sản ăn cắp, vô số scandal.
Nơi nào có các cộng đồng người TQ sinh sống mạnh mẽ và có pháp luật quản lý lỏng lẻo thường dễ có sự hiện diện của tổ chức “xã hội đen” xuyên quốc gia khét tiếng: Hội Tam hoàng. Được xem như một trong những tổ chức tội phạm nổi cộm nhất thế giới, Hội Tam hoàng không chỉ có địa bàn tại Hong Kong, TQ mà còn sở hữu một loạt chân rết bành trướng khắp nơi trên thế giới. Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP) cho biết theo sử chép, Hội Tam hoàng xuất phát từ phong trào phản Thanh phục Minh của người Hán vào thế kỷ thứ 17, được lấy từ ba thế lực Trời, Đất và Người, vốn là một tổ chức ái quốc. Đến đầu thế kỷ 20, Hội Tam hoàng phân chia thành các băng đảng nhỏ phân tán khắp TQ, trở nên biến tướng so với tôn chỉ ban đầu, trở thành một tổ chức tội phạm thực sự với hàng loạt hoạt động bất hợp pháp trên mọi lĩnh vực, từ buôn lậu vũ khí đến tống tiền, mại dâm, bắt cóc, tổ chức vượt biên bất hợp pháp, làm hàng giả, cho vay nặng lãi, cờ bạc… Hong Kong sớm trở thành thủ phủ của Hội Tam hoàng. Một sĩ quan cảnh sát từng cho biết trong số ba triệu dân ở Hong Kong, cứ sáu người thì có một thành viên của Hội Tam hoàng. Các thành viên băng đảng của Hội Tam hoàng muốn gia nhập hội phải thực hiện “36 lời thề”, trong đó có lời thề sẵn lòng hào hiệp giúp đỡ anh em nếu bị bắt. Nếu làm sai lời thề, họ sẽ bị sét đánh chết. Hội Tam hoàng gồm ba phân nhánh hùng hậu nhất là Tân Ý An, Hòa Thắng Hòa và 14K. Cảnh sát Hong Kong đã thành lập một bộ phận chuyên đối phó với các hoạt động của Hội Tam hoàng, được gọi là Cục Tội phạm có tổ chức và Hội Tam hoàng. Ước tính có khoảng 100.000 thành viên của Hội Tam hoàng đang hoạt động tại Hong Kong. |