Vào những ngày cuối tuần, do lượng người đổ dồn về các trung tâm tiệc cưới, các siêu thị mới liên tiếp mọc lên trên tuyến đường này nên giao thông qua đây cũng luôn tắc nghẽn.
Nhiều lần đi qua đường các trục đường gần sân bay Tân Sơn Nhất, gặp cảnh ùn tắc triền miên, tôi cũng lắc đầu ngao ngán khi nhìn các cao ốc cũng đang đau nhua mọc lên như nấm và nghĩ về viễn cảnh kẹt xe sẽ còn khủng khiếp hơn trong tương lai không xa.
Vì sao các tuyến đường vốn đã kẹt xe liên miên vậy mà các cao ốc, siêu thị, trung tâm tiệc cưới… vẫn cứ đua mọc lên nhiều như thế? Tôi đem thắc mắc này hỏi một chuyên gia về quy hoạch - giao thông. Không ngờ ông lại cười xòa: “Ai xây cao ốc, siêu thị, trung tâm tiệc cưới mà lại không muốn chọn chỗ đông dân. Đó là chuyện bình thường, vì những vị trí thuận lợi như thế nhà đầu tư nào cũng muốn chọn”.
Theo vị chuyên gia trên, nhà đầu tư không có lỗi khi có nhu cầu xây dựng những công trình ở những chỗ đông dân mà lỗi thuộc về nhà quản lý. “Ở nhiều nước, khi xây các công trình tập trung đông người như cao ốc, siêu thị… bắt buộc phải đánh giá tác động về giao thông. Họ có phần mềm sẵn, chỉ cần nhập dữ liệu vào như công trình cao bao nhiêu, diện tích sàn xây dựng ra sao… thì kết quả tác động sẽ hiện ra tương ứng. Theo đó, với những công trình gây tác động lớn, cơ quan quản lý nhà nước sẽ không cấp phép. Còn với những công trình gây tác động ít, nhà đầu tư phải đưa ra phương án khắc phục như bỏ tiền ra để mở rộng thêm đường hay lắp thêm đèn giao thông…” - vị chuyên gia giải thích thêm.
Nghe giải thích xong, tôi cũng thầm ước, giá mà ở TP.HCM các cơ quan quản lý nhà nước cũng làm được như thế. Với những nơi tập trung đông người, giá như công trình như cao ốc, siêu thị, trung tâm tiệc cưới… được “đánh giá tác động giao thông” có lẽ câu chuyện kẹt xe cũng sẽ không căng thẳng như hiện nay và cơ quan quản lý cũng không phải rơi vào cảnh “rượt đuổi” triền miên.
Đúng là các cao ốc, siêu thị, trung tâm tiệc cưới chẳng có tội gì. Chỉ tội cho người dân phải gồng mình hứng chịu bụi bặm, ồn ào và những cơn khó chịu ập đến trên những đoạn đường có các công trình “góp phần” gây kẹt xe từ những hạn chế của tầm nhìn.