Sửa luật triệt để hơn, khắc phục thiếu thuốc, vật tư y tế

(PLO)- Các đại biểu cho rằng cần xem thuốc, vật tư y tế là hàng hóa đặc biệt và cần quy định chặt chẽ hơn để thuận tiện trong việc chỉ định thầu.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 7-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về hai dự luật được sửa đổi, bổ sung lần này là Luật Giá và Luật Đấu thầu.

Điều nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm là giá và đấu thầu liên quan đến thuốc, vật tư y tế… cùng hy vọng những vấn đề này sẽ được giải quyết trong tương lai.

Cụ thể, chi tiết chỉ định thầu để tránh tiêu cực

ĐB Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) cho rằng: Luật Đấu thầu sửa đổi quy định, chỉ định thầu cho mua sắm thuốc, vật tư y tế trong phòng chống dịch trong trường hợp khẩn cấp… nếu chỉ áp dụng trong phòng chống dịch thì chưa bao quát. Vì thực tế nhiều loại thuốc chờ đấu thầu thì không đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Vì vậy nên mở rộng để ngành y tế có thể mua đủ thuốc, hóa chất điều trị bệnh.

Nhưng ĐB Nguyễn Thu Dung (Thái Bình) lại cho rằng khi bổ sung thuốc, vật tư y tế mà xem là mặt hàng thông thường áp dụng Luật Đấu thầu sẽ khó thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy đề nghị xem hàng hóa y tế là loại hàng hóa đặc biệt trong dự luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV Chợ Rẫy đề nghị xem hàng hóa y tế là loại hàng hóa đặc biệt trong dự luật Đấu thầu (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

“Nếu không được điều trị thuốc tốt ngay từ đầu, như kháng sinh, không được điều trị kháng sinh tốt từ đầu sẽ kéo dài thời gian điều trị, kháng thuốc” - bà Dung nói và cho rằng nên coi thuốc, vật tư y tế là hàng hóa đặc biệt trong việc áp dụng Luật Đấu thầu.

ĐB Nguyễn Tri Thức (TP.HCM), Giám đốc BV Chợ Rẫy, dẫn ra tình trạng thiếu thuốc, khó khăn trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế thời gian qua để phân tích dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Theo ông Thức, dự luật mới chỉ rõ về việc đấu thầu thuốc còn hai mục rất lớn trong ngành y đó là vật tư y tế tiêu hao và trang thiết bị y tế chưa được quy định rõ. Ông đề nghị phân biệt các mặt hàng y tế với hàng hóa thông thường, phải có định nghĩa riêng bởi hàng hóa y tế là loại hàng hóa đặc biệt, liên quan tới sức khỏe của người bệnh.

ĐB Thức cho rằng hình thức dễ sinh ra tiêu cực nhất là chỉ định thầu nên trong luật sửa đổi cần có những quy định cụ thể, chi tiết. Ông đề nghị làm rõ các vấn đề trong chỉ định thầu như tình huống bất khả kháng, tình huống cấp cứu và tình huống cấp bách trong chỉ định thầu là tình huống cần phải mua thuốc ngay.

Ông cũng đề nghị cần quy định tổ chức nào được xác định gói thầu chỉ định là tình huống cấp cứu, tình huống cấp bách phải mua ngay để đảm bảo yêu cầu hoạt động của BV, đảm bảo hoạt động khám chữa bệnh.

“Ví dụ như hội đồng khoa học kỹ thuật hay Đảng ủy BV, phải tin tưởng tổ chức đó, tránh tâm lý e ngại không dám mua thuốc dẫn tới thiếu thuốc cho người bệnh” - ông Thức nói.

Tiết kiệm nhưng tăng ngày điều trị thì bác sĩ cũng nản

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng tiêu chí trúng thầu đầu tiên hiện vẫn là giá rẻ. Với các mặt hàng như giấy, công nghệ… lỡ chọn loại rẻ cũng chưa ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân nhưng mặt hàng y tế thì khác. “Tiết kiệm một đồng hôm nay nhưng tăng số ngày điều trị, mất niềm tin của người dân, bác sĩ cũng nản...” - bà Phong Lan nói.

Nữ ĐB nêu quan điểm đấu thầu không phải là biện pháp duy nhất và không tránh được tiêu cực.

Tại các BV tư không đấu thầu và các bác sĩ biết thuốc nào phù hợp nhất cho bệnh nhân. Phù hợp nhất ở đây không đồng nghĩa với giá rẻ nhất. Do đó, ĐB Phong Lan mong mỏi các BV được tự chủ như BV tư nhân, được phát huy tính chủ động trong mua sắm, tránh tình trạng “xây dựng luật nhưng nhìn đâu cũng thấy tiêu cực”. Bởi theo bà, trong lĩnh vực y tế, đa số đều đặt sức khỏe của bệnh nhân lên hàng đầu.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay vấn đề về thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế… có nguyên nhân nằm ở các văn bản quy phạm pháp luật, từ Luật Đấu thầu, Luật Dược, các nghị định và ngay cả thông tư của Bộ Y tế cũng vướng.

“Trong quá trình tổng hợp của Bộ KH&ĐT, liên quan đến đặc thù của ngành y tế trong mua sắm, đấu thầu cũng đã được thể hiện trong dự án. Ví dụ như những vấn đề liên quan đến chỉ định thầu trong tình huống cấp bách… Trong tình hình chống dịch COVID-19, chúng ta cũng cần phải cụ thể hóa vấn đề này” - Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay.

