Sếp là người thông minh nhất văn phòng. Nguy to!!!

Vài ngày trước, con gái tôi hỏi: “Mẹ ơi, mẹ làm việc gì giỏi nhất?”

Tôi sững lại trước khi trả lời: “Ừ thì, mẹ nghĩ là mẹ giỏi việc tuyển những người thông minh.”

“Nhưng mà mẹ ơi,” con gái tôi phản đối, “Mẹ là người thông minh nhất thế giới mà! Còn có những người hơn mẹ nữa sao?”

Tôi cười : “Mặc dù mẹ rất vui khi con tin tưởng ở mẹ đến vậy, nhưng con ạ, ngoài kia có VÔ SỐ người thông minh hơn mẹ của con nhiều !”

Tôi say mê với nghiệp chiêu mộ nhân tài. Chẳng có gì giống với việc tìm kiếm những tài năng mới và chứng kiến chính những tài năng đó dần đưa công ty bạn vươn đến một tầm cao mới. Và câu trả lời của tôi dành cho con gái đã minh họa cho nguyên tắc đầu tiên (cũng có lẽ là nguyên tắc quan trọng nhất) mà tôi áp dụng khi tuyển người.

Hãy lựa chọn những người thông minh và tài năng hơn bạn

Tôi thích tìm kiếm những người khiến tôi cảm thấy thách thức. Tôi luôn nói rằng nếu tôi là người khôn ngoan nhất trong phòng, thì đúng là rắc rối to. Vai trò của tôi, như một người đứng đầu là làm sao kết nối được những cá nhân tài giỏi và sáng giá nhất, đồng thời, loại bỏ các chướng ngại vật để họ có thể phát triển và hoàn thành công việc.

Điều đó nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng với nhiều người, việc chấp nhận những người giàu kinh nghiệm, giàu tri thức hoặc sáng suốt hơn mình, có thể hơi đáng sợ. Người lãnh đạo giỏi phải ý thức được rằng anh ta không nhất thiết phải là một quyển từ điển sống.

Tin tưởng vào linh tính

Hồi còn làm hiệu trưởng một trường học ở Washington, tôi đã phỏng vấn ứng viên mà nhìn qua thì có vẻ khá ấn tượng trên giấy tờ. CV của cô ấy rất tuyệt, và trong suốt buổi phỏng vấn, cô ấy đã đưa ra những câu trả lời thực sự hoàn hảo… chỉ là, chúng có vẻ hơi quá hoàn hảo, quá khôn khéo, và quá hung hăng.

Điều này khiến tôi hơi phiền, nhưng rồi, tôi bỏ qua một bên những lo lắng đầy cảm tính và tự thuyết phục mình rằng cô ấy thông minh, là một lựa chọn cực kì sáng giá, và sẽ làm được việc.

Phải mất đến vài tuần để cái bản tính “biết tuốt”, “nói nhiều nghe ít” của cô nàng chồi lên khỏi mặt đất với ít nhiều hằn học. Lúc ấy, tôi nhận ra ngay tắp lự rằng mình đã mắc phải một sai lầm khủng khiếp. Hãy luôn tin tưởng linh tính của mình.

Sự tương thích về văn hóa là vấn đề sống còn

Dù trong trường học hay trong phạm vi công sở, nếu một cá nhân không phù hợp với văn hóa của tổ chức, thì anh ta sẽ không trụ lại lâu được, cho dù có tài năng đến đâu.

Họ có thể làm việc tốt trong đội ngũ của chúng ta hay không? Họ có tin tưởng vào sứ mệnh và chia sẻ các giá trị của chúng ta? Họ có hòa hợp được với đồng nghiệp hay không?

Đó là những câu hỏi tôi tự đặt ra cho mình khi đứng trước một ứng viên. Điều đó, tất nhiên, cũng có nghĩa là bạn phải hiểu và phải nắm được, văn hóa của công ty bạn là gì.

Đừng sợ khi cho người khác cơ hội thích nghi với công việc

Vị vua nói lắp George VI của nước Anh thời Thế chiến II. Khi đã có Winston Churchill ở bên cạnh và Bernard Montgomery ngoài chiến trường, một vị vua chỉ cần ăn mặc đẹp.

Một vài người tin rằng bạn phải thuê người thỏa mãn đầy đủ yêu cầu công việc và có khả năng hoàn thành chính xác nhiệm vụ đề ra, ngay từ ban đầu. Với tôi, điều này thật vô nghĩa.

Hồi mới khởi động dự án ”Giáo viên mới” ở New York, một trong số những vị trí tuyển dụng quan trọng nhất của tôi là CFO (giám đốc tài chính). Tôi đã phỏng vấn một phụ nữ rất sáng dạ và nhiệt tình. Cô ấy biết chút ít về tài chính, nhưng có nhiều kinh nghiệm phong phú, dù vậy, người ta thường không quá quan tâm đến chúng khi tìm kiếm một CFO.

Vài người nói tôi mất trí khi coi trọng cô ấy, nhưng tôi biết rằng, cô ấy được sinh ra là để làm việc cho chúng tôi, và cuối cùng thì, cô ấy đã trở thành một trong số những lựa chọn tốt nhất trong sự nghiệp của tôi.

Nếu một người có kiến thức nền tảng phù hợp, thông minh và tham vọng, họ có thể phát triển để trở nên xuất sắc trong bất kì vị trí nào.

Hỏi những câu thăm dò

Các đồng nghiệp hay nói giỡn về kiểu “phỏng vấn 7 phút” của tôi, có nghĩa là trong 7 phút, tôi có thể xác định được ứng viên này có phù hợp hay không. Tất nhiên, thường thì các bạn sẽ xoay quanh thông tin về công ty, về đường lối lãnh đạo, nhưng, phần mình, tôi luôn hỏi các ứng viên tiềm năng 3 câu sau:

* “Ở công ty cũ bạn có thành công không, sao bạn nghĩ như thế?” Tôi chỉ bị thuyết phục bởi số liệu và kết quả. Những câu trả lời kiểu như “Vì mọi người có vẻ thích làm việc với tôi” hay ”tôi đã được thăng chức” không giải thích được gì. Tôi thà rằng nghe những câu cụ thể như “bởi doanh số đã tăng 35% trong thời gian tôi làm việc.”

* “Thử thách lớn nhất mà bạn đã gặp phải trong năm qua là gì?”. Tôi không quan tâm liệu họ có vượt qua được nó hay không, tôi chỉ quan tâm đến quá trình suy nghĩ của họ, cách họ tiếp cận vấn đề. Nó có mang tính chiến lược không? Có sáng tạo không? Có kiên trì không?

* “Nhược điểm lớn nhất của bạn là gì?” Đây là một câu hỏi cũ nhưng hiệu quả. Chúng ta đều có những điểm yếu thật sự. Tôi thích những người có thể thẳng thắn và thành thật về thiếu sót của mình. Những câu như “ Tôi làm việc quá chăm chỉ” hay “Tôi quá yêu công việc của mình” không phải những câu trả lời tôi mong đợi.

Những tổ chức tuyệt vời được xây dựng bởi những con người tuyệt vời làm việc ở đó. Trách nhiệm quan trọng nhất của người lãnh đạo, có lẽ là xác định được đâu là quyết định tuyển dụng sáng suốt.

Sau khi trải qua hàng ngàn buổi phỏng vấn suốt những năm qua, trên đây là những nguyên tắc tuyển dụng mà tôi đã học để tuân thủ, dù biết rằng không có phương pháp nào đảm bảo được thành công nhưng tôi tự hào về kết quả mà nó đem lại.

 Theo Hà Phương (Trí Thức Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới