Nhận xét về việc dự thảo BLHS (sửa đổi) quy định hình phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội xâm phạm trật tự về quản lý kinh tế, đại biểu (ĐB) Trần Xuân Hùng (Hà Nam) nói: “Đặc trưng của tội phạm kinh tế là nhằm trục lợi cho bản thân, thu lợi bất chính với số tiền lớn. Người phạm tội sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền để nộp phạt, trong khi việc chứng minh thu nhập bất chính của người phạm tội rất khó khăn. Mặt khác, người phạm tội cũng sẵn sàng tiếp tục phạm tội. Do vậy, nếu cho họ nộp tiền thay hình phạt tù là không hợp lý, không bảo đảm tính răn đe”.
Không cho nộp tiền để thoát tù, thoát án tử?
Theo ông Hùng, nếu quy định này được thực thi sẽ tạo ra khoảng trống rất lớn trong pháp luật, dễ bị lạm dụng. Nhà nước có thể thu được một số tiền cho ngân sách nhưng hậu quả của hành vi xâm phạm trật tự quản lý kinh tế rất khó khắc phục, thậm chí không thể khắc phục được như các tội phá rừng, trốn thuế.
Liên quan đến việc phi hình sự hóa một số tội phạm, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng cần phải có sự cân nhắc kỹ đối với tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. “Khi tiếp xúc cử tri, có người dân nói có phải các ông phi hình sự hóa tội cố ý làm trái để giải cứu cho cán bộ ra tù à? Cần phải có thông tin đầy đủ cho ĐBQH xem hiện bao nhiêu cán bộ đang ở tù về tội này?. Nếu bỏ tội này, đương nhiên những người đang bị điều tra, truy tố về tội này sẽ được đình chỉ, những người đang chấp hành án về tội này sẽ được ra tù, kể cả những người phạm tội trong vụ Vinashin. Cần phải giải thích kỹ trước khi QH bấm nút thông qua. Nếu chúng ta nói thế này, đến lúc đưa ra lại khác, cuối cùng tha hết cán bộ phạm tội ra thì tôi cho rằng chúng ta có tội với nhân dân” - ông Thuyền đề nghị.
Theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền, cần cân nhắc trước việc bỏ tội cố ý làm trái. Ảnh: TTXVN
Về quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình trong các tội tham ô, nhận hối lộ đã chủ động khắc phục hậu quả, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) băn khoăn: “Việc khoan hồng là hết sức cần thiết đối với người phạm tội ăn năn hối cải. Tuy nhiên, hành vi này nên ghi nhận ở giai đoạn phát hiện tội phạm và đang trong quá trình xử lý, còn sau khi đã tuyên án tử hình thì không nên. Bởi nếu như thế người dân sẽ hiểu là dùng tiền để thoát án tử hình, làm gia tăng sự bất bình trong dân chúng đối với tình trạng tham nhũng, hối lộ”. Từ đó, ông Tám đề nghị chỉ đưa các tình tiết chủ động khắc phục hậu quả, tích cực hợp tác thành các tình tiết giảm nhẹ đặc biệt.
Tranh cãi về xử lý hình sự pháp nhân
Về việc truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân, Nguyễn Minh Kha (Cần Thơ) cho rằng không nên vì “quá trình tố tụng hình sự kéo dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của pháp nhân, xã hội và nền kinh tế. Trong khi đó, xử lý pháp nhân bằng biện pháp hành chính sẽ hiệu quả hơn”.
Tuy nhiên, đa số ý kiến khác lại ủng hộ việc xử lý hình sự pháp nhân. Đại diện cho luồng ý kiến này, ĐB Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) nói: “Đây là điều cần thiết vì tình hình vi phạm pháp luật do pháp nhân thực hiện đang diễn ra phức tạp, ngày càng nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng, gây hậu quả xấu đến môi trường sống của người dân, đồng thời gây mất trật tự an toàn xã hội”. Theo ông Hà, truy cứu TNHS pháp nhân sẽ góp phần bảo vệ quyền lợi của người dân hiệu quả hơn khi họ khiếu kiện. Mặt khác, đây cũng là biện pháp can thiệp hiệu quả vào hoạt động của các nhóm tội phạm có tổ chức tồn tại dưới hình thức hợp pháp là công ty, tập đoàn như các nhóm buôn lậu, rửa tiền, buôn bán người, ma túy...
Dù tán thành việc truy cứu TNHS của pháp nhân nhưng ĐB Tô Văn Tám vẫn đặt ra nhiều vấn đề: “Khi một pháp nhân chịu hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn vì phạm tội thì quyền lợi của người lao động trong pháp nhân đó sẽ ra sao? Họ có phải chịu hậu quả pháp lý với pháp nhân đó hay không? Tôi chưa thấy dự thảo quy định”.
Theo ông Tám, người lao động không có lỗi, họ chỉ là người làm công ăn lương cho pháp nhân mà thôi, quyền lợi của họ cần được bảo vệ. Do đó ông Tám đề nghị bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi của người lao động khi pháp nhân phải chịu hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, giải thể...
ĐB Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) thì cho rằng việc dự thảo quy định cả cá nhân và pháp nhân phải chịu TNHS về cùng một tội phạm trong cùng một vụ án sẽ rất khó xác định phạm vi, mức độ chịu trách nhiệm của từng chủ thể, cũng như khó áp dụng mức hình phạt. “Khi cả pháp nhân và cá nhân cùng phải chịu TNHS thì ai là chủ thể tham gia tố tụng của pháp nhân, thủ tục tố tụng ra sao, áp dụng các biện pháp ngăn chặn thế nào?” - bà Huyền thắc mắc.
Xử lý cả cơ quan nhà nước vi phạm? ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) đề nghị bổ sung TNHS của pháp nhân là cơ quan nhà nước, trước mắt là trong các tội liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; ban hành văn bản trái pháp luật gây thiệt hại cho Nhà nước và công dân. Theo bà Huệ, có ba lý do để nên thực hiện việc này: Thứ nhất, các cá nhân, tổ chức, cơ quan công quyền đều phải tuân thủ pháp luật. Vì vậy, không có lý do khi vi phạm pháp luật thì các cơ quan nhà nước lại không phải chịu trách nhiệm hình sự. Thứ hai, quy định như vậy sẽ đảm bảo sự công bằng, tránh khoảng trống pháp luật hình sự đối với pháp nhân là các cơ quan nhà nước. Cần lưu ý là cơ quan nhà nước để xảy ra vi phạm pháp luật thì thường gây tổn thất lớn về kinh tế, đặc biệt là tổn thất lòng tin của nhân dân. Thứ ba, quy định như vậy sẽ loại trừ được khả năng các cơ quan nhà nước nương nhẹ, xuê xoa cho nhau nếu có vi phạm, trong khi nhân dân thì rất bức xúc, nhất là trước các vi phạm trong lĩnh vực đất đai. |