Sáng 1-7, trong ngày đầu triển khai Luật Căn cước 2023, tại Công an quận Bình Tân (TP.HCM) đã ghi nhận một trường hợp thực hiện việc cấp giấy chứng nhận căn cước. Đó là trường hợp của chị ĐTTT ngụ quận Bình Tân.
Chia sẻ với PV, chị T cho biết hơn 10 năm trước chị đến Đài Loan sinh sống, nhập quốc tịch Đài Loan nên chị đã tự nguyện xin thôi quốc tịch Việt Nam. Sau đó, chị quay về Việt Nam và xin nhập lại quốc tịch nhưng đến nay vẫn chưa được.
Hơn 10 năm qua, chị T không còn bất kỳ giấy tờ tuỳ thân nào nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
“Không một giấy tờ tuỳ thân khiến tôi gặp khó trong khám chữa bệnh, đi khám phải dùng dịch vụ rất tốn kém. Không những vậy, tôi cũng không thể về quê do không được đi máy bay, quê ở tận Quảng Nam đi xe khách thì khá xa” - chị T nói.
Chị T cũng chia sẻ thêm, hiện nay chị cũng đã xin thôi quốc tịch Đài Loan, bản thân chị không còn quốc tịch nào. Nay được hỗ trợ làm giấy chứng nhận căn cước chị rất vui mừng và hạnh phúc vì sau chừng ấy năm chị cũng có một giấy tờ chứng minh bản thân mình.
“Không biết nói gì hơn, cảm ơn cán bộ đã tạo điều kiện để cấp giấy cho tôi, có giấy rồi tôi sẽ không gặp khó nữa, tôi sẽ được đi máy bay, được khám chữa bệnh và hưởng các quyền lợi khác như bao người” - chị T xúc động nói.
Giấy chứng nhận căn cước cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 6 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.
Theo Công an TP.HCM, thực tế hiện nay ở nước ta có khoảng 31.117 trường hợp người gốc Việt Nam không xác định được quốc tịch (trong đó, có 775 trường hợp là con lai giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài chưa xác định được quốc tịch tập trung tại Gia Lai, Bạc Liêu, Vĩnh Long...; 10.650 trường hợp người không xác định được quốc tịch, chưa được đăng ký cư trú tập trung tại TP.HCM, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai...; 16.161 trường hợp người không có giấy tờ tùy thân tập trung tại TP.HCM, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương...).