TP.HCM đang bước vào những ngày vất vả nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện vào năm ngoái. Khi số ca nhiễm tại TP.HCM cao kỷ lục, không ít quan điểm cho rằng TP nên áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng: Phong tỏa TP và giãn cách xã hội tối đa.
Trái lại, cũng có ý kiến cho rằng: TP mệt mỏi rồi, sau những tháng ngày chống dịch, nền kinh tế đang dần hụt hơi. Chúng ta chống dịch nhưng cũng cần “cơm áo, gạo tiền”.
Hai luồng quan điểm trên dù trái ngược nhau nhưng đều rất thực tế. Sống sót trước virus SARS-CoV-2 hay sống sót trước các áp lực “hết tiền, hết gạo” đều quan trọng. Tháp nhu cầu của Maslow cho chúng ta thấy: Nhu cầu cơ bản nhất của con người chính là nhu cầu về sinh lý để tồn tại (thức ăn, nước uống, nơi ở…), sau đó sẽ đến nhu cầu về an toàn (cảm giác yên tâm về an toàn thân thể, sức khỏe, tài sản...).
Bài toán chống dịch cũng như vậy: TP.HCM có hàng triệu lao động tự do, công nhân… mong có tiền để sống và cũng có vô số người có thu nhập ổn định, dẫu làm việc ở nhà hay nghỉ việc vẫn có thể cầm cự, miễn là né được virus gây bệnh. Sinh kế hay y tế đều rất quan trọng. Chính sách không thể “nặng” bên này quá nhiều hay “nhẹ” bên kia quá trớn.
Có thể thấy TP.HCM với hơn chục triệu dân vốn là trung tâm về kinh tế - tài chính, thương mại, giao thông của cả nước. Rõ ràng việc ra quyết định liên quan đến sinh kế và y tế của người dân đòi hỏi người làm chính sách phải chuẩn bị nguồn lực và nắm bắt thời điểm. Ở khía cạnh sinh kế, nguồn lực có thể hiểu là các gói cứu trợ, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp dễ bị tổn thương nhất; đảm bảo họ có thể tồn tại, cầm cự trong khi thắt chặt giãn cách xã hội. Ở khía cạnh y tế, nguồn lực là hạ tầng, nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế; đảm bảo những đối tượng “nhạy cảm” nhất với virus SARS-CoV-2 có thể an toàn khi nới lỏng giãn cách xã hội.
Bên cạnh đó, chính quyền buộc phải nắm rõ tại thời điểm ra quyết sách, cần ưu tiên sinh kế hay y tế nhiều hơn để đảm bảo: Số lượng người tổn thương vì dịch bệnh (nếu nới lỏng giãn cách) hoặc vì thiệt hại kinh tế (nếu siết chặt) sẽ ở mức tối thiểu và chấp nhận được.
Thời gian qua, số lượng người tử vong vì dịch bệnh ở Việt Nam được đánh giá là ở mức tối thiểu, đồng thời các chỉ số kinh tế, đời sống của người dân dù bị ảnh hưởng nhưng vẫn ở mức chấp nhận được. Điểm cân bằng giữa sinh kế và y tế qua đó được đảm bảo.
Tuy nhiên, khi dịch đã lan rộng như hiện nay ở TP.HCM, các gói cứu trợ đang được triển khai đến từng người lao động khó khăn thì việc TP áp dụng Chỉ thị 16, áp dụng các biện pháp mạnh, quyết liệt để sớm chấm dứt dịch là điều cần thiết. Trong thời gian đó, việc xét nghiệm trên diện rộng, tăng cường vaccine, nâng cấp hệ thống y tế để đảm bảo an toàn cho cộng đồng là điều quan trọng để giải quyết bài toán chống dịch về lâu dài.