Dấu hiệu nhận biết sớm tăng đường huyết

Đối với người mắc bệnh đái tháo đường, nếu lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến các mạch máu nhỏ và lớn của cơ thể, dẫn đến các biến chứng ở mắt, tim, não, thận và chi. Vì vậy, việc nhận biết các triệu chứng của đường huyết tăng có thể giúp chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường, ngăn ngừa biến chứng cấp cứu do bệnh gây ra.

Triệu chứng thường gặp

Các triệu chứng tăng đường huyết phổ biến có thể là dấu hiệu cảnh báo cho những người đái tháo đường chưa được chẩn đoán. Nếu bạn biết mình mắc bệnh đái tháo đường, những triệu chứng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn cần điều chỉnh kế hoạch điều trị.

Dấu hiệu nhận biết sớm tăng đường huyết ảnh 1
Kiểm tra đường huyết.

Khát quá mức: Trong nỗ lực để khôi phục sự cân bằng đường trong máu, cơ thể sẽ cố gắng thải trừ đường dư thừa qua nước tiểu. Do đó, thận phải tăng cường hoạt động hơn để thải lượng glucose dư ra khỏi cơ thể, kéo theo mất chất lỏng từ các mô cơ thể cùng với lượng đường dư thừa. Do mất nhiều chất lỏng làm thúc đẩy cảm giác khát và uống nhiều nước. Nếu bạn uống liên tục và không cảm thấy hết cơn khát hoặc bạn bị chứng khô miệng nghiêm trọng có thể là dấu hiệu của tăng đường huyết.

Tăng cảm giác đói: Quá nhiều đường trong máu có nghĩa là các tế bào của cơ thể bị đói vì thiếu năng lượng và tất nhiên bạn sẽ cảm thấy đói. Nhưng bạn càng ăn nhiều carbohydrate thì lượng đường trong máu càng cao.

Tăng tiểu tiện: Đi tiểu thường xuyên, đặc biệt vào ban đêm có thể là dấu hiệu của đường trong máu cao. Đây là kết quả của việc thận lấy thêm nước ra khỏi các mô để làm loãng đường thừa trong máu và loại bỏ đường qua nước tiểu.

Tầm nhìn mờ: Mức đường cao buộc cơ thể kéo và thải chất lỏng từ các mô của cơ thể, bao gồm cả dịch của mắt làm ảnh hưởng đến thị lực dẫn tới nhìn mờ.

Mệt mỏi: Khi đường trong máu cao nhưng ít được đưa vào bên trong tế bào để tạo năng lượng, tế bào sẽ trở nên thiếu ăn khiến bạn cảm thấy chậm chạp hoặc mệt mỏi. Điều này thường xảy ra sau bữa ăn, đặc biệt là bữa ăn giàu carbonhydrate.

Triệu chứng nặng

Những triệu chứng nặng có xu hướng xảy ra khi bị tăng đường máu trong một thời gian dài hoặc khi lượng đường trong máu đột ngột tăng lên rất cao. Những triệu chứng nặng dưới đây thường là dấu hiệu cấp cứu, cần đặc biệt quan tâm.

Đau bụng: Tăng đường huyết mạn tính có thể gây tổn thương dây thần kinh chi phối dạ dày. Đau dạ dày cũng có thể là một dấu hiệu của nhiễm toan ceton do đái tháo đường gây ra - một trường hợp cần cấp cứu ngay.

Giảm cân: Giảm cân không chủ ý là một dấu hiệu quan trọng, đặc biệt ở trẻ em. Nhiều trẻ được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 1 có dấu hiệu giảm cân trước khi được chẩn đoán. Điều này thường xảy ra do cơ thể không thể sử dụng đường trong máu để tạo năng lượng.

Rối loạn tiêu hóa và hô hấp: Buồn nôn, nôn, thở sâu và nhanh, mất ý thức là dấu hiệu cho thấy bạn cần tìm sự trợ giúp khẩn cấp nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong.

Triệu chứng hiếm gặp

Một số triệu chứng hiếm gặp hơn cũng có thể xảy ra ở những người bị tăng đường máu.

Tê tay chân: Tổn thương dây thần kinh ở các chi gọi là bệnh lý thần kinh ngoại vi xảy ra theo thời gian và có thể xuất hiện triệu chứng như tê, ngứa ran hoặc đau ở bàn tay, bàn chân hoặc chân.

Rối loạn da: Da khô hoặc ngứa, vết thương da chậm phục hồi, nếp nhăn thâm đen của vùng da cổ có thể là dấu hiệu tăng đường máu.

Nhiễm nấm thường xuyên và rối loạn cương dương: Đây là những biểu hiện ảnh hưởng đến phụ nữ và nam giới bị tăng đường huyết và mắc đái tháo đường.

Hội chứng tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường máu không nhiễm ceton: Đây là một biến chứng cực kỳ nghiêm trọng có thể xảy ra ở những người bị đái tháo đường type 1 hoặc 2 nhưng thường xảy ra ở những người đái tháo đường type 2. Hội chứng bệnh có đặc điểm là lượng đường trong máu trên 600 mg/dl và thường do các yếu tố nguy cơ nhiễm trùng như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiểu hoặc không có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu một cách hiệu quả. Các triệu chứng thường gặp gồm: khát nặng, khô miệng, mệt mỏi, đi tiểu quá mức, đau ở vùng bụng, nôn và buồn nôn, thở nhanh, hơi thở có mùi trái cây. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng hôn mê và thậm chí tử vong.

Nhiễm toan ceton do đái tháo đường: Tăng đường máu có thể dẫn tới một tình trạng nguy hiểm khác gọi là nhiễm toan ceton do đái tháo đường, xảy ra phổ biến nhất ở những người bị đái tháo đường type 1. Nhiễm toan ceton do đái tháo đường gây ra khi cơ thể có ít hoặc không có insulin để sử dụng và kết quả lượng đường trong máu tăng lên mức nguy hiểm, máu trở nên có tính acid. Tổn thương tế bào có thể xảy ra và nếu tiếp tục tiến triển có thể gây ra hôn mê hoặc tử vong. Nhiễm toan ceton do đái tháo đường cần cấp cứu với truyền dịch, chất điện giải và insulin.

Lời khuyên của thầy thuốc

Nếu bạn cảm thấy bản thân có những dấu hiệu không bình thường và nghi ngờ bị tăng đường huyết, hãy đi kiểm tra để chẩn đoán sớm.

Trường hợp bạn không bị đái tháo đường và tăng đường máu chỉ mang tính nhất thời, bạn nên điều chỉnh lối sống theo tư vấn của bác sĩ.

Trường hợp bạn đang bị đái tháo đường, cần kiểm tra đường huyết nếu có bất kỳ dấu hiệu nào trên đây. Bạn nên tăng cường đi bộ hoặc tập thể dục nhẹ, dinh dưỡng hợp lý, uống thêm nước và điều chỉnh thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Bạn có thể cần điều trị khẩn cấp trong trường hợp bạn gặp bất kỳ triệu chứng của hội chứng tăng áp lực thẩm thấu do tăng đường huyết không nhiễm ceton hoặc nhiễm toan ceton do bệnh đái tháo đường.

BS Thanh Hoài

(Theo Suckhoedoisong)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.