SEA Games 32 bị phản ứng vì “luật Đông Nam Á”

(PLO)- SEA Games vẫn bị mang tiếng là ao làng và quốc gia đăng cai có quyền rất lớn trong việc chi phối môn thi đấu lợi cho mình nhưng “ép” các đoàn khác. SEA Games 32 này tranh cãi càng dữ dội hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nếu trước đây thể thao Việt Nam đã than phiền không ít về các môn ở SEA Games 32 diễn ra tại Campuchia sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích của thể thao Việt Nam, thì mới đây Thái Lan đã lên tiếng rất gay gắt.

Sau khi phía chủ nhà SEA Games 32 Campuchia tuyên bố cắt giảm tổng số môn thi từ 608 bộ huy chương xuống còn 581 bộ và cắt giảm một số môn, lập tức gặp phản ứng gay gắt từ một số đoàn.

Tại hội nghị trưởng đoàn​​ ở Campuchia, tờ Bangkok Post nhận định những thay đổi về một số nội dung thi đấu ảnh hưởng đến thế mạnh của nhiều đoàn và tất nhiên nhằm mang lại lợi thế cho nước chủ nhà SEA Games 32.

Thái Lan cũng lên tiếng phản ứng mạnh việc môn võ truyền thống của mình bị chủ nhà SEA Games 32 đổi tên (!?). Cụ thể là môn muay Thái, tương đồng với kickboxing (quyền Anh có dùng chân) bị phía Campuchia “đổi” là Kun Khmer.

Cũng cần biết Kun Khmer không phải là môn mới, mà là võ truyền thống của người Khmer với các đòn đánh giống muay Thái và cách tính điểm cũng giống nhau.

Các đoàn thể thao Đông Nam Á tại SEA Games. Ảnh: ANH PHƯƠNG
Các đoàn thể thao Đông Nam Á tại SEA Games. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Chủ nhà SEA Games 32 cũng có quyết định ở môn cầu lông với nội dung hỗn hợp dành cho các đội sẽ ra mắt năm nay nhưng bị giới hạn và chỉ dành cho các đội thuộc hạng 2, đến từ Campuchia, Lào, Myanmar, Brunei và Đông Timor tham dự. Điều này khiến các quốc gia có nền cầu lông phát triển và được xếp hạng 1 như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Singapore bị mất cơ hội tranh tài ở các nội dung bị phân loại.

Chuyện loại các nội dung mà chủ nhà không mạnh vốn đã có từ lâu ở “ao làng” SEA Games nhưng cách “khoanh vùng” và thêm thắt, phân nhóm như môn cầu lông bị xem là khó có thể chấp nhận.

Ở nội dung đua thuyền ba tay chèo nữ, quy định mới cũng cấm các VĐV Thái Lan nhưng cho phép Campuchia, Singapore, Việt Nam, Lào, Brunei, Đông Timor và Malaysia thi đấu.

Sân vân động Morodok Techo, địa điểm khai mạc SEA Games 32 vào tháng 5 tới tại Campuchia. Ảnh: REUTERS
Sân vân động Morodok Techo, địa điểm khai mạc SEA Games 32 vào tháng 5 tới tại Campuchia. Ảnh: REUTERS

Trưởng đoàn Thái Lan Thana Chaiprasit cho biết: “Những thay đổi này có thể mang lại lợi thế tổng thể cho Campuchia và quốc gia này đã đệ trình những thay đổi tiếp theo vào sổ tay kỹ thuật để được xét duyệt”. Ông Chaiprasit nhận định việc nước chủ nhà tùy tiện thêm hoặc bớt sẽ là rất khó để các VĐV chuẩn bị chu đáo cho các nội dung thi đấu của họ.

Những bất hợp lý trên vẫn còn được xét duyệt tại cuộc họp quan trọng vào cuối tháng 2 này và liệu Hội đồng SEA Games có đủ cứng rắn để SEA Games không bị sa đà vào việc cờ đến tay ai thì người đó… chế, làm ảnh hưởng đến tinh thần Olympic.

Khi Hội đồng SEA Games luôn lệ thuộc lớn vào chủ nhà

Lịch sử các kỳ SEA Games, nước chủ nhà đăng cai chưa bao giờ có lời và việc nhận đăng cai cũng là nhận gánh những phần khó cho Hội đồng SEA Games, bởi có những kỳ SEA Games chủ nhà nhận quyền đăng cai rồi lấy lý do khó khăn và xin bỏ. Lúc đấy Hội đồng SEA Games lại phải chạy đôn chạy đáo và năn nỉ những quốc gia có điều kiện nhận thay thế quyền đăng cai. Cũng vì những khó khăn đó cộng với việc khuyến khích nhiều quốc gia chưa lần nào đăng cai hãy mạnh dạn làm chủ nhà mà Hội đồng SEA Games luôn có “điều khoản” mở rộng cho chủ nhà điều chỉnh gọi là để phù hợp với hoàn cảnh. Đó cũng là lý do quốc gia nào đăng cai SEA Games thì quốc gia đấy nổi trội về thành tích và thường dẫn đầu với số huy chương áp đảo.

Đ.TR

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm