Ngày 12-7, HĐND TP Đà Nẵng khai mạc kỳ họp thứ bảy khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026. Tại kỳ họp, nhiều vấn đề quan trọng đã được HĐND TP đặt ra, trong đó có việc hàng trăm nhân viên y tế của TP xin nghỉ việc.
Đang có tình trạng nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc. Ảnh: TẤN VIỆT |
Hơn 300 nhân viên y tế tại Đà Nẵng xin nghỉ
Phát biểu tại kỳ họp, ông Nguyễn Đình Khánh Vân, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Đà Nẵng, cho hay nguồn nhân lực hoạt động cho ngành y tế Đà Nẵng còn mỏng so với yêu cầu thực tiễn, hiện có tình trạng nhiều nhân viên y tế xin nghỉ việc.
Cụ thể năm 2021, TP có 195 nhân viên y tế xin nghỉ việc, sáu tháng đầu năm 2022 có thêm 127 nhân viên y tế xin nghỉ việc. Việc thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh cũng đang là một trong những khó khăn của ngành y tế Đà Nẵng.
Ông Vân cho hay hệ thống y tế dự phòng trên địa bàn TP ngày càng được củng cố, hoàn thiện từ tuyến TP đến cơ sở và đã phát huy hiệu quả trong công tác kiểm soát dịch COVID-19… Tuy nhiên đang xuất hiện tình trạng chủ quan, xem nhẹ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong nhân dân. Tiến độ tiêm chủng mũi nhắc lại và tiêm chủng cho trẻ em 5-11 tuổi chưa đạt kế hoạch, gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Vân cũng kiến nghị TP đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình y tế trọng điểm như Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình; Trung tâm Ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc; nâng cấp BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý hoạt động y tế tư nhân, xây dựng các chính sách hỗ trợ cho ngành y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng.
“Khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh hiện nay, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân tiêm vaccine phòng COVID-19” - ông Vân kiến nghị.
Từ năm 2021 đến nay, TP Đà Nẵng có hơn 300 nhân viên y tế nghỉ việc; con số này ở Thanh Hóa tính từ năm 2020 là hơn 200 người.
Lo ngại bị kiểm tra, thanh tra, không dám đấu thầu
Cùng ngày, kỳ họp thứ bảy HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 bước sang ngày làm việc thứ hai.
Tại đây, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Trịnh Hữu Hùng thông tin về việc thiếu thuốc, vật tư y tế, hóa chất xét nghiệm tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh. Ông Hùng cho rằng nguyên nhân chính của việc này là tâm lý lo ngại bị kiểm tra, thanh tra nên không dám làm, không dám đấu thầu. Một số doanh nghiệp, nhà cung cấp e ngại cung cấp hàng hóa cho một số đơn vị công, do liên quan đến giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu, thanh toán phức tạp…
Ông Trịnh Hữu Hùng cũng đề cập đến thực trạng nhân viên y tế nghỉ việc tại các đơn vị y tế công. Riêng Thanh Hóa, từ năm 2020 đến nay có 206 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 96 bác sĩ (chiếm khoảng 47%). Một trong những nguyên nhân khiến nhân viên y tế nghỉ việc là do áp lực công việc nặng nề hơn, người bệnh ngày càng đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao nên nhân viên y tế, bác sĩ luôn cảm thấy mệt mỏi.
Nhân viên y tế, bác sĩ còn phải đối mặt với mối nguy hiểm người bệnh và người thân của bệnh nhân, trong khi cơ chế bảo vệ nhân viên y tế còn nhiều bất cập, chưa được động viên, đánh giá đúng mức từ người bệnh, từ xã hội đến cả cấp quản lý. Bên cạnh đó, thu nhập của đội ngũ nhân viên y tế hiện chưa được đảm bảo.
Ông Hùng cho rằng để nâng cao chất lượng khám, chẩn đoán, điều trị phải có đầy đủ thuốc, vật tư y tế, có như vậy bác sĩ, nhân viên y tế mới có khả năng cống hiến, đem kinh nghiệm của mình phục vụ người bệnh.
Để hạn chế tình trạng nhân viên y tế, bác sĩ nghỉ việc, giám đốc Sở Y tế kiến nghị HĐND tỉnh Thanh Hóa ngoài hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị, cần thêm chính sách hỗ trợ theo đầu giường bệnh…•
Nhiều bất cập trong mô hình chính quyền đô thị
Tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng và HĐND TP đã có những báo cáo liên quan đến quá trình thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Ông Ngô Xuân Thắng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng, cho hay điểm hấp dẫn của mô hình chính quyền đô thị là tính tập trung về một đầu mối cấp TP nhằm giải quyết mọi vấn đề nhanh gọn hơn. Tuy nhiên, thực tế không như mong đợi. Mọi việc ở cấp quận, phường diễn ra chậm trễ hơn trước, nhất là ở lĩnh vực tài chính, từ dự toán đến giải ngân vốn đầu tư.
Báo cáo giám sát của HĐND TP Đà Nẵng cũng cho thấy khi thí điểm mô hình chính quyền đô thị thì quận, phường trở thành đơn vị dự toán ngân sách. Do đó không còn nguồn tăng thu, kết dư ngân sách để chủ động bổ sung dự toán phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đảm bảo an sinh xã hội như một cấp ngân sách. Điều này làm cho quận, phường không chủ động được trong điều hành ngân sách, nguồn chi để kịp thời xử lý những vấn đề cấp thiết…
HĐND TP Đà Nẵng đề nghị UBND TP rà soát cơ sở pháp lý để xem xét, phân cấp ủy quyền cho UBND các quận quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án dân sinh quy mô nhỏ nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai, tránh dồn công việc về Sở KH&ĐT và UBND TP.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cũng nhìn nhận việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị bước đầu đạt được một số kết quả tích cực nhưng cũng có một số khó khăn, vướng mắc. Ông Quảng đề nghị các đại biểu HĐND TP đóng góp ý kiến để khắc phục hạn chế, phát huy những điểm ưu việt của mô hình này.