Sĩ số tăng chóng mặt, học trò học ở đâu?

Năm học 2017-2018, TP.HCM tiếp tục tăng hơn 59.000 học sinh (HS). Trong đó tập trung đông nhất ở các quận, huyện có áp lực tăng dân số cơ học như quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh, Củ Chi… Thông tin trên được Sở GD&ĐT TP.HCM báo cáo tại buổi làm việc với Ban Văn hóa Xã hội - HĐND TP về triển khai thực hiện chính sách pháp luật trong GD&ĐT sáng 6-6.

Tăng gần 60.000 học sinh

Theo ông Dương Trí Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Sở GD&ĐT, mức tăng này tương đương với năm học trước. Cụ thể, bậc mầm non tăng 19.833 HS, tiểu học tăng 20.199 HS, THCS tăng 12.741 HS và THPT tăng 6.319 HS. Đáng nói, tăng chủ yếu ở những địa bàn đông dân nhập cư, không có hộ khẩu TP. Trong năm học trước, số HS không có hộ khẩu trên địa bàn TP là 294.239 em. Bình quân mỗi năm tăng hơn 25.000 em thuộc diện này.

Theo ông Dũng, để đảm bảo đến năm 2020 TP có đủ 300 phòng học/10.000 dân theo chủ trương, Sở GD&ĐT đã rà soát với các phòng GD&ĐT 24 quận, huyện và các sở, ngành liên quan để đầu tư 722 dự án với 12.000 phòng học. Muốn đáp ứng điều này, TP cần đầu tư hơn 50.000 tỉ đồng.

Ý kiến tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD&ĐT, cho rằng vấn đề đảm bảo đủ trường lớp với đà tăng dân số hiện nay là rất nan giải, nhất là tiểu học.

Ông Vinh phân tích: “Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD&ĐT, dự kiến năm học 2018-2019 thực hiện 100% HS học hai buổi/ngày ở lớp 1, đến năm 2023 sẽ thực hiện tất cả các lớp bậc tiểu học. Nhưng hiện TP chỉ có 70% trường tiểu học dạy hai buổi/ngày, số HS được học hai buổi cũng chưa cao. Vì vậy, với tốc độ gia tăng số HS như hiện nay thì TP rất khó để thực hiện được”.

Ông Vinh cũng đưa ra kiến nghị TP cần tăng cường đầu tư xây dựng trường lớp hơn nữa, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất là những địa bàn đông người lao động để đảm bảo đủ chỗ học cho con em.

Việc tăng hàng chục ngàn học sinh mỗi năm gây áp lực không nhỏ trong việc đáp ứng đủ chỗ học cho các em tại TP.HCM. Ảnh minh họa: PA

Lo GV giỏi bỏ trường công

Ông Vinh cũng nói thêm: Tỉ lệ giáo viên (GV)/lớp ở bậc tiểu học cũng hết sức nan giải với số HS ngày một tăng. Nhiều năm nay TP đã cố gắng nhưng để đảm bảo đủ 1,2 GV/lớp (một buổi/ngày) và 1,5 GV/lớp (hai buổi/ ngày) theo quy định của Bộ GD&ĐT thì vẫn chưa thực hiện được, dù đã tuyển cả ứng viên diện KT3.

Ông Vinh kiến nghị: Phải làm sao đảm bảo chính sách đãi ngộ mới giữ chân GV được. Nếu cứ đãi ngộ thấp thì một năm dù tuyển GV bao nhiêu đợt thì vẫn không đủ.

“Nhiều GV giỏi ở các trường công lập hiện nay đang có khuynh hướng chuyển ra trường ngoài công lập hoặc sang ngành nghề khác. Nhất là GV tiếng Anh đang rất thiếu. Nếu cứ tiếp tục tình trạng này, việc đảm bảo đủ GV để đẩy mạnh việc nâng cao năng lực tiếng Anh cho HS và nhất là chuẩn bị cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sắp tới sẽ rất khó khăn” - ông Vinh thẳng thắn.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết vấn đề tăng HS hằng năm là khó khăn lớn của TP. Tuy nhiên, chủ trương của TP là đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả con em dù có hộ khẩu hay không. Vì vậy, theo ông Nam, TP đang nỗ lực xây dựng trường lớp và tuyển dụng GV cho năm học mới. Sở cũng đã có quy hoạch xây dựng trường lớp cụ thể cho từng quận, huyện. Sở cũng đã sơ kết 10 năm thực hiện quy hoạch này và từng quận, huyện cũng đã có quy hoạch đất đai cụ thể để làm sao có đất để xây dựng trường lớp đáp ứng theo mức tăng HS thực tế.

Tại cuộc họp, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa Xã hội của HĐND TP, yêu cầu Sở GD&ĐT phải rà soát, đẩy mạnh xây dựng các dự án trường lớp đã được phê duyệt và cấp vốn để đảm bảo đủ chỗ học cho con em trong năm học mới. Sở phải xây dựng văn bản đề xuất chế độ chính sách cho GV tiểu học để Ban báo cáo với HĐND TP và làm việc với các sở, ngành để có lộ trình ban hành chính sách riêng cho GV cấp học này. Bà Nhung cũng lưu ý, việc tuyển dụng GV cần được phân cấp và điều tiết hợp lý để đảm bảo đủ GV cho tất cả địa bàn, không để tình trạng thiếu GV hoặc chỉ dồn vào những trường tốt.

Không tăng học phí năm học 2017-2018

Tại buổi làm việc với Ban Văn hóa Xã hội của HĐND TP sáng 6-6, ông Dương Trí Dũng, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính Sở GD&ĐT TP, cho biết thời gian qua Sở đã làm việc và lấy ý kiến của các phòng giáo dục 24 quận, huyện, các phòng ban chuyên môn của Sở về việc xây dựng học phí chuẩn bị cho năm học mới 2017-2018. Theo đó, Sở đề xuất sẽ giữ nguyên mức học phí như năm trước. Hiện Sở cũng đã trình kế hoạch này cho UBND TP để được xem xét, phê duyệt.

Nếu không có gì thay đổi, các khoản thu ở các trường tiên tiến theo xu thế hội nhập vẫn tiếp tục thực hiện theo Quyết định 3968 của UBND TP ban hành năm 2015. Tức là học phí chính quy là 120.000 đồng/học sinh/tháng. Các khoản thu còn lại được thỏa thuận để đảm bảo các yêu cầu hoạt động thực hiện mô hình tiên tiến nhưng tổng mức thu thỏa thuận không quá 1,5 triệu đồng/học sinh/tháng.

_______________________________

Dự kiến đến đầu năm học tới, TP.HCM sẽ đưa vào sử dụng thêm 1.497 phòng học, trong đó bậc mầm non tăng 370 phòng, tiểu học tăng 349 phòng, THCS tăng 422 phòng, THPT tăng 314 phòng và các hệ thống khác như trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên biệt tăng 29 phòng. Trong đó quận, huyện có số lượng phòng học tăng mạnh nhất là huyện Củ Chi tăng 202 phòng, kế đến là huyện Bình Chánh tăng 137 phòng, quận Bình Thạnh tăng 89 phòng, quận 12 tăng 82 phòng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm