Rất nhiều đại biểu góp ý rằng dự thảo BLHS (sửa đổi) quá nương nhẹ với “quan tham”, trong khi họ là người có trình độ, có chức vụ, biết luật lại phạm luật thì lẽ ra cần phải nghiêm trị để củng cố niềm tin của người dân vào công lý.
Cụ thể, theo Điều 39 dự thảo, tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ được áp dụng đối với người tổ chức, cầm đầu, chỉ huy hoặc ngoan cố chống đối, lưu manh, côn đồ, tái phạm nguy hiểm trong trường hợp phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng, các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
Hội thảo góp ý dự án BLHS (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức ngày 20-4. Ảnh: P.LOAN
Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM Vũ Phi Long nhận xét: Quy định về hình phạt tử hình như vậy “sẽ chẳng tử hình được anh quan chức nào tham nhũng cả vì quan chức nào mà chẳng có nhân thân tốt”. Từ đó ông Long đề xuất “phải xem xét tính chất của vụ việc chứ không được xem nhân thân bị cáo là yếu tố để xử tử hình hay không”.
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên (Đoàn Luật sư TP.HCM) cũng nhấn mạnh đối với các tội phạm về chức vụ thì cần phải đấu tranh không khoan nhượng, không xem yếu tố nhân thân là tình tiết giảm nhẹ… Từ đó, luật sư Liên đề xuất: “Khoản 5 Điều 365 và khoản 5 Điều 366 dự thảo cần được điều chỉnh theo hướng cấm đảm nhận chức vụ vĩnh viễn đối với người phạm tội tham ô tài sản, nhận hối lộ thay vì chỉ 1-5 năm như trong dự thảo”.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) thì cho rằng không nên áp dụng hình thức phạt tiền thay phạt tù đối với tội phạm thuộc nhóm tội tham nhũng vì như vậy sẽ “góp phần đẩy mạnh tham nhũng”. Theo ông Hậu, “tình hình tham nhũng hiện nay đã lên đến mức báo động và tồn tại khắp nơi”; hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng rất thấp, không phải mọi hành vi tham nhũng đều bị phát hiện. “Cho nên việc áp dụng phạt tiền thay phạt tù sẽ làm giảm hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng” - ông Hậu khẳng định.
PHƯƠNG LOAN