TP.HCM tiếp tục chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ

Chiều 13-1, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã tổ chức họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Tất cả 12 ca mắc Omicron đã xuất viện

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi về tình hình các ca mắc COVID-19 nhiễm biến thể Omicron, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết TP.HCM hiện có 12 ca mắc Omicron và đã được cách ly điều trị tại BV dã chiến số 12.

“Đến 15 giờ ngày 13-1, toàn bộ 12/12 trường hợp mắc Omicron đều đã được xuất viện. Trong các ca này, chỉ có hai ca có triệu chứng sổ mũi nhẹ, ho, còn lại không có triệu chứng” - bà Mai nói và khẳng định các trường hợp xuất viện đều đảm bảo quy định của Sở Y tế.

Với những người ngồi cùng chuyến bay với 12 ca nhiễm này và có tiếp xúc gần, bà Mai cho biết ngành y tế TP.HCM đã xét nghiệm trên 2.000 người và chưa phát hiện trường hợp lây nhiễm.

Về chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ, bà Mai cho biết tính trong số hơn 25.837 người thuộc nhóm này, đến nay đã có 18.493 người (chiếm 71,6%) đã được tiêm vaccine. Số chưa tiêm thuộc nhóm mắc COVID-19 hoặc chống chỉ định tiêm.

Theo bà Mai, hiện TP.HCM tiếp tục triển khai chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ. Các lực lượng đi từng nhà thuyết phục những người có nguy cơ đồng thuận tiêm vaccine, đồng thời tổ chức các đội tiêm tại nhà.

Ngoài ra, ngành y tế TP.HCM tiếp tục phát tờ rơi hướng dẫn chăm sóc nhóm này để bảo vệ cho người cao tuổi không mắc COVID-19. Sở Y tế sẽ tham mưu thực hiện xét nghiệm đợt 3 cho người có nguy cơ trong tháng 1 và đến tháng 2 sẽ mở rộng nhóm nguy cơ đến người trên 50 tuổi (hiện nay quy định nhóm này trên 65 tuổi).

Nhiều hoạt động dịp tết Nguyên đán  

Thông tin tại họp báo, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Võ Trọng Nam khẳng định TP.HCM sẽ không bắn pháo hoa đêm giao thừa tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Quyết định này dựa trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo trung ương và TP.HCM.

Tuy nhiên, theo ông Nam, có 18 hoạt động mừng xuân vẫn diễn ra kéo dài từ nay đến hết tháng 2 như gặp mặt kiều bào, hội hoa xuân, chợ hoa tết, lễ dâng hương dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh, lễ hội đường sách, đường hoa Nguyễn Huệ.

Ngoài ra còn có chương trình biểu diễn nghệ thuật 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, gặp mặt truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, sân khấu hóa kỷ niệm 233 năm chiến thắng Đống Đa lịch sử…

Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã không tổ chức bắn pháo hoa trong dịp tết Dương lịch, đồng thời tổ chức chương trình đếm ngược thời gian đón năm mới không có khán giả tham dự trực tiếp.

Sở Y tế sẽ tham mưu thực hiện xét nghiệm đợt 3 cho người có nguy cơ trong tháng 1 và đến tháng 2. Ảnh: NGUYỆT NHI

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM Võ Trọng Nam, năm nay TP.HCM tiếp tục tổ chức hoạt động trang trí ánh sáng nghệ thuật đường phố trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đồng Khởi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Lê Lợi.... “Khoảng một tuần nữa, các con đường này sẽ hoàn thiện. So với mọi năm là trễ, đúng kế hoạch là 20-12 nhưng do tình hình dịch COVID-19 nên có trễ so với tiến độ” - ông Nam khẳng định.

Vì sao học sinh tiểu học chưa có lịch đến trường?

Trả lời câu hỏi vì sao học sinh khối lớp từ 1 đến 6 chưa có lịch đến trường, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết ngày 12-1, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch tổ chức dạy và học trở lại đối với khối giáo dục mầm non.

Theo đó, từ tháng 2, trẻ mầm non đến trường tham gia các hoạt động trực tiếp theo tinh thần tự nguyện của cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Thời gian kết thúc năm học dự kiến là ngày 29-7.

Đối với lịch đi học trực tiếp của học sinh khối lớp 1 đến lớp 6, ông Trọng cho biết Sở GD&ĐT đang trình, tham mưu cho UBND TP.HCM kế hoạch sau tết Nhâm Dần 2022, trong đó bao gồm lộ trình cho trẻ từ lớp 1 đến lớp 6 đến trường. Tuy nhiên, lộ trình này vẫn đang chờ UBND TP phê duyệt. Sau khi có thông tin chính thức, đơn vị sẽ thông tin sau.

Cũng liên quan đến bậc học mầm non, trước tình trạng không ít giáo viên về quê nhưng không trở lại TP.HCM, ông Trọng cho biết Sở GD&ĐT cho biết đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non chuẩn bị đón trẻ và học sinh trở lại trường, trong đó chuẩn bị cả về nhân sự.

Với trường hợp cơ sở thiếu giáo viên bảo mẫu, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở chuẩn bị điều chỉnh nhân sự, mời các giáo viên bảo mẫu quay lại trường; đồng thời tuyển thêm giáo viên mầm non còn thiếu. “Điều kiện phục vụ dạy và học của các cơ sở đáp ứng đến đâu sẽ đón trẻ trở lại trường phù hợp” - ông Trọng nói.

Theo ông Trọng, TP.HCM đã là vùng xanh, ngay từ giai đoạn khởi động lại dạy học trực tiếp cho lớp 9 và lớp 12, Sở GD&ĐT đã thống nhất không cấm bán trú, nội trú mà tùy vào điều kiện để thực hiện.

TP.HCM mới chỉ xử phạt 59 trường hợp vi phạm tiếng ồn

Tại họp báo, trả lời câu hỏi về kết quả xử lý vi phạm tiếng ồn trên địa bàn, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, cho biết trong thời gian qua, Công an TP.HCM đã chỉ đạo công an các địa phương tăng cường xử lý vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn.

Kết quả, từ ngày 20-3-2021 đến nay, công an các địa phương đã rà soát, lên danh sách và yêu cầu hơn 22.500 trường hợp viết cam kết tuân thủ quy định về tiếng ồn trong sản xuất, kinh doanh và trong cộng đồng dân cư, tháo dỡ các loa nhạc thường xuyên gây tiếng ồn. Công an TP.HCM đã nhắc nhở 515 cơ sở kinh doanh và hộ gia đình chấn chỉnh hoạt động phát ra tiếng ồn.

Lực lượng CSGT đã xử lý 26 trường hợp điều khiển xe không có bộ phận giảm thanh như nổ pô to, bấm còi, rú ga liên tục trong khu dân cư…

Lực lượng công an các quận, huyện và TP Thủ Đức đã tiếp nhận 700 tin báo về hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt gây tiếng ồn. Từ đó, đã yêu cầu ngưng, nhắc nhở, buộc cam kết và ra quyết định xử phạt 59 trường hợp vi phạm về gây tiếng ồn với số tiền hơn 47 triệu đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm