Tài khoản ngân hàng bị phong tỏa khi nào?

Nhiều bạn đọc gửi đến PLO hỏi về việc tài khoản ngân hàng của mình có thể bị phong tỏa khi nào.
Trao đổi về vấn đề này, ThS Lưu Minh Sang (Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM) cho biết theo quy định tại Điều 10 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Điều 17 Thông tư số 23/2014/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 02/2019/TT-NHNN), TCTD thực hiện phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số tiền trên tài khoản thanh toán của khách hàng trong ba trường hợp sau:

1. Có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Được sự chấp thuận của khách hàng.

3. TCTD phát hiện thấy có nhầm lẫn, sai sót khi ghi “Có” nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của người chuyển tiền.

Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót (áp dụng đối với tài khoản thanh toán).

Có ba trường hợp tài khoản ngân hàng có thể bị phong tỏa. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Việc phong tỏa tài khoản (PTTK) theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật chuyên ngành. Cụ thể:

 Trong hoạt động tố tụng dân sự, việc yêu cầu PTTK tại TCTD theo yêu cầu bằng văn bản của tòa án có thẩm quyền trong quá trình giải quyết vụ án có liên quan và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

Thủ tục yêu cầu TCTD PTTK cần phải thực hiện theo quy định của BLTTDS 2015 về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Trong hoạt động tố tụng hình sự, để bảo đảm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; trong phạm vi thẩm quyền của mình, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể áp dụng biện pháp yêu cầu PTTK.

Trình tự, thủ tục yêu cầu PTTK thực hiện theo quy định tại Điều 129 BLTTHS 2015. Theo đó, PTTK chỉ áp dụng đối với người bị buộc tội về tội mà BLHS quy định hình phạt tiền, bị tịch thu tài sản hoặc để bảo đảm bồi thường thiệt hại khi có căn cứ xác định người đó có tài khoản tại TCTD hoặc Kho bạc Nhà nước.

Cạnh đó, PTTK cũng được áp dụng đối với tài khoản của người khác nếu có căn cứ cho rằng số tiền trong tài khoản đó liên quan đến hành vi phạm tội của người bị buộc tội.

Trong hoạt động thi hành án dân sự, yêu cầu PTTK là một trong những biện pháp bảo đảm thi hành án. Theo Điều 67 Luật Thi hành án dân sự thì việc PTTK được thực hiện trong trường hợp người phải thi hành án có tài khoản tại TCTD.

Quyết định PTTK phải xác định rõ số tiền, tài sản bị phong tỏa. Chấp hành viên phải giao quyết định phong tỏa cho TCTD đang quản lý tài khoản của người phải thi hành án.

Trường hợp cần phong tỏa ngay tài khoản của người phải thi hành án ở nơi gửi giữ mà chưa ban hành quyết định phong tỏa thì chấp hành viên lập biên bản yêu cầu TCTD đang quản lý tài khoản của người phải thi hành án PTTK.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, chấp hành viên phải ra quyết định PTTK. Tổ chức tín dụng đang quản lý tài khoản phải thực hiện ngay yêu cầu của chấp hành viên về PTTK.

Trong hoạt động quản lý thuế, yêu cầu PTTK là một trong những biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế. Trình tự, thủ tục được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm