HỘI NGHỊ BỘ TRƯỞNG NGOẠI GIAO ASEAN

ASEAN yêu cầu Trung Quốc dừng xây đảo

Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 đã khai mạc sáng 4-8 tại Kuala Lumpur (Malaysia).

Trả lời hãng tin AP, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết hội nghị đã bày tỏ quan tâm đến hoạt động xây đảo nhân tạo hàng loạt của Trung Quốc gây nên căng thẳng.

Ông ghi nhận mới đây Trung Quốc đã cam kết bắt đầu đàm phán cụ thể với ASEAN về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), tuy nhiên giữa cam kết và tình hình trên thực địa biển Đông rất khác xa.

Ông nói: “Chúng tôi kêu gọi ngừng các hoạt động ấy. Các hoạt động này đã bào mòn niềm tin giữa các bên và làm phức tạp thêm tiến trình đàm phán về COC”.

Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman đề nghị ASEAN phải giữ vai trò quan trọng hơn trong hòa giải tranh chấp lãnh thổ.

Ông thông tin, hội nghị đã nhất trí kêu gọi kiềm chế hơn nữa trong giải quyết tranh chấp và kêu gọi làm chủ trong các hoạt động gây phức tạp hoặc gia tăng căng thẳng ở biển Đông.

Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN chụp ảnh lưu niệm ngày 4-8 tại Kuala Lumpur (Malaysia). Ảnh: AP

Ông cho biết ASEAN đang nghiên cứu khả năng thiết lập các biện pháp ngăn chặn để bảo đảm bất đồng không bùng nổ thành xung đột khu vực.

Reuters đưa tin tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert Del Rosario đã lên án Trung Quốc tiến hành hoạt động cải tạo đất hàng loạt ở biển Đông. Ông gọi đó là hoạt động đơn phương và gây hấn. Ông nhấn mạnh hoạt động cải tạo đất hàng loạt đã phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định ở biển Đông.

Một ngày trước hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã nói Trung Quốc phản đối đưa vấn đề tranh chấp ở biển Đông ra hội nghị. Tuy nhiên, Mỹ và Philippines đã phản đối.

Từ Washington, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner tuyên bố Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kerry sẽ nêu vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại hội nghị ở Malaysia.

Người phát ngôn nhấn mạnh: “Đây là diễn đàn, trong đó các vấn đề về an ninh nghiêm trọng đều phải được nêu ra và thảo luận”.

Người phát ngôn khẳng định Mỹ đánh giá mọi mưu toan của Trung Quốc nhằm gia tăng đáng kể kích thước vật lý hay chức năng của các thực thể tranh chấp hoặc quân sự hóa nơi đó đều là hành động khiêu khích.

Sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario tuyên bố: “Bởi đây là một biện pháp giảm căng thẳng trong khu vực, Philippines hoàn toàn ủng hộ và khuyến khích lời kêu gọi của Mỹ về “ba dừng” gồm dừng cải tạo đất, dừng xây dựng và dừng hành động gây hấn có thể làm gia tăng căng thẳng”.

Hôm 3-8, trong khuôn khổ chuyến công du đến Singapore, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khăng khăng cho rằng vấn đề tranh chấp ở biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN.

Ông cho rằng Trung Quốc và ASEAN đã thiết lập quy trình hai bước: Một là, các nước trực tiếp liên quan sẽ giải quyết tranh chấp qua đàm phán và tham vấn; hai là, Trung Quốc và ASEAN cùng tôn trọng hòa bình và ổn định ở biển Đông.

Ông nói Trung Quốc mong muốn áp dụng nguyên tắc “năm kiên trì” gồm: Kiên trì duy trì hòa bình ở biển Đông, kiên trì giải quyết xung đột bằng đàm phán, kiên trì kiểm soát bất đồng bằng cơ chế điều phối, kiên trì duy trì quyền tự do hàng hải và bay qua, kiên trì thực hiện quan hệ hợp tác cùng có lợi.

Dù Trung Quốc phản đối, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop vẫn nêu lo ngại về căng thẳng ở biển Đông tại hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Malaysia. Bà nói: “Tôi muốn tập trung vào các thách thức chính trị và an ninh khẩn cấp, trong đó bao gồm đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực và các vấn đề hàng hải”.

________________________________

Căn cứ tình hình, điều cấp bách hiện nay là ASEAN và Trung Quốc phải sớm ký kết COC.

Tổng Thư ký ASEAN LÊ LƯƠNG MINH

Hiện thời tình hình chung ở Nam Hải là ổn định. Trung Quốc không đồng ý ngừng xây dựng đảo và đề nghị ngừng xây dựng là “ảo tưởng”.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc VƯƠNG NGHỊ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm