Công an Bạc Liêu đang dựng lại hiện trường vụ trộm - Ảnh tư liệu Công an Bạc Liêu |
“Chìa khóa” bên ngoài hiện trường
Theo đại tá Dương Tứ Phương, trong lúc ông cùng các đồng nghiệp điên đầu với những vụ trộm đột nhập nhà lấy tiền tỉ giữa ban ngày thì đúng mùng 1 Tết Quý Tỵ (ngày 20-2-2013) lại xảy ra vụ trộm tại nhà ông Phạm Minh Tú (giám đốc ban quản lý xây dựng cơ bản H.Đông Hải, Bạc Liêu) tại H.Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.
Ngay khi nhận tin ban đầu, nghe thông báo về phương thức, thủ đoạn, ông Phương đã đánh giá khả năng là cũng một băng nhóm gây ra vụ trộm tại nhà bà Bồng, cách nhà ông Tú vài kilômet trước đó không lâu.
“Chúng không coi pháp luật ra gì, thách thức cả lực lượng Công an Bạc Liêu khi liên tiếp gây án trên cùng một địa bàn trong thời gian ngắn như vậy. Nghe tin là tôi thấy bức xúc, cùng anh em tới hiện trường ngay lập tức với hi vọng tìm ra dấu vết để truy bắt cho được băng trộm liều lĩnh này”- ông Phương nhớ lại.
Khi đại tá Phương cùng các điều tra viên tới, hiện trường được giữ nguyên. Ông Phương nói: “Nhìn ngôi nhà kín cổng cao tường kiên cố từ trong ra ngoài, lại có thêm hệ thống camera an ninh gắn hệ thống báo động tự động mà vẫn bị đột nhập dễ dàng khiến chúng tôi cảm thấy như bị thách thức”.
Tuy nhiên, khám nghiệm toàn bộ hiện trường, PC45 không thu giữ được dấu vết nào có khả năng tìm ra được những kẻ đột nhập.
Cuộc khám nghiệm kéo dài tới tối muộn cùng ngày nhưng các điều tra viên, trinh sát đều lắc đầu thất vọng vì không tìm ra manh mối nào khả quan.
Sáng mùng 2 tết, ca trực mới thay thế cho nhóm đại tá Phương. “Tiếp nhận hồ sơ một vụ trộm vào ngày đầu tiên làm việc trong năm mà không có manh mối nào sáng sủa, điều này khiến chúng tôi hết sức băn khoăn”- thiếu tá Lý Minh Khương, phó trưởng phòng PC45 Công an tỉnh Bạc Liêu, nhớ lại.
Để trả lời các câu hỏi tự đặt ra, ông Khương dẫn nhóm điều tra viên khác trở lại hiện trường quyết lần từng centimet để tìm ra dấu vết có giá trị.
Cả nhóm của ông Khương tiếp tục thất vọng vì dù kiểm tra kỹ càng, tìm từng bước chân, cho trinh sát thực nghiệm hướng đột nhập vào nhà để tìm sơ hở cũng không thấy.
Một câu hỏi bất ngờ hiện ra: băng trộm bỏ lại găng tay, vậy chúng thoát ra bằng đường nào mà không để lại dấu vết?
Để trả lời câu hỏi của mình, ông Khương tự trèo ngược lên mái nhà thì bất ngờ khi phát hiện nhiều dấu hiệu khả nghi. Xuống gặp chủ nhà, ông đề nghị cho phép... cắt một đoạn mái tôn để đưa về cơ quan giám định truy tìm dấu vết.
“Với nhiều người, việc dỡ mái, cắt nóc nhà vào ngày đầu năm là điều kiêng kỵ, nhưng để phục vụ công tác điều tra ông Tú cũng chấp thuận cho chúng tôi cắt mái tôn đưa đi.
Đây là đầu mối quan trọng vô cùng, nó như “chìa khoá” để có thể mở ra manh mối phá án nên anh em điều tra hồi hộp mong chờ thông tin từ cơ quan giám định từng giờ từng phút”- thiếu tá Khương nói.
Kết quả giám định cho thấy có dấu vết có thể nhận dạng kẻ trộm trên miếng tôn thu thập tại hiện trường. Dấu vết này khác biệt với nhận dạng của các thành viên và người giúp việc trong gia đình ông Tú.
“Đây là tin vui vô cùng lớn với anh em làm điều tra. Nó như trút gánh nặng ngàn cân trên vai chúng tôi, vì chỉ cần có đầu mối, dù có đi khắp nơi chúng tôi cũng phải tìm ra kẻ gieo rắc tai họa cho hàng trăm gia đình khắp các tỉnh miền Tây này”- thiếu tá Khương nhớ lại.
Nhà ông Tú sau khi xảy ra vụ trộm và công an đang khám nghiệm hiện trường - Ảnh: tư liệu CA Bạc Liêu |
Chuyên án liên tỉnh
Ngay khi có kết quả giám định nhận dạng của phòng kỹ thuật hình sự, PC45 Công an tỉnh Bạc Liêu đã rà soát toàn bộ hồ sơ các đối tượng hình sự có trong tàng thư lưu trữ của tỉnh.
Cùng thời gian, Công an tỉnh Bạc Liêu cũng gửi mẫu dấu vết nhận dạng tới Cục Hồ sơ lưu trữ của Bộ Công an để truy tìm tung tích đối tượng.
“Chúng tôi đã dựng lên sáu nhóm, hơn 90 đối tượng khả nghi liên quan tới các vụ trộm từ trước tới nay ở tỉnh Bạc Liêu, cử các trinh sát rà soát, theo dõi những hoạt động bất thường của những người này.
Tuy nhiên qua nhiều ngày theo dõi, PC45 không phát hiện có biểu hiện hoạt động phù hợp với quy luật của băng trộm đột nhập nhà ông Tú, kết quả so sánh của cơ quan giám định cũng cho thấy không có sự trùng khớp giữa dấu vết ở hiện trường với nhóm khả nghi. Các đối tượng trong tỉnh được loại trừ”, đại tá Phương nhớ lại.
Xác định mức độ nguy hiểm của nhóm tội phạm liên tỉnh này, PC45 Công an tỉnh Bạc Liêu đã đề xuất lập chuyên án để đấu tranh, truy tìm băng trộm này vào tháng 3-2014.
Thực hiện chuyên án, PC45 Công an tỉnh Bạc Liêu đã cử nhiều tổ công tác tới các tỉnh như Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ, Cà Mau. Ở các tỉnh này, công an địa phương đều ghi nhận các vụ trộm có thủ đoạn tương tự như tại Bạc Liêu.
Số vụ trộm với thủ đoạn tương tự, nghi do cùng một băng nhóm gây ra là hàng chục vụ, số tiền lên tới hàng chục tỉ đồng và đây chưa phải là con số cuối cùng, vì có những vụ việc bị trộm nhưng chưa được lập hồ sơ đầy đủ.
Xác định đây là một băng trộm chuyên nghiệp, có khả năng các vụ trộm ở nhiều tỉnh, thành phố đều do một nhóm gây nên. Tính chất chuyên nghiệp, tổ chức chặt chẽ và am hiểu nghiệp vụ của cơ quan điều tra, có biện pháp đối phó rất tinh vi.
Vì vậy vụ việc được báo cáo tới Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) Bộ Công an đề nghị hỗ trợ, chỉ đạo công tác phối hợp giữa các địa phương để phá án.
Nhận thấy tính chất phức tạp, quy mô hoạt động liên tỉnh của băng trộm này, thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, đã quyết định thành lập ban chỉ đạo điều tra chuyên án do đại tá Hoàng Văn Vĩnh, phó C45, làm trưởng ban cùng lãnh đạo các cục nghiệp vụ, lãnh đạo công an các tỉnh, thành phố có liên quan là phó ban, thành viên của ban chỉ đạo chuyên án.
Thông tin từ Cục Hồ sơ lưu trữ Bộ Công an cho biết đã xác định được danh tính từ dấu vết thu thập tại hiện trường vụ trộm nhà ông Tú. Cùng lúc đó, trong quá trình xác minh tại các địa phương, PC45 Bạc Liêu nhận được thông tin tại tỉnh Trà Vinh, trong chưa đầy 20 ngày của tháng 11-2012 đã xảy ra sáu vụ trộm với cùng một phương thức thủ đoạn, tài sản bị trộm là hơn 950 triệu đồng.
Sau đó, trong một vụ trộm xảy ra tại xã An Hòa, H.Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang ngày 23-1-2013, người dân đã bắt giữ được một trong hai tên trộm. Người bị bắt khai nhận đồng phạm là đối tượng có nhận dạng trùng khớp với người có dấu vết để lại tại hiện trường hai vụ trộm ở Trà Vinh và Bạc Liêu.
Anh ta đã khai báo đầy đủ thông tin, nhận dạng, nơi ở của đối tượng mà chuyên án đang săn lùng: TP Sóc Trăng. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì thông tin này bị gián đoạn. Kẻ chạy thoát chính là một trong những nghi can gây ra hàng loạt vụ trộm tiền tỉ ở nhiều tỉnh miền Tây.
Kẻ cầm đầu băng trộm liên tỉnh chỉ là một thanh niên 20 tuổi. Nhiều họ hàng, bà con của Chiến đã tham gia băng trộm này.
_________
Kỳ tới:Trùm 20 tuổi và băng trộm gia đình