Sửa Luật Báo chí: Tạo khung pháp lý cho phóng viên chưa có thẻ nhà báo tác nghiệp

(PLO)- Cần tạo hành lang pháp lý cho hoạt động tác nghiệp của các PV chưa phải nhà báo nhằm nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, Bộ Tư pháp công bố dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí, do Bộ TT&TT chủ trì soạn thảo.

Sửa đổi, bổ sung tám nhóm chính sách lớn

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, tại thời điểm ban hành, Luật Báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí và các hoạt động liên quan đến báo chí phát triển; đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động báo chí...

Tuy nhiên, sau hơn sáu năm thi hành, một số quy định của Luật Báo chí 2016 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của hoạt động báo chí như: Quy định về điều kiện cấp thẻ nhà báo; lãnh đạo cơ quan báo chí và điều kiện, tiêu chuẩn lãnh đạo cơ quan báo chí…

Từ đó, Bộ TT&TT đề xuất sửa đổi, bổ sung tám nhóm chính sách tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí.

Thứ nhất là phát triển mô hình tập đoàn báo chí.

Thứ hai là hoàn thiện các quy định về phạm vi thông tin của cơ quan báo chí.

Thứ ba là thu hẹp đối tượng được phép thành lập tạp chí khoa học, thu hẹp đối tượng cấp thẻ nhà báo (không gồm những người tại tạp chí khoa học) và tạp chí khoa học không mở văn phòng đại diện tại các địa phương.

Các chính sách tiếp theo là bổ sung quy định về thu hồi giấy phép hoạt động của cơ quan báo chí không đảm bảo điều kiện; hoàn thiện điều kiện cấp thẻ nhà báo; hoàn thiện quy định đối với hoạt động nhập khẩu báo in, tạp chí in; xuất khẩu nội dung báo nói, báo hình và hoàn thiện một số quy định để khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực thi.

luật báo chí
Phóng viên đang tác nghiệp tại một phiên tòa. Ảnh: TRƯỜNG GIANG

Quy định quyền, nghĩa vụ của PV chưa phải nhà báo

Theo Bộ TT&TT, hiện nay Luật Báo chí 2016 quy định nhà báo là người hoạt động báo chí được cấp thẻ nhà báo và một số quy định có đề cập đến chức danh PV, song chỉ quy định quyền và nghĩa vụ của nhà báo.

Tuy nhiên, để được cấp thẻ nhà báo cần đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định (về thời gian công tác, về bằng cấp…).

Dù trên thực tế có những người làm tại cơ quan báo chí (PV, biên tập viên…) có hoạt động nghiệp vụ nhưng chưa được cấp thẻ nhà báo nhưng Luật Báo chí cũng chưa quy định quyền, nghĩa vụ cũng như cách thức tác nghiệp báo chí của những người này.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một số PV cho hay thực tiễn trên tạo ra nhiều hạn chế trong quá trình tác nghiệp của PV. Đơn cử như có những trường hợp dù đã xuất trình giấy giới thiệu nhưng vẫn không được tác nghiệp vì tòa yêu cầu phải có thẻ nhà báo…

Từ đó, lần sửa đổi Luật Báo chí này đặt mục tiêu xây dựng hành lang pháp lý về tác nghiệp báo chí cho những người hoạt động báo chí nhưng chưa được cấp thẻ.

Cụ thể, Bộ TT&TT đề xuất bổ sung một điều quy định quyền và nghĩa vụ, cách thức tác nghiệp của những người hoạt động báo chí nhưng chưa được cấp thẻ, đồng thời quy định rõ những người này tác nghiệp bằng giấy giới thiệu của cơ quan báo chí, yêu cầu đối với giấy giới thiệu để thống nhất áp dụng thực hiện.•

Việc sửa đổi là hoàn toàn hợp lý

Có thể thấy số lượng người làm báo chưa được cấp thẻ nhà báo chiếm tỉ lệ không ít. Thực tế thì những người này khi hoạt động báo chí phải sử dụng giấy giới thiệu của cơ quan cấp để liên hệ làm việc, phỏng vấn với các cơ quan, đơn vị. Dù vậy, Luật Báo chí hiện nay lại chưa có quy định cụ thể về việc này, do đó tôi thấy khi sửa đổi Luật Báo chí thì bổ sung quy định như trên là hợp lý.

Cá nhân tôi khi sử dụng giấy giới thiệu, lúc liên hệ một số cơ quan, đơn vị từng gặp trường hợp yêu cầu ngoài xuất trình giấy giới thiệu cần phải xuất trình thẻ nhà báo. Như vậy là rất khó khăn trong khâu tiếp cận nguồn tin.

Với việc bổ sung quy định mới, tôi kỳ vọng sẽ làm rõ hơn, có quy định cụ thể hơn về việc sử dụng giấy giới thiệu. Từ đó, tạo điều kiện tốt hơn trong khâu tiếp cận nguồn tin chính thống, đảm bảo tính chuyên nghiệp và minh bạch trong hoạt động báo chí, đồng thời giảm tình trạng tiêu cực khi sử dụng giấy giới thiệu sai mục đích.

PV NGUYỄN HỮU HUY - báo Tiền Phong

Tránh việc giấy giới thiệu một đường, tác nghiệp một nẻo

Tất nhiên tôi đồng ý với tư cách người làm báo, không có thẻ phải có giấy giới thiệu của cơ quan.

Tuy nhiên, giấy giới thiệu phải có mục đích cụ thể và đầy đủ nội dung theo quy định. Chẳng hạn như đến tác nghiệp giấy giới thiệu phải đúng mục đích tác nghiệp về vấn đề gì, cụ thể ra sao để được tạo điều kiện. Tránh trường hợp giấy giới thiệu một đường, tác nghiệp một nẻo.

Đây là những điều mà Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn khi sửa đổi cần làm rõ, quy định cụ thể.

Nhà báo CHINH HOÀNG - báo Dân Việt

HUỲNH THƠ ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm