Sẽ tiêm vaccine ngừa COVID-19 miễn phí cho người dân

Sáng 23-2, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 họp thảo luận một số vấn đề liên quan đến tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Tiêm vaccine vẫn thực hiện 5K

Về lâu dài, hệ thống vaccine sẽ hoàn thiện và đáp ứng đầy đủ, tiến tới người dân sẽ được tiêm miễn phí giống như trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Bên cạnh đó có phần nhỏ vaccine dịch vụ dành cho những người có khả năng chi trả cao hơn.

Theo các chuyên gia, vaccine Astra Zeneca đang được nhập về Việt Nam đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiền thẩm định chất lượng. Về nguyên tắc, khi về đến Việt Nam, vaccine Astra Zeneca có thể tiêm ngay được.

Ông Trần Đắc Phu, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc (Bộ Y tế), cho biết các loại vaccine khi về Việt Nam (như trước đây là Quinvaxem hay ComBE Five) đều được thử nghiệm đánh giá an toàn. Tuy nhiên, bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và đây là tình huống khẩn cấp nên Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị để tiêm vaccine này cho các đối tượng ưu tiên, đối tượng nguy cơ theo đúng kế hoạch.

Đây là cách làm để vừa chống dịch vừa kiểm soát độ an toàn, đảm bảo đưa vaccine ngừa COVID-19 an toàn nhất đến cho người dân.

Cũng theo ông Trần Đắc Phu, ở những nước đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng như Israel chẳng hạn, hiện vẫn khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, các biện pháp khử khuẩn và giữ khoảng cách…

Các thành viên Ban chỉ đạo khẳng định Chính phủ đang chỉ đạo để triển khai vaccine COVID-19 sản xuất trong nước. Theo đó, sẽ rút ngắn các thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo các khâu an toàn và hiệu quả trong sản xuất, phát triển vaccine.

Sở GD&ĐT TP.HCM đề xuất học sinh trở lại trường từ 1-3

Căn cứ tình hình công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiện nay của TP, Sở GD&ĐT nhận thấy việc học sinh quay trở lại trường từ ngày 1-3 là phù hợp.

Sở GD&ĐT TP.HCM trong ngày 23-2 đã có báo cáo gửi UBND TP.HCM về công tác chuẩn bị cho học sinh quay lại trường. 

Quý II sẽ có 4,8 triệu liều vaccine

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết thêm, hiện nay Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch tổng thể từ tập huấn, tuyên truyền cho đến lập danh sách các đối tượng được tiêm vaccine.

Là người ký kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 do Giải pháp tiếp cận vaccine phòng COVID-19 toàn cầu (COVAX Facility) hỗ trợ, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết vaccine từ nguồn của COVAX Facility là một nhánh trong kế hoạch tổng thể này. Cạnh đó còn có nguồn vaccine do chúng ta đặt mua của nước ngoài, sau này có thể có cả vaccine sản xuất trong nước.

Đối với vaccine từ nguồn COVAX Facility, dự kiến cuối quý I, đầu quý II năm 2021 sẽ có 4,8 triệu liều đầu tiên về Việt Nam.

Về khả năng ứng phó các tai biến tiêm chủng có thể xảy ra khi tiêm vaccine ngừa COVID-19, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho rằng việc đánh giá hiệu quả, độ an toàn, liều lượng tiêm chúng ta đang tuân theo các thông báo của WHO hoặc các cơ quan y tế quốc tế có thẩm quyền.

Thành viên ban quản trị chung cư Carillon (quận Tân Bình, TP.HCM) bắt tay chúc mừng bà con ở tầng 15 trước khi sợi dây ngăn cách được tháo xuống. Ảnh: TÂM TRÀ

Việt Nam đang cho phép nhập khẩu và lưu hành, triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong điều kiện khẩn cấp để phòng, chống dịch. Do vậy, việc đánh giá, dự báo khả năng xảy ra tai biến tiêm chủng cũng như hiệu quả của vaccine phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Trong kế hoạch tổng thể mà Bộ Y tế sẽ ban hành, bên cạnh những lợi ích, tác dụng của vaccine, chúng ta cũng phải tuyên truyền về những tác dụng, phản ứng không mong muốn có thể xảy ra để người dân biết và đồng hành với ngành y tế.

Với dự kiến sẽ tiêm chủng cho hàng triệu người trong một thời gian ngắn, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng việc ứng phó, xử lý những tai biến có thể xảy ra sau tiêm chủng hoàn toàn trong khả năng của ngành y tế khi chúng ta đã có rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng hàng chục năm qua.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết thêm, việc lập danh sách các đối tượng tiêm vaccine miễn phí sẽ theo nguyên tắc ưu tiên cho những lực lượng tuyến đầu chống dịch và thực hiện trước ở những địa phương đang có dịch.

“Dù tiêm miễn phí hay theo diện xã hội hóa, dịch vụ thì đều phải theo lộ trình, kế hoạch tổng thể của Bộ Y tế” - Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên khẳng định.

TP.HCM gỡ bỏ điểm phong tỏa cuối cùng

Sáng cùng ngày, ngay sau khi nhận được kết quả 31 người dân tại đây đều âm tính, lực lượng chức năng phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM đã thông báo tin vui cho bà con, đồng thời tháo sợi dây ngăn cách để mọi người được hoạt động trở lại.

Được biết chung cư Carillon có hai block với gần 400 người, trong đó phong tỏa toàn bộ block F liên quan đến trường hợp nghi nhiễm là nam nhân viên giám sát hàng hóa của Vietnam Airlines, 43 tuổi, sống ở tầng 15 chung cư này.

Ba trường hợp F1 sống cùng nhà trường hợp nghi nhiễm được đưa đi cách ly tập trung ở BV dã chiến Củ Chi, 26 trường hợp F2 đã được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả âm tính.

TP.HCM có 35 điểm phong tỏa cách ly do dịch COVID-19, chung cư Carillon là điểm phong tỏa cuối cùng được gỡ bỏ.

Thêm 6 ca mắc COVID-19 ở Hải Dương và Quảng Ninh

Chiều 23-2, Bộ Y tế thông tin cả nước thêm sáu ca mắc mới (BN 2396 - 2401) ghi nhận trong nước tại Hải Dương (5), Quảng Ninh (1), nâng tổng số ca mắc do lây nhiễm trong nước lên 1.502 ca, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-1 đến nay là 809 ca.

Sáu ca mắc mới gồm BN 2396 - 2399 và BN 2401, năm ca ghi nhận tại Hải Dương là các trường hợp F1, đều đã được cách ly tập trung trước đó. Hiện BN 2396 - 2399 được cách ly, điều trị tại BV dã chiến số 2 Trường ĐH Kỹ thuật y tế Hải Dương; BN 2401 đang được cách ly, điều trị tại BV dã chiến số 1 - Trung tâm Y tế TP Chí Linh.

Ca bệnh 2400 (BN 2400) ghi nhận tại Quảng Ninh là trường hợp F1 liên quan đến các BN 1633, 1655, 1656 và BN 2093. Hiện bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại BV số 2 tỉnh Quảng Ninh. 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm