Sớm nhập thuốc giải độc cứu bệnh nhân ngộ độc botulinum

(PLO)- Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết nhà nhập khẩu đã liên hệ với nhà cung ứng nước ngoài để làm các thủ tục sớm nhập khẩu thuốc giải độc botulinum.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-5, theo thông tin từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), thuốc giải độc tố botulinum là loại thuốc rất hiếm, do mỗi năm cả nước chỉ có vài ca bệnh nên các BV thường không dự trù đủ. Tuy nhiên, nguồn cung thuốc giải độc tố botulinum vẫn có, các BV sẽ liên hệ để đặt hàng.

Cục Quản lý Dược cho biết đã nhận được thông tin về việc BV Chợ Rẫy (TP.HCM) đang tạm hết thuốc giải độc tố botulinum. Cục liên hệ với nhà nhập khẩu và được biết BV Chợ Rẫy đã trao đổi với công ty đặt hàng. Nhà nhập khẩu cũng liên hệ với nhà cung ứng nước ngoài để làm các thủ tục nhập khẩu.

Cục Quản lý Dược cũng đã liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong tình huống không mua được thuốc sẽ nhờ hỗ trợ từ WHO.

Sớm nhập thuốc giải độc cứu bệnh nhân ngộ độc botulinum. Ảnh: BVCC

Sớm nhập thuốc giải độc cứu bệnh nhân ngộ độc botulinum. Ảnh: BVCC

Trả lời PLO chiều 22-5 về hiệu quả trong sử dụng thuốc BAT giải độc đặc hiệu do ngộ độc botulinum, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (BV Chợ Rẫy), thông tin: Có hai trường hợp xảy ra khi điều trị ngộ độc botulinum.

Nếu trường hợp có thuốc điều trị, khi bệnh nhân bắt đầu có những biểu hiện yếu liệt, thời điểm này là thời điểm dùng thuốc tốt nhất và hiệu quả nhất. “Khi sử dụng thuốc kháng độc tố sẽ giúp trung hòa các chất độc và làm cho bệnh ngưng tiến triển” - BS Hùng giải thích.

Nếu được sử dụng thuốc BAT giải độc đặc hiệu sớm, chỉ trong vòng 48-72 tiếng, bệnh nhân có khả năng thoát khỏi tình trạng bị liệt, không cần phải thở máy. Hoặc nếu thở máy, trong khoảng thời gian trung bình từ 5-7 ngày, bệnh nhân có thể hồi phục và cai máy thở.

Đối với trường hợp không có thuốc, phần độc tố còn lại vẫn tiếp tục tấn công lên cơ thể làm bệnh diễn tiến càng ngày càng nặng, tấn công vào hệ thống thần kinh và có thể dẫn đến tử vong nếu không có điều trị hỗ trợ.

Trường hợp không có thuốc giải độc BAT, BS phải điều trị hỗ trợ chủ yếu là nuôi dưỡng và thở máy. Tuy nhiên kết quả không được mong muốn.

“Nếu có thuốc hỗ trợ thì có thể trung hòa các chất độc nhưng cũng không có nghĩa có thuốc là sẽ không có biến chứng nặng xảy ra, vì chúng còn tùy thuộc vào lượng độc chất ăn phải và việc sử dụng thuốc có đúng thời điểm hay không" - BS Hùng nói.

Liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc botulinum

Vừa qua liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc botulinum trên địa bàn TP.HCM. Như PLO đã đưa tin, ngày 20-5, hai anh em ruột (18 tuổi và 26 tuổi) ăn bánh mì kẹp chả lụa của người bán dạo, một người là nam 45 tuổi ăn một loại mắm để lâu ngày, cả ba đều bị ngộ độc botulinum. Hiện hai trong ba bệnh nhân đang thở máy.

Trước đó ngày 13-5, gia đình bốn người (ngụ TP.Thủ Đức) gồm một người dì cùng ba anh em ruột là NVH (14 tuổi), NVĐ (13 tuổi) và NTX (10 tuổi) mua giò lụa từ người bán dạo không rõ nguồn gốc để ăn với bánh mì. Trong đó có ba trẻ nghi bị ngộ độc botulinum.

Ngày 16-5, hai lọ giải độc BAT cuối cùng đã được chuyển từ Quảng Nam về TP.HCM để cứu sống ba anh em này. Như vậy, hiện các tỉnh phía Nam và cả nước đã cạn thuốc giải độc tố botulinum.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm