Chết vì... nuốt răng giả của mình

Hiện nay, nhiều người vẫn còn sử dụng các loại răng giả tháo lắp thay vì trồng răng cố định vĩnh viễn. Tuy nhiên, răng giả tháo lắp tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà chính người sử dụng chưa lường trước được.

Tưởng hóc đơn giản

Thời gian gần đây, BV Chợ Rẫy (TP.HCM) ghi nhận nhiều ca nuốt răng giả trong lúc ngủ và sinh hoạt. Tuy nhiên, không may mắn cho những bệnh nhân này khi răng giả mắc kẹt ở thực quản, gây nhiều biến chứng, thậm chí có người bệnh đã tử vong khi bác sĩ chưa kịp can thiệp. Đối với những trường hợp răng giả đi sâu vào thực quản, đa phần việc nội soi gắp ra không khả thi nên buộc phải mổ mở, bệnh nhân chịu nhiều biến chứng.

“Cứ nghĩ đến bệnh viện, các bác sĩ sẽ nội soi gắp răng giả ra đơn giản thôi nhưng không ngờ phải mổ và nằm viện phức tạp dài ngày như vậy” - anh PQC (35 tuổi, ngụ Đồng Nai), đang nằm điều trị tại khoa Ngoại lồng ngực BV Chợ Rẫy, chia sẻ. Anh C. vén áo chỉ vào vùng ngực bên phải được khâu đường dài chi chít sau ca mổ. Anh kể vào khoảng nửa tháng trước, khi đang uống nước thì chiếc răng giả rơi vào cổ họng. Chiếc răng giả này anh đã làm được 11 năm nên đã lỏng gốc và có lần đã rơi ra. Sau đó, anh chạy vào nhà vệ sinh để móc họng ói ra. Tuy nhiên, anh càng ói thì chiếc răng càng chui sâu xuống vùng ngực nên anh phải vào một bệnh viện ở địa phương để nội soi lấy ra nhưng thất bại. Cảm thấy vùng ngực mỗi lúc đau nhiều hơn và khó thở nên anh vào BV Chợ Rẫy. Tại đây, anh được các bác sĩ xem xét, nội soi gắp dị vật ra nhưng tiếp tục thất bại nên phải cấp cứu mổ ngực, tiếp cận thực quản và mở thực quản mới lấy ra được chiếc răng cùng khung răng. Các bác sĩ nhận định khung răng giả có móc sắt đã đâm vào thực quản gần vùng ngực của bệnh nhân nhưng may mắn chưa gây thủng động mạch lớn gây mất máu ồ ạt, nguy hiểm tính mạng. Tuy nhiên, do trải qua cuộc đại phẫu mổ mở ngực lớn nên bệnh nhân phải điều trị và theo dõi lâu dài, chi phí tốn kém, tiên lượng tử vong cao vì có thể gặp di chứng nhiễm trùng lồng ngực.

Tương tự trường hợp anh C., cách đây vài tháng, bệnh viện cũng tiếp nhận người đàn ông (50 tuổi) nuốt răng giả trong lúc ngủ. Tuy nhiên, ba ngày sau ông mới đến bệnh viện và đã ở trong tình trạng toàn bộ vùng giữa ngực bị nhiễm trùng tạo ổ áp xe lớn, đứng trước cuộc mổ khó khăn và di chứng sau mổ nặng nề hơn nhiều. Người đàn ông hiện vẫn tái khám ở bệnh viện và dự kiến phải mổ ngực lại để xử lý ổ nhiễm trùng trong lồng ngực.

Anh C. với vết thương mổ mở ngực kéo dài để lấy răng giả lỡ nuốt phải. Ảnh: HL

Khung răng giả nằm trong thực quản của anh C. được phẫu thuật lấy ra. Ảnh: BSCC

Nguy kịch, chết thình lình sau khi nuốt răng giả

ThS-BS Đặng Đình Minh Thanh, khoa Ngoại lồng ngực BV Chợ Rẫy, cho hay bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các ca nuốt răng giả buộc phải mổ cấp cứu như trên. Có những trường hợp đã tử vong do móc răng giả đi sâu vào thực quản, chọc vào mạch máu lớn ở trung thất gây chảy máu ồ ạt cho bệnh nhân, không thể xử trí kịp. Giải thích tỉ lệ biến chứng và tử vong cao khi hóc răng giả, BS Thanh cho hay: “Khi nuốt răng giả, thông thường móc cài của răng giả sẽ bị mắc kẹt tại vùng hẹp của thực quản nằm gần ngực, nơi có nhiều mạch máu lớn. Bệnh nhân có thể chết bất kỳ lúc nào nếu móc sắt này chọc trúng mạch máu lớn gây chảy máu ồ ạt. Ngoài ra, nếu bệnh nhân nhập viện trễ, móc sắt có thể gây tổn thương, nhiễm trùng vùng giữa ngực. Bệnh nhân có thể chết do sốc nhiễm trùng nặng nề”.

TS-BS Võ Văn Nhân, báo cáo viên quốc tế tại các hội nghị về implant nha khoa, cho hay tình trạng nuốt, hóc hàm răng giả đa phần rơi vào các bệnh nhân có hàm tháo lắp bán phần. Ngoài rơi vào đường thực quản khi ngủ, ăn uống, răng giả cũng có thể đi lạc vào đường thở khi bệnh nhân hắt hơi. Nguyên nhân do hàm tháo lắp bán phần theo thời gian sẽ trở nên lỏng lẻo vì teo mô xương và mô nướu, đặc biệt nếu người bệnh bị mất răng tại vị trí móc răng thì hàm sẽ càng lỏng lẻo, nguy cơ “đi lạc” càng cao hơn.

Còn các hàm giả tháo lắp toàn phần kích thước lớn hơn nên khó có cơ hội lọt vào thực quản hay đường thở hơn.

Nên lắp răng giả theo kỹ thuật mới

Hiện nay, với kỹ thuật nha khoa tiến bộ, bệnh nhân không cần làm hàm tháo lắp bán phần mà vẫn đảm bảo chức năng thẩm mỹ, nhai nuốt. Thay vào đó, bệnh nhân có thể làm cầu răng cố định giúp hàm khít sát, không rơi ra rơi vào. Hoặc bệnh nhân có thể cấy ghép trụ implant cho răng bị mất. Việc cấy ghép này không làm phá hủy răng thật và cũng đồng thời đem lại hàm cố định.

TS-BS VÕ VĂN NHÂN

Thay mới ngay nếu hàm giả lỏng lẻo

Nếu bệnh nhân sử dụng hàm tháo lắp bán phần thì nên chọn cơ sở thiết kế phục hình răng cho vững chắc và đi tái khám định kỳ. Thông thường, các hàm tháo lắp bán phần có thời gian sử dụng 1-3 năm. Nếu thấy hàm lỏng lẻo thì nên thay hàm mới, không nên cố giữ hàm lỏng lẻo. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm