Sinh viên gen Z cần có 'sức đề kháng' khi tham gia mạng xã hội

(PLO)- Việc sử dụng mạng xã hội hiện nay là xu hướng tất yếu nhưng sinh viên cần tỉnh táo và có "sức đề kháng" khi theo dõi, chia sẻ, bình luận thông tin trên mạng để tránh vi phạm các quy định của pháp luật. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 11-6, Báo Pháp Luật TP.HCM và Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM phối hợp tổ chức talkshow “Sinh viên Gen Z tự tin hòa mình vào mạng xã hội”.

Video: Sinh viên gen Z cần có 'sức đề kháng' khi tham gia mạng xã hội.

Tham dự talkshow có PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM; ông Đinh Đức Thọ, Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM.

Đồng thời, chia sẻ trực tiếp về các vấn đề mạng xã hội tại talkshow còn có hai nhà báo của Báo Pháp Luật TP.HCM là nhà báo Đỗ Văn Thiện (Trưởng ban Media) và nhà báo Nguyễn Thanh Tùng (Trưởng ban Kinh tế - Đô thị).

Bị xúc phạm trên mạng, xử lý sao?

Chủ đề của chương trình đã thu hút hàng trăm sinh viên tham gia với những chia sẻ sinh động, thực tế với đời sống sinh viên.

sinh viên gen z với mạng xã hội
Talkshow về mạng xã hội thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Ảnh: THUẬN VĂN

Cụ thể, sinh viên Nguyễn Anh Quân hỏi: "Trong các bài viết trên fanpage có những bình luận tiêu cực về thầy cô thì có xử lý được không?".

Trả lời câu hỏi này, nhà báo Thanh Tùng cho rằng trong hội nhóm sinh viên, việc nói xấu giảng viên là không tránh khỏi, việc có xử lý được hay không tùy theo mức độ của những bình luận đó. Nếu thực sự việc nói xấu làm ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình, bản thân giảng viên thì giảng viên đó cần thu thập lại chứng cứ như chụp màn hình các bình luận... và liên hệ cơ quan thanh tra truyền thông để yêu cầu vào cuộc và xử lý theo quy định.

Nhà báo Đỗ Thiện cũng góp ý thêm, không chỉ sinh viên xúc phạm giảng viên mà ngược lại, nếu sinh viên bị giảng viên xúc phạm, làm ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm cũng hoàn toàn được xử lý theo pháp luật. Bởi mọi cá nhân đều được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm.

sinh-vien-gen-z-mang-xa-hoi (1).jpg
sinh-vien-gen-z-mang-xa-hoi (6).jpg
Các sinh viên đặt câu hỏi cho các diễn giả. Ảnh: THUẬN VĂN

Một sinh viên khác đặt câu hỏi: "Em có một số anh chị bị người trên mạng dùng ảnh nóng, nhạy cảm để tống tiền, vậy cần phải làm gì và xử lý như thế nào?".

Về vấn đề này, nhà báo Đỗ Thiện nêu thực tế rằng hiện nay có tình trạng phổ biến là sử dụng công nghệ ghép hình vào cảnh nóng, thông tin tiêu cực… rồi đi phát tán. Và đặc biệt là hiện nay xuất hiện nhiều ứng dụng để thu thập hình ảnh, thông tin cá nhân. Sinh viên cần thận trọng khi dùng mạng xã hội.

Ở góc độ pháp lý, nhà báo Thanh Tùng cho rằng có hai dạng sử dụng ảnh nóng trên mạng, một là bị ghép để tung lên; hai là là bị tung ảnh nóng của người đó thật nhằm cưỡng đoạt tài sản, làm nhục người khác...

Theo nhà báo Thanh Tùng, người tung ảnh nóng trong cả hai tình huống nêu trên đều là vi phạm pháp luật.

"Do đó, đầu tiên nạn nhân cần thu thập chứng cứ như chụp màn hình, trích video để lưu trữ và thông báo, tố cáo với công an nơi cư trú để được tiếp nhận giải quyết. Tùy vào mức độ vi phạm, các cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp xử lý phù hợp" - nhà báo Thanh Tùng cho hay.

Sinh viên cần có "sức đề kháng" với mạng xã hội

Tại talkshow, nhà báo Đỗ Thiện (Thư ký tòa soạn, Trưởng ban Media, Báo Pháp Luật TP.HCM) đã có tham luận thú vị về “Sinh viên Gen Z trước những cơ hội và thách thức trong giai đoạn mạng xã hội bùng nổ: Bức tranh truyền thông hiện nay và những kỹ năng cơ bản sinh viên cần có”.

Nhà báo Đỗ Thiện cho rằng gen Z là những người sinh ra trong thời đại bùng nổ của công nghệ số, mạng xã hội. Việc sử dụng mạng xã hội hiện nay thu hút lượng lớn giới trẻ tham gia với nhiều mục đích khác nhau như mua sắm, tìm hiểu các sản phẩm dịch vụ, xem thông tin qua video, nắm bắt tin tức.

Trong một cuộc khảo sát tháng 8-2022 với một bộ phận giới trẻ gen Z ở khu vực châu Âu, 60% người được hỏi cho biết họ không bao giờ đọc báo mà họ hầu như đọc và theo dõi thông tin thông qua mạng xã hội.

Nhà báo Đỗ Thiện nhấn mạnh những khái niệm sinh viên cần nắm và cần biết khi sử dụng mạng xã hội. Bởi vì nếu không hiểu rõ thì bất cứ ai, ngay cả những người làm báo chuyên nghiệp, những trí thức cũng mắc bẫy và bị xử lý theo các quy định của pháp luật. Cụ thể đó là phát ngôn không phù hợp, bắt nạt trên mạng, tin giả, thông tin sai lệch do vô tình hoặc do cố ý tạo ra.

Theo nhà báo Đỗ Thiện, một số tác động đằng sau các bài viết trên mạng, có thể vì yếu tố văn hóa, yếu tố chính trị, yếu tố kinh tế (để kiếm tiền, kinh doanh) hoặc những yếu tố khác (tôn giáo, bệnh tâm thần…). Vì vậy, nếu sinh viên chưa hiểu rõ bản chất vấn đề thì cần tập tư duy phản biện, tránh vội tin và phụ thuộc thông tin trên mạng xã hội.

sinh-vien-gen-z-mang-xa-hoi (2).jpg
Nhà báo Đỗ Thiện chia sẻ tại chương trình. Ảnh: THUẬN VĂN

Trong tham luận của mình, nhà báo Nguyễn Thanh Tùng (Trưởng ban Kinh tế - Đô thị) cũng đã có những chia sẻ về những kiến thức pháp luật “bỏ túi” để sinh viên sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả, tránh những hậu quả pháp lý đáng tiếc.

Theo nhà báo Thanh Tùng, hiện nay có nhiều nền tảng mạng xã hội đang được giới trẻ sử dụng phổ biến như Facebook, Youtube, Tiktok, Zalo, Instagram… Trong đó, việc phát trực tiếp trên mạng ngày càng phổ biến và có những Facebooker thu hút lượng lớn người theo dõi, tạo nên những “cơn địa chấn truyền thông”.

sinh-vien-gen-z-mang-xa-hoi (4).jpg
Nhà báo Thanh Tùng. Ảnh: THUẬN VĂN

Do đó, nhà báo Thanh Tùng khuyến cáo sinh viên cần có “sức đề kháng” với các thông tin trên mạng xã hội, cần biết giới hạn an toàn và không an toàn, nắm rõ các quy định pháp lý để không xảy ra những rủi ro đáng tiếc.

Cụ thể, sinh viên phải biết chọn lọc thông tin khi phát ngôn, sử dụng mạng xã hội. Tránh viết bài, bình luận với những vấn đề nhạy cảm như phân biệt chủng tộc, tôn giáo; tránh phát tán thông tin, bình phẩm các thông tin liên quan mà mình chưa hiểu rõ; tránh xúc phạm hay phỉ báng cá nhân hoặc tổ chức khác…Tránh tham gia bình luận, bình luận thông tin sai sự thật, gây thiệt hại cho kinh tế - xã hội, các hoạt động xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội...

Cũng theo nhà báo Thanh Tùng, sinh viên cần tỉnh tảo khi sử dụng mạng xã hội, cần có những giới hạn trong bình luận, phát ngôn, chia sẻ vì tất cả những chia sẻ, hành vi dù trên mạng nhưng đều được điều chỉnh bằng các quy định pháp luật, như Luật An ninh mạng, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự....

Lập nhiều kênh lắng nghe tâm tư sinh viên

Tham gia bàn tròn talkshow, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cho biết việc sử dụng mạng xã hội hiện nay là xu thế tất yếu, nhất là từ 10 năm nay nhằm phục vụ cho việc học tập, phát triển bản thân, giải trí.

Trước đây, sinh viên thường bị động vì phụ thuộc vào tài liệu từ thư viện, còn hiện nay sinh viên sử dụng mạng xã hội tìm kiếm tài liệu thường xuyên, ngay cả sử dụng ChatGPT cũng giúp có kết quả ngay khi giảng viên đưa ra vấn đề.

Tuy nhiên, mặt hạn chế của mạng xã hội khiến sinh viên không kiểm soát thời gian, bị sa đà vào thế giới ảo. Ví dụ đăng một status lên mạng chỉ mất một phút nhưng phải mất cả mấy ngày, thậm chí cả tuần để theo dõi và bị ảnh hưởng tâm trạng theo những bình luận sau đó. Hoặc sinh viên dùng mạng xã hội để xem phim, bị cuốn vào những thông tin không chính xác và rất dễ vi phạm pháp luật.

sinh-vien-gen-z-mang-xa-hoi (5).jpg
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

Do đó, để hỗ trợ các sinh viên, PGS.TS Anh Tuấn cho biết trường lập nhiều kênh thông tin, như trên Fanpage, Zalo…. Việc này vừa để trường cung cấp thông tin chính thống của trường vừa truyền tải thông tin tích cực đến sinh viên, đồng thời để nắm bắt tâm tư, suy nghĩ từ sinh viên để hiểu các vấn đề sinh viên đang gặp phải.

Từ đó, trường có những cảnh báo, giáo dục, hỗ trợ xử lý cho các sinh viên trong việc sử dụng mạng xã hội, kinh doanh đa cấp… Nếu có các vấn đề vượt quá khả năng giải quyết, trường sẽ liên hệ các đơn vị chức năng để hỗ trợ.

sinh-vien-gen-z-mang-xa-hoi (8).jpg
Tham gia trao đổi bàn tròn gồm nhà báo Đỗ Thiện, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, nhà báo Thanh Tùng và MC Thu Hà (từ trái qua). Ảnh: THUẬN VĂN

Ở một góc nhìn khác, nhà báo Đỗ Thiện cho biết vấn đề đau đầu nhất hiện nay cả ở Việt Nam lẫn trên thế giới là tin giả. Mặc dù nhiều nước như Mỹ, Singapore... đưa ra những mức phạt nặng cho tin giả như cải chính, phạt tù và phạt tiền rất lớn nhưng vẫn khó ngăn chặn được.

Vì vậy, theo nhà báo Đỗ Thiện, giải pháp tốt nhất là giáo dục, cảnh báo, nâng cao nhận thức sử dụng mạng xã hội.

"Tốt nhất là trước khi các bạn đăng gì, viết gì tiêu cực thì nên đặt câu hỏi “cái này có ảnh hưởng đến ai không?”. Tốt nhất sinh viên không nên chia sẻ nếu không biết thông tin đó ở đâu, có thật hay không… để tránh gặp những sự cố đáng tiếc" - nhà báo Đỗ Thiện khuyên.

Một số chế tài liên quan đến vi phạm trên không gian mạng

- Điểm a, khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 (tổ chức) đồng đối với hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

- Điểm c, khoản 4, Điều 7, Nghị định 144/2021: Người nào lợi dụng quyền tự do dân chủ để tổ chức, lôi kéo, dụ dỗ…người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có thể bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng (đối với cá nhân)

- Điều 331, Bộ luật Hình sự năm 2015: Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm