Viêm túi mật: Chủ quan là nguy

Túi mật luôn chứa khoảng 30-50ml dịch mật cô đặc. Khi chúng ta ăn, dịch mật tiết ra đi vào phần ruột non, tá tràng thông qua các ống mật để tiêu hóa thức ăn, nên mặc dù là một bộ phận rất nhỏ của cơ thể nhưng túi mật đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tiêu hóa của con người. Khi túi mật bị viêm thì nó có thể gây ra nhiều biến chứng, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Nguyên nhân gây viêm túi mật

Hơn 90% các trường hợp liên quan đến sỏi và giun ở đường mật - túi mật. Khi có sỏi đường mật, nhất là sỏi cổ túi mật hoặc giun chui đường mật sẽ gây tắc nghẽn đường mật, muối mật kích thích gây tổn thương thành túi mật, lúc đó vi khuẩn sẽ xâm nhập trong túi mật và phát triển gây ra viêm túi mật cấp.

Sự căng của túi mật gây ra thiếu máu kèm viêm nhiễm có thể gây hoại tử túi mật. Một số hiếm trường hợp viêm túi mật không do tắc nghẽn như do chấn thương bụng vùng túi mật, trong đái tháo đường, viêm nút quanh động mạch, nhiễm khuẩn huyết.

Dấu hiệu nhận biết bệnh

Tùy theo biểu hiện viêm túi mật cấp tính hay mạn tính mà lâm sàng có các triệu chứng khác nhau.

Viêm túi mật cấp tính: Thường khởi phát bởi cơn đau quặn gan, sau đó diễn tiến đưa đến nhiễm khuẩn và tắc mật. Có khoảng 60-70% bệnh nhân với cơn đau đầu tiên tự lui bệnh. Tuy nhiên, những cơn đau kéo dài về sau sẽ đưa đến đau lan tỏa cả vùng hạ sườn phải, lan đến vùng vai phải. Đau tăng khi ho và hít sâu, bệnh nhân thường nôn và chán ăn.

Vàng da chỉ xuất hiện khi có viêm phù nề hoặc hạch chèn ép vào đường dẫn mật chính nên thường không có hoặc đến muộn. Khám vùng hạ sườn phải thường rất đau, túi mật to và đau trong khoảng 50% trường hợp, nghiệm pháp Murphy (+),... Siêu âm ổ bụng giúp chẩn đoán viêm túi mật cấp với hình ảnh túi mật to.

Viêm túi mật mạn tính: Bệnh có thể do viêm túi mật cấp chuyển sang, tuy nhiên cũng có nhiều bệnh nhân không có tiền sử viêm túi mật cấp. Bệnh có thể đi kèm với sỏi mật do mật ứ đọng gây nên, nhưng cũng có nhiều bệnh nhân không có sỏi mật. Viêm túi mật mạn tính có đặc điểm là có nhiều lần tái phát triệu chứng như sỏi mật. Bệnh nhân đau âm ỉ và ấn đau vùng hạ sườn phải, đau xuyên lên vai lưng phải, bụng trên đầy, ngực tức, ợ hơi, biếng ăn, mệt mỏi. Các triệu chứng trên không nặng nhưng dai dẳng không hết, lúc ăn các chất dầu mỡ khó tiêu vào thì đau tăng. Người bứt rứt, táo bón, nước tiểu vàng đậm. Chẩn đoán bằng siêu âm ổ bụng.

Sỏi túi mật: Rất nhiều bệnh nhân có sỏi túi mật mà không có triệu chứng. Hoặc có thể có những triệu chứng như: khó tiêu, đầy bụng, nhất là khi ăn trứng, ăn mỡ; đau ở vùng dưới bờ sườn phải, đau ê ẩm. Bệnh nhân vẫn có thể đi lại sinh hoạt bình thường. Vì các triệu chứng không rõ ràng nên không thể xác định chắc chắn có sỏi hay không có sỏi mà chỉ có thể nghi ngờ. Muốn xác định phải siêu âm ổ bụng.

Có thể gây biến chứng nghiêm trọng

Thông thường, viêm túi mật cấp để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị. Chẳng hạn bệnh sỏi túi mật nếu không được can thiệp lấy hết sỏi có thể diễn biến rất phức tạp, nguy hiểm, chết người. Nếu nước ở túi mật làm cho túi mật căng to và đau. Ứ nước thường do hòn sỏi kẹt ở cổ hay ống túi mật; nhiễm khuẩn túi mật làm cho trong túi mật có mủ, dẫn tới thành túi mật hoại tử rồi thủng gây viêm phúc mạc và tử vong nếu không được mổ khẩn cấp cắt túi mật.

Cũng có trường hợp gây áp-xe túi mật cũng phải mổ cấp cứu, hoặc trở thành đám quánh túi mật gây đau tái đi tái lại nhiều lần. Do đó viêm túi mật phải  được điều trị dứt điểm.

Điều trị thế nào?

Điều trị nội khoa: Nghỉ ngơi, truyền dịch để nuôi dưỡng và cân bằng nước điện giải. Dùng các thuốc giảm đau, giãn cơ trơn... Tùy theo tình trạng cụ thể mà bác sĩ sẽ cho chỉ định dùng kháng sinh phù hợp.

Điều trị ngoại khoa: Chỉ tiến hành mổ cấp cứu trong trường hợp không đáp ứng với điều trị nội khoa mà tình trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc nặng hoặc có biến chứng ngoại khoa như túi mật hoại tử, thấm mật phúc mạc và viêm phúc mạc mật.

Ngăn ngừa thế nào?

Như trên đã nói, hơn 90% các trường hợp viêm túi mật liên quan đến sỏi và giun ở đường mật - túi mật, do đó phòng ngừa bệnh lý này bằng cách ngăn ngừa các yếu tố thuận lợi phát sinh bệnh.

Cụ thể: Chế độ ăn uống ít chất béo, hạn chế các đồ ăn có nhiều cholesterol; vệ sinh ăn uống, trước khi ăn cần rửa tay sạch để tránh nhiễm giun; định kỳ xét nghiệm tìm trứng giun sán trong phân, nếu có phải tẩy giun sán.

Khi nghi ngờ mắc bệnh sỏi mật phải đi khám ngay, nếu viêm túi mật mạn tính cần điều trị dứt điểm để phòng ung thư.

 

Chế độ dinh dưỡng khi bị viêm túi mật

Khi bị viêm túi mật cấp tính, cần để cho túi mật nghỉ ngơi bằng cách loại bỏ hoặc giảm bớt các chất béo trong chế độ ăn và cả chất protid vì chúng làm cho túi mật tăng co bóp. Chế độ ăn chỉ nên có glucid như nước đường, nước quả, nước rau, cho thêm bột ngũ cốc, khoai nghiền. Nên ăn nhạt, nhiều chất xơ để chống táo bón, có thể cho ăn sữa đã tách bơ.

Trong trường hợp bị viêm túi mật mạn tính, bệnh nhân thường có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, cần áp dụng một chế độ ăn nương nhẹ chức năng mật, cụ thể là hạn chế chất béo; mỗi ngày chỉ nên ăn thịt một lần, dùng loại thịt trắng và nạc, không có mỡ. Dùng thịt tươi, nấu đơn giản: hấp, luộc, tránh xào, rán, nướng... dùng bổ sung thêm đạm thực vật, chọn chế độ ăn giàu glucid vì dễ tiêu, không ảnh hưởng xấu đến mật.

BS Trần Quang Nhật 

(Theo Suckhoedoisong)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

Bộ Y tế: Hơn 70% người lớn mắc viêm lợi, viêm quanh răng

(PLO)- Hơn 70% người trưởng thành tại Việt Nam bị viêm lợi, viêm quanh răng. Đây là nội dung được Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin tại Lễ mít tinh và đi bộ hưởng ứng Ngày sức khỏe răng miệng thế giới diễn ra tại TP.HCM ngày 16-3.