Phải quy định giá thuốc…

Bà Phong Lan khi phát biểu về dự thảo Luật Giá (sửa đổi) bày tỏ là luật vẫn “chung chung”.

“Quay đi quay lại vẫn là chúng ta lựa chọn một số mặt hàng thiết yếu, cho kê khai giá, Nhà nước xem xét giá kê khai có phù hợp hay không, doanh nghiệp khi áp dụng phải niêm yết giá” - bà Phong Lan nói.

Theo bà Phong Lan, quản lý dược phẩm giá cả rất khác nhau. Trước đây hay hiện nay trong các BV, dược phẩm đều chi tiết, rõ ràng.

“Bây giờ chúng ta không có quy định gì cả, trong khi đó mới là cốt lõi. Nếu chúng ta đã có ý định để Nhà nước can thiệp vào để quản lý thì phải quy định”, bà Phong Lan kiến nghị điều này để “tránh việc như bây giờ cứ mua, cứ đấu thầu, rồi một ngày cơ quan điều tra vào cuộc hỏi tại sao mua đắt vậy, cao gấp hai, ba lần giá nhập hải quan... Nếu không có quy định thì cao gấp 10 lần cũng không thể nói là đắt được” - bà Phong Lan nói.

Theo bà, cần học tập kinh nghiệm quốc tế theo hướng vẫn giữ vững được nguyên tắc hoạt động theo cơ chế thị trường nhưng vẫn tránh được những trường hợp đầu cơ, tăng giá không phù hợp. “Đề nghị tỉ suất, biên độ lợi nhuận phải được quy định ở một số sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến người dân như thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, xăng dầu, lương thực thực phẩm như gạo...” - bà Phong Lan nói.

Sau khi phân tích thêm một số vấn đề, bà Phong Lan nói: “Trước nay chúng ta chỉ quan tâm đến giá trần, chưa để ý đến giá sàn, giá tối thiểu. Nếu giá sàn rẻ chưa chắc đã là tốt… Có những cái hết sức vô lý, nếu để thời gian nghiên cứu các toa thuốc ở BV sẽ thấy giữa BV công với tư khác nhau, giữa dịch vụ với bảo hiểm còn khác nữa”.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay: Khi góp ý Luật Giá (sửa đổi) thì có nhiều vấn đề về lý thuyết, nguyên tắc đã được Bộ Y tế đưa ra.

Chẳng hạn vấn đề thẩm định giá, Bộ trưởng nói: “Hiện nay chúng tôi đang triển khai thẩm định giá cho vaccine, có thể nói các đơn vị ở dưới làm rất lúng túng. Thế nên ngoài chuyện có những cơ quan chuyên nghiệp ra thì vấn đề thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước cao nhất, ví dụ theo danh mục, thẩm quyền”.

Hay với vấn đề “Nhà nước định giá”, Bộ trưởng cho rằng nếu giá tính đúng, tính đủ đối với các dịch vụ Nhà nước đặt hàng thì xem lại đề nghị có cần thống nhất với các quy định về Luật Ngân sách và các quy định hiện hành khác hay không. Bởi vì vấn đề này còn phụ thuộc vào cân đối ngân sách.

“Tôi lấy ví dụ giá dịch vụ của khám chữa bệnh chưa tính đúng, tính đủ, mới tính 1/2 chi phí thôi chẳng hạn. Nếu tính đúng, tính đủ thì khi Nhà nước đặt hàng lại vượt mức với ngân sách đưa ra” - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Cần xem lại Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Về các quỹ tài chính ngoài ngân sách, đặc biệt là Quỹ bình ổn giá xăng dầu, các ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai), Trần Văn Lâm (Bắc Giang), Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông)… đều nhận định cần xem xét lại để tránh việc Nhà nước can thiệp vào thị trường.

ĐB Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng bình ổn giá là hình thức can thiệp vào thị trường. Về quỹ bình ổn giá, luật hiện hành quy định trường hợp cần thiết Nhà nước lập quỹ bình ổn. Thực tế chỉ có Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Ông Nguyễn Trường Giang nhận xét vừa qua điều hành Quỹ bình ổn giá xăng dầu “rất có vấn đề”.

Theo quy định, nguồn hình thành quỹ này được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (300 đồng/lít). ĐB Giang so sánh quỹ bình ổn giống kiểu một bà nội trợ hôm trước đi mua hàng hóa rẻ, bảo bà bán hàng “cho tôi gửi 300 đồng, mai tôi đi mua nếu hàng đắt hơn thì bà phải bù cho tôi”. Nhưng ngày mai hàng lên giá thì bà được trích ngày hôm trước lại không đi mua, mà là người khác đi mua.

Ngoài ra, giá thế giới liên tục tăng như vừa qua thì quỹ bình ổn bị âm, khi giá thế giới giảm thì sẽ trích lập lại vào quỹ cho tới khi quỹ dương trở lại. Cuối cùng, giá xăng dầu trong nước không tiệm cận với giá thế giới, khi giảm thì giảm rất chậm. Cũng có thống kê cho thấy một năm qua mặt hàng dầu đã trích lập nhiều hơn nhưng được bù giá ít hơn, còn xăng trích ít hơn lại được bù giá nhiều hơn từ quỹ.

Do vậy, ông Giang và nhiều ĐB khác đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm