Sẽ giám đốc thẩm vụ xử lố yêu cầu

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 18-1 có đăng bài phản ánh về một tình huống tố tụng hi hữu: Tòa sơ thẩm không thụ lý, giải quyết yêu cầu của bị đơn với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng tòa phúc thẩm vẫn xét xử luôn yêu cầu này.

Cụ thể, Công ty TNHH Phú Thành Long (Quảng Nam) nộp đơn khởi kiện Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại và Sản xuất Hòa Khánh ra TAND thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) để đòi 546 triệu đồng nợ gốc và 100 triệu đồng tiền lãi. Ra tòa, Công ty Hòa Khánh chỉ thừa nhận còn nợ Công ty Phú Thành Long hơn 185 triệu đồng, số tiền còn lại Công ty Hòa Khánh cho rằng đã ký hợp đồng giao khoán cho ông Huỳnh Hữu Hiệt và bà Đặng Thị Ngọc Mỹ (cùng ngụ thị xã Ninh Hòa) nên hai người này có trách nhiệm phải trả.


Ông Huỳnh Hữu Hiệt phản ánh vụ việc với PV. Ảnh: ĐN

TAND thị xã Ninh Hòa xác định ông Hiệt, bà Mỹ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Tháng 3-2015, tòa xử sơ thẩm, buộc Công ty Hòa Khánh phải trả cho Công ty Phú Thành Long hơn 646 triệu đồng, buộc Công ty Hòa Khánh phải nộp án phí sơ thẩm gần 30 triệu đồng. Về yêu cầu của Công ty Hòa Khánh với ông Hiệt, bà Mỹ, tòa không chấp nhận thụ lý, giải quyết và nêu rõ trong phần nhận định của bản án là nếu các bên có tranh chấp thì khởi kiện bằng một vụ kiện khác.

Công ty Hòa Khánh kháng cáo. Tháng 8-2015, TAND tỉnh Khánh Hòa xử phúc thẩm, nhận định cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn là có căn cứ nhưng chưa xem xét trách nhiệm của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là chưa đảm bảo quyền lợi của bị đơn. Từ đó tòa phúc thẩm vẫn tuyên buộc Công ty Hòa Khánh phải trả cho Công ty Phú Thành Long hơn 646 triệu đồng nhưng sửa án sơ thẩm, buộc ông Hiệt, bà Mỹ phải trả cho Công ty Hòa Khánh gần 426 triệu đồng…

Sau phiên xử, ông Hiệt, bà Mỹ đã làm đơn khiếu nại giám đốc thẩm, cho rằng việc TAND tỉnh Khánh Hòa chấp nhận yêu cầu của Công ty Hòa Khánh đối với họ khi trước đó TAND thị xã Ninh Hòa không thụ lý, giải quyết là vượt quá phạm vi xét xử phúc thẩm, vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia nhận xét việc xét xử của tòa phúc thẩm trong vụ án trên đã vượt quá phạm vi xét xử phúc thẩm, xâm hại đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vì họ chỉ được một cấp xét xử (bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật ngay)…

Ngày 19-1, VKSND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản trả lời ông Hiệt. Theo văn bản này, qua nghiên cứu nội dung đơn khiếu nại của ông Hiệt, VKSND tỉnh Khánh Hòa đã có báo cáo đề nghị VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm kinh doanh thương mại của TAND tỉnh Khánh Hòa.

Sau khi Pháp Luật TP.HCM phản ánh về vụ cưỡng chế thi hành án (THA) bản án phúc thẩm nêu trên đối với vợ chồng ông Hiệt, Cục THA dân sự tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu Chi cục THA dân sự thị xã Ninh Hòa báo cáo và tạm dừng việc cưỡng chế. Chiều 18-1, ông Phan Ngọc Hạnh (Chi cục trưởng Chi cục THA dân sự thị xã Ninh Hòa) đã thông báo tạm dừng cưỡng chế. Lý do tạm dừng là vì thời điểm cưỡng chế giáp tết Nguyên đán.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm