Sự cố rơi mất lốp: Có làm đội hình ATR-72 khựng lại?

Câu chuyện về chiếc máy bay của Vietnam Airlines rơi mất một lốp vẫn hạ cánh an toàn tiếp tục nóng trên cộng đồng mạng. Ngay cả nhiều chuyên gia kỹ thuật từng làm trong ngành cũng phải thốt lên đây đúng là chuyện hi hữu chưa từng xảy ra trong lịch sử ngành kinh doanh hàng không.

May mắn nhưng là lời cảnh báo

Trước đó, chiều 21-10, chuyến bay mang số hiệu VN1673 của Vietnam Airlines đi từ Hải Phòng đến Đà Nẵng, sau khi hạ cánh an toàn mới phát hiện máy bay bị rơi mất một lốp lúc nào không biết và gãy trục càng trước. May mắn, 41 hành khách trên chuyến bay đã an toàn.

Trong bản tường trình của cơ trưởng cũng như tiếp viên hàng không gửi lên Cục Hàng không Việt Nam đều khẳng định trước khi cất cánh, máy bay đã được kiểm tra kỹ thuật nghiêm ngặt. Chỉ riêng vấn đề về lốp, do máy bay ATR-72 không có hệ thống cảnh báo thông minh như các dòng máy bay khác nên phi hành đoàn đã không hề hay biết chiếc lốp đó đã rơi khi nào.

Sự cố rơi mất lốp: Có làm đội hình ATR-72 khựng lại? ảnh 1

Nhiều chuyên gia kỹ thuật cho rằng đã đến lúc các hãng hàng không cần đảm bảo nghiêm túc kỹ thuật trước khi cất cánh đối với dòng máy bay ATR-72. Ảnh: CTV

Ngay cả khi tiếp đất, cơ trưởng của chuyến bay này cũng phát biểu trên báo chí: “Khi máy bay hạ cánh, trời rất đẹp. Một pha tiếp đất êm, đến nỗi sau này tôi có hỏi nhân viên kỹ thuật ngồi cùng trong buồng lái là có cảm nhận gì khác không. Anh ấy nói không thấy gì”. Cũng theo cơ trưởng này, khi hạ cánh, ông có phát hiện thấy máy bay di chuyển hơi ì ạch nên mới nâng công suất. Nhưng tất cả chỉ được phát hiện khi nhân viên kỹ thuật tới chèn lốp và hoảng hốt vì đã mất hút một chiếc lốp từ khi nào.

Ông Trần Đình Chiến, một người từng làm trong quản lý điều hành bay (nay đã nghỉ hưu), cho rằng đây là một sự kiện hi hữu nhất mà ông từng biết. Đối với một chuyến bay, việc hạ cánh là quan trọng nhất. Công tác để đảm bảo an toàn cho việc hạ cánh phải đạt nhiều yếu tố, trong đó càng và bộ bánh phải đảm bảo được thả ra khi ở một vị trí nào đó trong quá trình hạ cánh và được khóa lại. Nếu một bên càng không ra hoặc quá trình chạy trên đường băng bị nổ lốp thì sẽ uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn bay.

Nên dừng kinh doanh dòng máy bay ATR-72?

Trước đó, sự cố máy bay rơi ở Lào làm 43 người tử nạn cũng liên quan đến dòng máy bay ATR-72. Từ đây, nhiều chuyên gia kỹ thuật cho rằng đã đến lúc các hãng hàng không cần đảm bảo nghiêm túc kỹ thuật trước khi cất cánh đối với dòng máy bay này.

Với ATR-72, hiện nay vẫn còn khá phổ biến và được nhiều nước trên thế giới sử dụng. Ở Việt Nam, chỉ có Vietnam Airlines là có khoảng 14 chiếc ATR-72, thường chỉ dùng cho những đường bay ngắn hoặc các sân bay mà máy bay A321 không thể hạ cánh. Còn đối với các hãng hàng không giá rẻ như VietJetAir, Jetstar Pacific thì không có dòng máy bay này.

Ngay sau khi xảy ra sự cố, Vietnam Airlines đã tuyên bố tạm dừng khai thác ngay đội máy bay này để kiểm tra lại kỹ thuật, đảm bảo an toàn bay. Tuy nhiên, trong sáng 22-10, hãng hàng không này lại phát đi thông cáo khẳng định sẽ tiếp tục đưa đội bay ATR-72 vào khai thác trở lại.

“Chúng tôi đã hoàn tất kiểm tra, tuân thủ các quy trình bảo dưỡng và trạng thái của các cụm càng mũi và càng chính ngay trong đêm đối với toàn bộ các máy bay của đội tàu bay ATR-72 tại hai cơ sở kỹ thuật của hãng ở Hà Nội và TP.HCM. Riêng đối với càng mũi, hãng đã cùng chuyên gia nước ngoài tiến hành kiểm tra “không phá hủy” tất cả trục và sẵn sàng đưa các máy bay này vào khai thác từ 5 giờ ngày 22-10. Kết quả kiểm tra kỹ thuật đội tàu bay đã được Vietnam Airlines báo cáo chi tiết tới Cục Hàng không Việt Nam” - đại diện Vietnam Airlines khẳng định.

Theo ông Trần Đình Chiến, ATR-72 là loại máy bay cánh quạt, dùng lực kéo chứ không phải lực đẩy như một số loại máy bay A300, A321, Boeing… Nhưng vị này cũng đánh giá đây vẫn là loại máy bay có độ tin cậy cao. Tuy nhiên, hiện còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như Vietnam Airlines đã khai thác lâu chưa, đội ngũ thợ máy và cơ trưởng khai thác, điêu luyện đến mức độ như thế nào. Trên thế giới cũng có nhiều nước khai thác ATR-72 và gặp một số tai nạn nghiêm trọng như ở Lào vừa qua.

“Theo tôi, khi đã xảy ra một số tai nạn liên quan đến máy bay này ở một số nước thì chúng ta cũng cần phải xem xét lại công tác đảm bảo kỹ thuật liên quan đến máy bay ATR-72. Cần có sự phối hợp với chuyên gia nước ngoài. Nếu hãng khai thác loại máy bay này quá lâu thì cũng cần phải xem lại” - ông Trần Đình Chiến nhấn mạnh.

Khẩn trương tìm lốp máy bay

Cho đến 18 giờ chiều 22-10, chiếc lốp bị rơi trên hành trình bay của máy bay ATR-72 vẫn chưa tìm thấy, dù Cục Hàng không và Vietnam Airlines (VNA) đã “tung” nhiều lực lượng để tìm kiếm. Ông Lại Xuân Thanh, Cục Trưởng cục Hàng không, cho hay việc tìm kiếm chiếc lốp này nhằm phục vụ cho quá trình điều tra, làm rõ nguyên nhân vì sao chiếc lốp bị rơi. Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa có kết quả dù Cảng hàng không Hải Phòng và Đà Nẵng đã tích cực tìm kiếm.

THÀNH VĂN

Các sự cố của máy bay ATR-72 

ATR-72 là loại máy bay chở khách đường ngắn được giới thiệu lần đầu vào năm 1988 và chính thức đưa vào khai thác hoạt động từ năm 1989. Kể từ đó đến nay, ít nhất 408 máy bay ATR-72 được sản xuất và đi vào hoạt động trên khắp thế giới.

Trong lịch sử hơn 20 năm hoạt động, máy bay ATR-72 nhiều lần gặp phải các sự cố, thậm chí tai nạn.

- Vào ngày 3-2-2012, có một sự cố tương tự sự cố hôm 21-10 của VNA: Một máy bay ATR-72 phải hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Rygge, Na Uy, khi bánh trước của máy bay gặp vấn đề. May mắn là các hành khách trên phi cơ đều an toàn.

- Vào ngày 17-7-2011, sau chuyến bay từ Manchester, Anh, tới Ireland, phần mũi của máy bay ATR-72 bị gãy khi hạ cánh xuống sân bay Shannon và sau đó không thể khôi phục được. Không có thiệt hại về người trong lần này.

- Vào ngày 10-11-2009, một chiếc ATR-72 trượt khỏi đường băng Thái Lan, lao đi và chỉ dừng cách thùng chứa nhiên liệu của sân bay vài mét. Vụ việc không gây thiệt hại về người nhưng khiến tâm lý các hành khách vô cùng hoảng sợ. Phần mũi chiếc máy bay cũng bị hư hỏng hoàn toàn.

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm