Agribank ứng dụng công nghệ vào thanh toán các dịch vụ công

Trong những năm qua, Agribank đã có những chuyển đổi mạnh mẽ, góp phần tạo nên diện mạo một ngân hàng bán lẻ hiện đại, chuyên nghiệp, gắn với các dịch vụ công (thuế, hải quan, Kho bạc Nhà nước, điện, nước…) qua đó, góp phần hỗ trợ khách hàng thực hiện các giao dịch minh bạch, hiệu quả, an toàn.

Agribank đã và đang có những bước phát triển quan trọng, đặc biệt là phối hợp với Tổng cục Hải quan, Tổng cục thuế, Kho bạc Nhà nước áp dụng công nghệ trong lĩnh vực thanh toán các dịch vụ công qua kênh trực tuyến, từ đó giúp khách hàng thuận lợi trong quá trình thanh toán dịch vụ công ngay trên các ưng dụng, thiết bị có kết nối Internet thay vì các giao dịch trực tiếp như trước kia.  

Kênh hữu hiệu nhất để điện tử hóa thủ tục hành chính

Tại Hội nghị trực tuyến Giới thiệu Cổng Dịch vụ công Quốc gia và các lợi ích dành cho doanh nghiệp, đồng chí Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ nhấn mạnh: “Việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đem lại lợi ích rất lớn cho người dân, doanh nghiệp và Cổng Dịch vụ công Quốc gia là kênh hữu hiệu nhất để điện tử hóa thủ tục hành chính. Việc thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia còn tạo thêm kênh giám sát, bảo đảm tính minh bạch của các bộ, ngành, địa phương".

Cổng Dịch vụ công Quốc gia - “Kênh” hữu hiệu nhất để “điện tử hóa” thủ tục hành chính

Tính đến ngày 18-5, sau 5 tháng hoạt động, đến nay, Cổng Dịch vụ công Quốc gia (Cổng DVCQG) đã tích hợp, cung cấp 406 dịch vụ công trực tuyến, gồm 171 dịch vụ cho công dân và 235 dịch vụ cho doanh nghiệp và có hơn 37 triệu lượt truy cập, trên 142.000 tài khoản đăng ký. Theo ước tính, đến nay tổng chi phí xã hội tiết kiệm được trên Cổng DVCQG trực tuyến là 6.400 tỉ đồng/năm. Trong đó, riêng Cổng DVCQG đóng góp hơn 3.036 tỷ đồng/năm. 

Cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ trong thời gian qua, trong thời điểm hiện nay khi cả nước đang quyết liệt phòng chống dịch bệnh COVID-19, theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, việc đưa thêm trên 15 dịch vụ công tích hợp lên Cổng DVCQG càng có ý nghĩa quan trọng khi những dịch vụ công này chú trọng đến thanh toán.

Từ phía đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chỉ ra rằng, giá trị của Cổng DVCQG đã được chứng minh trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19 vừa rồi. Với các biện pháp giãn cách xã hội được đưa ra nhằm ngăn chặn lây nhiễm, người sử dụng dịch vụ và cán bộ cơ quan nhà nước có thể truy cập và cung cấp các dịch vụ công thiết yếu bằng phương thức trực tuyến, qua đó để bảo vệ người dân, doanh nghiệp và cán bộ cơ quan nhà nước. “Chúng ta đặc biệt vui mừng khi nghe về sự phát triển của Cổng Dịch vụ công Quốc gia kể từ thời điểm khai trương cách đây 5 tháng, với hơn 35 triệu lượt truy cập, hàng trăm dịch vụ được cung cấp cho người dân và doanh nghiệp thông qua cổng thông tin cũng như lượng thông tin và phản hồi được khởi tạo”, ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam bày tỏ.

Cổng DVCQG sắp tới chú trọng đến vấn đề thanh toán điện tử.

Điểm chung của những dịch vụ công đưa lên Cổng DVCQG sắp tới chú trọng đến vấn đề thanh toán điện tử, đó là các dịch vụ liên quan đến: Thu phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; nộp thuế cá nhân; thu phí, lệ phí trước bạ ô tô, xe gắn máy; kê khai và nộp thuế doanh nghiệp; cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách và khai báo phiếu giao nhận hồ sơ giao dịch kiểm soát chi qua mạng và giao dịch một cửa với Kho bạc Nhà nước; dịch vụ Hủy tờ khai hải quan, Khai bổ sung hồ sơ hải quan. 

“Kết quả này cho thấy sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, ghi nhận kết quả ban đầu của quá trình xây dựng và vận hành Cổng DVCQG. Đây là sự phối hợp, cố gắng của các bộ, ngành liên quan trong việc cùng chung tay xây dựng, triển khai Cổng DVCQG”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm