"Đường bộ cao tốc thường cho phép xe lưu thông với tốc độ cao, nếu cao tốc không đúng chuẩn cao tốc sẽ gây nên những vụ tai nạn rất nghiêm trọng, điển hình như hai vụ tai nạn liên tiếp khiến năm người tử vong trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn mới đây. Vì vậy, xây dựng đường bộ cao tốc cần phải đồng bộ, không thể làm chắp vá như thời gian qua” - TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM về những bất cập trong xây dựng đường bộ cao tốc hiện nay.
Đầu tư đồng bộ, không nên chắp vá
. Phóng viên: Thời gian qua chúng ta đầu tư rất nhiều đường bộ cao tốc, các tuyến này đều được quy hoạch 4-10 làn xe. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế, Quốc hội, Chính phủ đồng ý đầu tư phân kỳ quy mô hai làn xe hoặc bốn làn xe không có dải dừng khẩn cấp liên tục. Ông đánh giá như thế nào về cách làm này, thưa ông?
+ TS Nguyễn Xuân Thủy: Mục tiêu của chúng ta phân kỳ đầu tư nhằm sớm đưa vào khai thác mạng lưới đường bộ cao tốc, nối thông “mạch máu” để kịp thời phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh cho các địa phương và các vùng, miền trong cả nước. Tuy nhiên, nếu ngân sách khó khăn, chúng ta nên chọn cách nâng cấp các tuyến quốc lộ để người dân đi lại, không nên làm cao tốc hai làn xe như hiện nay vì rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Thêm vào đó, làm đường cao tốc Nhà nước sẽ thu tiền, nếu vậy càng phải đầu tư đồng bộ để đảm bảo an toàn nhất cho người tham gia giao thông, không nên chắp vá.
Cao tốc hai làn xe có nhiều bất cập
. Thời gian qua, một số tuyến đường bộ cao tốc xảy ra nhiều vụ tai nạn, nhiều người nhận định ngoài lỗi của tài xế còn do cao tốc thiết kế chưa đạt chuẩn? Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến tai nạn xảy ra trên cao tốc trong thời gian qua?
+ Thực tế thời gian qua có nhiều quan điểm đổ lỗi cho người tham gia giao thông nhưng theo tôi, cách nhìn nhận như vậy là chưa đúng bản chất vấn đề. Cần phải hiểu rằng để người tham gia giao thông an toàn thì yếu tố quyết định đầu tiên là hạ tầng giao thông, tiếp đó mới tính đến ý thức và kỹ năng của người lái xe. Chẳng hạn, vụ tai nạn khiến ba người tử vong trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn nếu đường thông thoáng thì chắc chắn sẽ không có vụ tai nạn thương tâm như vậy…
Tất nhiên, ý thức của người tham gia giao thông cũng rất quan trọng nhưng không ai có thể chủ quan cho rằng mình ý thức hơn người khác được.
Theo dõi các vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn, tôi thấy cao tốc hai làn xe có nhiều bất cập. Cụ thể ở đây đường quá hẹp, không có dải phân cách cứng - một yêu cầu bắt buộc đối với đường cao tốc.
Thực tế chúng ta thấy phương tiện khi lưu thông trên cao tốc hai làn xe, nếu gặp xe phía trước đang “bò” trên đường thì các phương tiện khác phải nối đuôi nhau. Nếu cao tốc cho chạy 80-90 km/giờ, tài xế cũng chỉ chạy 30-40 km/giờ. Họ phải “bò” như vậy 4-6 km mới có một điểm vượt. Việc di chuyển như vậy gây tâm lý ức chế cho người tham gia giao thông.
Với tâm lý như trên nên khi đến điểm cho vượt thì các xe tranh nhau vượt, nếu không kịp vượt lại phải “bò” tiếp vài kilomet mới có cơ hội tiếp nhưng cũng không biết đến lúc đó có vượt được hết các xe tải lớn hay lại tiếp tục “bò”. Qua đó, chúng ta có thể thấy đi trên một đoạn đường như vậy gây mất an toàn như thế nào.
. Với những bất cập như ông nói thì sắp tới chúng ta cần phải làm gì, thưa ông?
+ Hiện chúng ta có năm tuyến cao tốc khai thác quy mô hai làn xe là Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Yên Bái - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Chợ Mới. Các cao tốc này trước mắt phải rà soát bổ sung hệ thống cọc tiêu, biển báo, sơn vạch kẻ đường và các phương án về tốc độ lưu thông trên tuyến cho phù hợp. Song song đó, cần lắp đèn chiếu sáng ở khu vực xác định điểm đen và tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn giao thông.
Thêm vào đó, Bộ GTVT cần nhanh chóng điều chỉnh mở rộng từ hai làn xe lên bốn làn xe hoàn chỉnh; hoàn thiện dự thảo quy chuẩn quốc gia về đường cao tốc.
Đối với dự án đường bộ cao tốc trong tương lai, chúng ta phải đầu tư đồng bộ, đảm bảo cao tốc có bốn làn xe, có dải phân cách cứng, trạm dừng nghỉ, không nên làm cao tốc hai làn xe.
. Xin cảm ơn ông.•
Rà soát lại tiêu chuẩn yêu cầu về xây dựng cao tốc
PGS-TS Nguyễn Hồng Thái, Trưởng khoa Vận tải kinh tế Trường ĐH GTVT, đánh giá việc nghiên cứu phân kỳ đầu tư phù hợp với nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực trong nước là cần thiết. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000 km đường cao tốc theo chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Tuy nhiên, PGS-TS Thái nhấn mạnh: “Dù phương án phân kỳ là gì thì nguyên tắc thượng tôn nhất vẫn là chất lượng công trình và đảm bảo an toàn giao thông…”.
Thực tế cho thấy việc phân kỳ đầu tư các tuyến cao tốc hai làn xe hai chiều như hiện nay đã bộc lộ nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Cụ thể ở đây là đường không có dải phân cách cứng. “Ở các nước họ cũng có cao tốc hai làn nhưng họ giải phóng mặt bằng đến 26 làn và làm hai làn ngoài cùng. Làm như vậy vừa đảm bảo an toàn vừa đảm bảo lộ trình đầu tư…” - PGS-TS Thái cho hay.
Để hạn chế những bất cập, PGS-TS Thái đề xuất rà soát tiêu chuẩn yêu cầu về xây dựng đường cao tốc, mở rộng các tuyến cao tốc có hai làn xe…