Làm gì khi 'trót dại' click vào trang web nghi ngờ giả mạo?

Thời gian qua, với sự phát triển nhanh chóng của các trang mạng xã hội, những hình thức lừa đảo qua mạng, tội phạm công nghệ cao cũng đang có xu hướng gia tăng.

Hàng loạt nhà băng nhận được phản ánh của khách hàng về việc đã xuất hiện một số đối tượng sử dụng những thủ đoạn như giả mạo cán bộ, nhân viên ngân hàng trao đổi và mời khách hàng cung cấp các thông tin cá nhân gồm số thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu… để lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Theo ngân hàng BIDV, trong trường hợp đã click vào cái đường link, cung cấp thông tin tại các website nghi ngờ giả mạo, chủ tài khoản cần nhanh chóng gọi điện cho tổng đài của nhà băng phát hành thẻ mà mình đang sử dụng để yêu cầu khóa dịch vụ.

Đồng thời, vào app mobile banking tiến hành các bước đổi mật khẩu đăng nhập. Nếu trường hợp nhập đúng mật khẩu nhưng không đăng nhập được thì khả năng đối tượng đã đánh cắp truy cập và đổi mật khẩu dịch vụ.

Tuy nhiên, ngân hàng BIDV khuyến cáo khi không thể truy cập được vào tài khoản của chính mình, chủ tài khoản thực hiện chọn “quên mật khẩu” để được cấp lại mật khẩu mới, tránh cho đối tượng tiếp tục đăng nhập và lợi dụng.

Mới đây, ngân hàng Quân đội (MBBank) cũng cho biết các thủ đoạn lừa đảo để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng rất đa dạng.

Các hình thức mà đối tượng lừa đảo dùng chủ yếu là các chiêu trò như sử dụng hình ảnh giả mạo gửi cho khách hàng để chứng minh khách hàng đã được giải ngân khoản vay vào tài khoản vừa mở tại ngân hàng; Hay yêu cầu khách hàng nộp trước một khoản tiền cho kỳ thanh toán đầu tiên vào một số tài khoản mà kẻ gian cung cấp rồi chặn toàn bộ liên lạc với khách hàng sau khi đã nhận tiền.

Trong khi đó, ngân hàng BIDV lại cảnh báo các hình thức gian lận, lừa đảo như sau: Đối tượng chuyển tiền vào tài khoản khách hàng, sau đó giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện cho khách hàng báo có người chuyển nhầm vào tài khoản khách hàng, hướng dẫn khách hàng thủ tục hoàn trả bằng cách ấn vào đường link và điền thông tin cá nhân, sau đó chiếm đoạt tài khoả

Ngoài ra còn có tình huống đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho khách hàng với lý do kiểm tra số dư và giao dịch của khách hàng.

Sau khi đọc tên khách hàng và 6 số đầu tiên của thẻ ATM, đối tượng yêu cầu khách hàng đọc nốt dãy số còn lại trên thẻ để xác nhận chủ thẻ. Sau đó, thông báo ngân hàng sẽ gửi tin nhắn cho khách hàng và yêu cầu khách hàng đọc mã 6 số trong tin nhắn (thực chất là OTP để thực hiện giao dịch trực tuyến). Trường hợp khách hàng thực hiện theo yêu cầu của đối tượng sẽ gặp rủi ro mất tiền trong tài khoản.

Đối với hình thức lừa gạt mua, bán hàng trên internet, chiêu thức lừa đảo thường sử dụng là gửi thông báo tới khách hàng là được nhận tiền từ nước ngoài chuyển về qua kênh Western Union và hướng dẫn nhận bằng cách cung cấp mật khẩu, từ đó lợi dụng thông tin được cung cấp để chuyển tiền và chiếm đoạt.

Đối tượng lừa đảo còn rao bán sản phẩm dịch vụ qua mạng nhưng khi khách hàng chuyển tiền thì không nhận được hàng.

Chính vì vậy, để bảo vệ thông tin cá nhân và các thông tin giao dịch tài chính ngân hàng, phòng tránh và hạn chế tối đa rủi ro nếu kẻ gian thực hiện các hành vi gian lận, các ngân hàng đều khẳng định không có chuyện nhận hồ sơ cho vay qua các trang mạng, ứng dụng xã hội (Facebook, Zalo…) hoặc qua bất cứ trung gian nào. Đồng thời không yêu cầu khách hàng chuyển bất cứ khoản tiền nào trước khi giải ngân cho vay.

Quy trình vay vốn tại ngân hàng được thực hiện đầy đủ các bước về thẩm định, ký hồ sơ giấy tờ theo quy định. Chính vì vậy, khách hàng tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ để tránh bị kẻ gian lấy cắp thông tin cá nhân và sử dụng trái phép.

Đặc biệt, khách hàng tuyệt đối không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu đăng nhập, mã xác thực OTP của dịch vụ ngân hàng điện tử cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng, không bấm vào các đường link lạ được gửi qua tin nhắn, email, kênh mạng xã hội..

Các ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin bảo mật của khách hàng dưới bất kỳ hình thức nào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm