Trái phiếu bất động sản với lãi suất 'khủng' lên tới 18%/năm

Thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2020 tiếp tục tăng trưởng mạnh và có thể chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu là 8 tháng đầu năm 2020 là giai đoạn bùng nổ phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Giai đoạn thứ hai, kể từ ngày 1-9-2020, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã dần hạ nhiệt và đi vào xu thế ổn định hơn các năm trước đây.
Tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đã phát hành thành công trong 10 tháng đầu năm 2020 đạt hơn 350.880 tỉ đồng, tăng 68% so cùng kỳ năm 2019. Các doanh nghiệp bất động sản đứng thứ 2 (sau ngành tài chính - ngân hàng) có giá trị phát hành đạt 63.155 tỉ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 19% tổng giá trị phát hành.
Trong đó, có đến 12 tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản có tổng giá trị phát hành trái phiếu trên 3.000 tỉ đồng/đơn vị. Có bốn Tập đoàn bất động sản lớn có tổng giá trị trái phiếu từ trên 8.000-12.000 tỉ đồng/đơn vị. Lãi suất trái phiếu bất động sản thường có mức cao, trên 8%/năm, cá biệt có trái phiếu của doanh nghiệp lãi suất cao lên đến 18%/năm.

Có DN bất động sản huy động vốn từ trái phiếu với lãi suất cao để thu hút nhà đầu tư.

Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vẫn còn nhiều quan ngại đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp bất động sản. Thứ nhất, tỷ trọng nhà đầu tư trái phiếu là cá nhân tăng mạnh, chỉ riêng tháng 7-2020 đã tăng lên mức trên 17%, cao hơn mức trung bình 9,2% của 6 tháng đầu năm 2020.
Đáng chú ý, có khoảng hơn 50% nhà đầu tư cá nhân chọn mua trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, nhưng hầu hết nhà đầu tư cá nhân chưa được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng đầu tư trái phiếu vốn là sân chơi của người chuyển nghiệp và thường đầu tư vào trái phiếu có lãi suất cao.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết rủi ro thường rơi vào thời điểm đáo hạn trái phiếu trong khoảng trên dưới 5 năm tới đây, nhất là đối với các trái phiếu cam kết trả lãi cao, mà doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, hoặc thiếu các biện pháp đảm bảo rủi ro cho nhà đầu tư.

Chuyên gia cho rằng cần có các tổ chức tư vấn uy tín đánh giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu, để đảm bảo minh bạch thông tin và góp phần bảo vệ nhà đầu tư.

Để tăng cường công tác quản lý thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Nghị định 81/2020 có hiệu lực kể từ ngày 1-9-2020 đã quy định chặt chẽ các điều kiện phát hành, nên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có trái phiếu bất động sản sẽ được kiểm soát rủi ro và bảo vệ nhà đầu tư hiệu quả hơn trước đây.
Tuy nhiên, theo ông Châu, bất cập lớn nhất hiện nay là chưa có các tổ chức tư vấn uy tín (tương tự như Fitch Ratings) đánh giá, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp phát hành trái phiếu, để đảm bảo minh bạch thông tin và góp phần bảo vệ nhà đầu tư trái phiếu.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Đề xuất cơ chế tránh độc quyền vàng miếng

Đề xuất cơ chế tránh độc quyền vàng miếng

(PLO)- NHNN Chi nhánh TP.HCM kiến nghị xem xét đề xuất cơ chế quản lý phù hợp, hiệu quả tránh độc quyền vàng miếng, tạo lợi ích nhóm cho các đơn vị kinh doanh vàng miếng tự niêm yết giá.