Vừa qua, Dương Khiết Miễn - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải có bài viết khoảng 17 trang về “Ngoại giao mới của Trung Quốc (TQ) dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình”, cổ súy thông điệp “phát triển hòa bình”, “các bên cùng có lợi” của TQ.
Tuy nhiên, động thái TQ tại châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là tại biển Đông, biển Hoa Đông; quan hệ TQ-ASEAN... trong suốt thời gian qua cho thấy Bắc Kinh không theo đúng phương châm của nước này: “Một quốc gia khi theo đuổi lợi ích của mình nên xem xét mối quan tâm chính đáng của các nước khác”.
Trỗi dậy hòa bình kiểu TQ
Nói về “ngoại giao mới” TQ, Dương Khiết Miễn nhấn mạnh TQ nâng tầm tư duy ngoại giao với triết lý: “Hòa bình là thứ quý giá nhất”, “một thế lực hiếu chiến dù có to lớn đến đâu cũng sẽ tàn lụi”, “TQ tôn trọng các nguyên tắc đồng thời giữ gìn tình hữu nghị lịch sử”, thể hiện “quyết tâm ngày càng cao trong việc phát triển hòa bình đồng thời bảo vệ vững chắc những lợi ích cốt lõi của mình”.
Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, điển hình như Philip Bowring trên tờ China Economic Review (Anh), niềm tin của thế giới về “sự trỗi dậy hòa bình” của Bắc Kinh đã suy giảm và thậm chí không còn nữa. Nhiều nhà nghiên cứu TQ, theo tạp chí Foreign Policy (Mỹ), cũng tỏ ra lo ngại sự phát triển của Bắc Kinh đang khiêu khích thế giới.
Ở góc độ kinh tế, Philip Bowring nhận định giai đoạn trước năm 2012 vẫn chứng kiến sự đầu tư sâu rộng của Bắc Kinh ở các dự án hạ tầng cảng biển, đường sắt, năng lượng. Tuy nhiên, sau đó thế giới đã không còn xem TQ là một “nhà xuất khẩu vô hại”, bởi Bắc Kinh không đơn thuần làm giàu cho quốc gia, mà còn muốn gia tăng sức ảnh hưởng không mong muốn lên các nước khác, điển hình như chính sách tiền tệ của Bắc Kinh.
Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của lực lượng quân sự, đặc biệt là hải quân TQ thời gian qua khiến các nước thân cận với Mỹ như Nhật, Hàn Quốc, Philippines, Singapore tìm cách tái cân bằng.
Quan trọng hơn, sự mở rộng quy mô quân sự của TQ đi kèm sự gây hấn, khiêu khích, thậm chí là “cưỡng bức chủ quyền” nước khác mà điển hình tại biển Đông - không được Dương Khiết Miễn đề cập trong bài viết. Nhất là việc TQ đệ trình yêu sách “đường chín đoạn”, vô lý đòi hơn 80% biển Đông.
Từ năm 2011, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương TQ (CNOOC) mời thầu quốc tế nhiều lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sang năm 2012, Bắc Kinh dùng vũ lực chiếm gọn bãi cạn Scarborough từ tay Philippines. Sau đó ngang nhiên cho thành lập cái gọi là TP Tam Sa đầy tai tiếng “có đồn trú quân sự” tại đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam.
Trung Quốc chỉ có thể thuyết phục thế giới “trỗi dậy hòa bình” của họ bằng việc tôn trọng cam kết luật quốc tế và trách nhiệm quốc tế. Ảnh minh họa: NATIONAL INTEREST
Đỉnh điểm là năm 2014, tạp chí The National Interest (Mỹ) đăng bài xã luận “Hiện diện biển Đông: Phát triển hòa bình của Bắc Kinh đã chấm dứt?”, chính thức đặt dấu chấm hỏi đầy nghi ngờ về cụm từ hoa mỹ “phát triển hòa bình” của TQ khi nước này hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Và gần nhất là TQ xây đảo nhân tạo trái phép, thành lập đội “dân quân tự vệ biển” có vũ trang tràn lấn ở biển Đông.
Học giả Mark J. Valencia thuộc Viện Nghiên cứu biển Đông nhận định trên tờ South China Morning Post (Hong Kong) rằng yêu sách và hành động của TQ tại biển Đông bị cáo buộc là hung hăng; bắt nạt các nước khác; vi phạm các thỏa thuận, pháp luật và thông lệ quốc tế; quân sự hóa vùng tranh chấp; phá hủy hiện trạng biển Đông; gây bất ổn khu vực; làm tổn hại môi trường và đe dọa tự do hàng hải.
Trong khi đó, các “biến số” kinh tế, quân sự, ngoại giao,… như Philip Bowring nhận định khi TQ ngày càng mạnh lên bằng chính sách “ngoại giao kiểu mới” như hiện nay thì càng có nhiều quốc gia khác cố gắng ngăn chặn thay vì hợp tác cùng Bắc Kinh.
Chưa đảm bảo trách nhiệm quốc tế
Một luận điểm khác của Dương Khiết Miễn chính là “TQ quyết tâm đảm nhận nhiều trọng trách quốc tế bằng tầm nhìn của một quốc gia lớn”. Tuy nhiên, nhiều quan điểm quốc tế lại gọi Bắc Kinh là “ngoại luật”, tức hành động ngoài vòng pháp luật của thế giới.
Điển hình như Mark J. Valencia cho rằng TQ đang đứng trước nguy cơ bị gắn mác “kẻ ngoài vòng pháp luật quốc tế”, bị một số nước láng giềng Đông Nam Á cách ly về mặt chính trị bằng cách hợp tác, liên kết, hay đồng minh với Mỹ để đối trọng. Rõ ràng việc không tuân thủ Công ước quốc tế về Luật Biển (UNCLOS), các nguyên tắc ứng xử của TQ tại các vùng biển tranh chấp đã phủ định trách nhiệm quốc tế của nước này, không như thông điệp “vui vẻ nâng đỡ những đối thủ khác” mà Dương Khiết Miễn viện dẫn.
Ông Kim Sán Vinh, Phó Giám đốc Học viện Quan hệ quốc tế thuộc ĐH Nhân dân TQ, khi nhận xét về vấn đề “Xây dựng cường quốc biển mang đặc sắc TQ” lần đầu tiên được đề cập trong Báo cáo phát triển chiến lược biển TQ năm 2014 cho biết từ sau vụ bãi cạn Scarborough, chiến lược biển của TQ thay đổi theo hướng tích cực hơn, nghĩa là “anh gây sự thì tôi sẽ phản kích”.
Còn GS Yan Xuetong thuộc ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) thì tỏ ra không thích khái niệm “hòa bình” và cho rằng “tất cả chiến lược hòa bình nhưng cản trở sự trỗi dậy của TQ phải bị loại bỏ”.
Nói trắng ra TQ sẵn sàng dùng vũ lực để đạt được mục đích lãnh thổ chứ không phải là “sẻ chia chuyến tàu cao tốc tìm đến sự phát triển các bên cùng có lợi” như Dương Khiết Miễn đã dẫn.
Bằng chứng gần nhất chính là việc Bắc Kinh xây dựng đảo nhân tạo trái phép với tốc độ và quy mô chưa từng có trong lịch sử. Bắc Kinh thậm chí bỏ ngoài tai cảnh báo môi trường, hệ sinh thái biển khi xây sân bay, căn cứ quân sự, cơ sở dân sự,… đặt dấu chấm hỏi về trách nhiệm quốc tế của nền kinh tế thứ hai thế giới.
TQ thúc đẩy nhiều diễn đàn đa phương, sáng kiến trong nỗ lực “tái thuyết phục” thế giới về “vai trò lãnh đạo” của quốc gia phát triển hòa bình. Điển hình là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Ngân hàng Phát triển SCO, “vành đai kinh tế con đường tơ lụa và con đường tơ lụa trên biển thế kỷ XXI”, Quỹ con đường tơ lụa, Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB), Hội nghị Hành động và các biện pháp tương tác xây dựng lòng tin châu Á (CICA).
Tuy nhiên, không như ông Dương Khiết Miễn lạc quan, hàng loạt bài nghiên cứu thời gian qua cho thấy thực tế các hoạt động do TQ dẫn đầu dẫn đến sự tranh cãi gay gắt, không ít nước bắt đầu tỏ ra nghi ngờ…
“Hợp tác Trung Quốc” gây nhiều tranh cãi Tác giả Ming Xia viết trên tờ The New York Times rằng sự phát triển mà TQ gọi mà “phát triển hòa bình” hiện vẫn mang lại sự bất an cho Mỹ vì nhiều lý do. Không chỉ thế, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa “bài Nhật”, xung đột Hoa Đông tăng nhiệt đang thách thức phát triển hòa bình của Tập Cận Bình. Các nước châu Á-Thái Bình Dương chưa có chính sách “chống TQ” một cách rõ ràng, tuy nhiên tính hung hăng của Bắc Kinh thời gian qua khiến hàng loạt quốc gia láng giềng lo ngại và lên tiếng chống lại. Một số nước châu Phi, Mỹ La-tinh, Đông Âu hợp tác với TQ được Dương Khiết Miễn gọi là thành tựu trong hợp tác song phương, đa phương thực tế không làm nổi bật “trách nhiệm quốc tế” của TQ. Chưa kể vai trò của Bắc Kinh tại các khu vực này, điển hình như châu Phi, còn đang bị tranh cãi, nghi ngờ khi nước này đặt ra nhiều vấn nạn về môi trường, chảy máu tài nguyên, sự xâm chiếm văn hóa, bất ổn xã hội… phía sau các quan hệ hợp tác. |