Với một số nhà bình luận, “tinh thần hòa bình” của giải năm nay một lần nữa lại không thể hiện rõ. Thật ra thì lịch sử Nobel Hòa bình là lịch sử của những tranh cãi…
“Hòa bình vĩnh cửu trong nghĩa địa của nhân loại”
Nobel Hòa bình nhân quyền luôn là đề tài gây tranh cãi vì trong nhiều trường hợp nó tạo ra mâu thuẫn hơn là mang lại hòa bình. Bản thân Alfred Nobel không xét đến vấn đề nhân quyền khi viết di chúc (về việc thành lập giải Nobel) hồi năm 1895 và Ủy ban Nobel Hòa bình (Peace Prize Committee - PPC) ban đầu cũng chỉ nhấn mạnh công tác nhân đạo chứ không phải nỗ lực hướng đến nhân quyền. Trong thực tế, khái niệm nhân quyền chỉ nổi cộm từ sau Thế chiến thứ hai, khi các nước phương Tây tôn vinh hệ thống chính trị dân chủ và các yếu tố liên quan quyền tự do con người bắt đầu được xem trọng.
Hơn nữa, vấn đề nhân quyền còn được củng cố trong Bản tuyên ngôn nhân quyền LHQ năm 1948, góp phần đưa đến sự khai sinh các nhóm hoạt động nhân quyền… Ngoài ra, vấn đề không đơn giản khi bản thân chữ “hòa bình” có thể diễn dịch theo nghĩa rộng. “Chiến tranh được tiến hành để hòa bình có thể được thiết lập” - đó là một trong những định nghĩa về “hòa bình” từng gây nhiều phản ứng trái ngược. Cách đây hơn 200 năm, triết gia Đức Immanuel Kant trong tiểu luận lừng danh Zum ewigen Frieden đã nói rằng một cuộc chiến hủy diệt sẽ “mở rộng đường cho nền hòa bình vĩnh cửu trong nghĩa địa của nhân loại”.
Hòa bình là sự vắng mặt của chiến tranh - theo cách hiểu thông thường nhất - nhưng hòa bình có thể nào đến mà không cần chiến tranh? Lịch sử nhân loại là lịch sử của xung đột và hòa bình thường tồn tại như một khái niệm mà người ta mơ ước nhiều hơn là cái mà người ta được thụ hưởng. Nói khác đi, khái niệm hòa bình là khái niệm đạo đức và lý do khiến người ta chống chiến tranh cũng xuất phát từ phạm trù đạo đức này. Có lẽ những người chấm giải Nobel Hòa bình cũng làm việc theo kim chỉ nam đạo đức mang tính lý thuyết hơn là xét đến tính chất thực tế phức tạp của các sự kiện và nhân vật mà họ đang cân nhắc quyết định trao giải Nobel Hòa bình, từ đó dẫn đến lệch lạc và không chuẩn xác mà lịch sử hơn 100 năm của Nobel Hòa bình từng chứng minh.
Một sự thật rõ ràng rằng không ít người tìm cách đem lại hòa bình hay tiến trình hòa bình đều từng chịu trách nhiệm lớn trước đó cho việc tạo ra chiến tranh. Henry Kissinger (1973) là một ví dụ (không chỉ có vai trò quan trọng trong cuộc chiến Việt Nam, Kissinger còn dính dáng chiến dịch dội bom trải thảm từ 1960-1970 làm thiệt mạng khoảng 800.000 người tại Campuchia hoặc chiến dịch Kền kền với việc bắt cóc và sát hại các chiến sĩ cộng sản tại Argentina, Bolivia, Chile…; chưa kể việc ông ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự vào Cyprus).
Một trong những Nobel Hòa bình gây tai tiếng nữa là giải chấm cho Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt năm 1906, cho cố gắng trong vai trò trung gian đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến Nga-Nhật năm 1905. Tuy nhiên, hồi chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ năm 1898, Roosevelt từng chỉ huy một trung đoàn kỵ binh Mỹ đóng tại Cuba và sau này, khi trở thành tổng thống thứ 26 của Mỹ (1901-1909), ông đã bộc lộ tham vọng dùng sức mạnh quân sự để kiểm soát Caribê. Nhiều tờ báo Mỹ từng viết rằng việc trao Nobel Hòa bình cho Theodore Roosevelt là hành động kỳ lạ và khó hiểu.
Đại diện Bộ tứ đối thoại quốc gia Tunisia (AFP).
Tờ New York Times nói: “Một nụ cười rạng rỡ đã hiện lên khuôn mặt (Tổng thống Roosevelt) khi giải thưởng được trao cho một công dân hiếu chiến nhất nước Mỹ”. Trong diễn văn tại lễ trao giải vào ngày 10-12-1906, chủ tịch Hội đồng lập pháp Na Uy Gunnar Knudsen nói rằng: “Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên biết cách biến lý tưởng hòa bình thành chính trị thực tế. Nhưng điều đặc biệt khiến những người bạn của hòa bình và toàn bộ thế giới văn minh hướng trực tiếp đến nước Mỹ là vai trò hạnh phúc của Tổng thống Roosevelt trong việc chấm dứt cuộc chiến đẫm máu gần đây giữa hai cường quốc Nhật và Nga”.
Tại sao PPC chấm cho Roosevelt? Có sáu tổ chức và 23 cá nhân được đề cử Nobel Hòa bình 1906 (mà sáu người trong số đó sau này đã được giải) nhưng chỉ Roosevelt là được vị cố vấn PPC Halvdan Koht (sau đó là thành viên PPC và ngoại trưởng Na Uy) đề cao trong bản tường trình dài nhất mà PPC từng nhận được. Bản tường trình dựa vào các quyển lịch sử Mỹ đương đại và những tác phẩm của chính Roosevelt (Biography, Ideas on peace and war, Imperialism, Peace policy, War policy, Panama, Mediation between Russia and Japan)…
Năm 1945, sự kiện Nobel Hòa bình được trao cho chính khách Mỹ Cordell Hull cũng gây nhiều tranh cãi. Được xem là ngoại trưởng tại vị lâu nhất lịch sử Mỹ (11 năm, 1933-1944; thời nội các Franklin D. Roosevelt), Hull được nhìn nhận với đóng góp thành lập LHQ và có công trong việc mang lại hòa bình cho Tây bán cầu. Tuy nhiên, Hull lại là nhân vật chính trong sự kiện tàu SS St. Louis. Hè năm 1939, tàu SS St. Louis khởi hành từ Hamburg (Đức) vào Đại Tây Dương, mang theo khoảng 950 người tị nạn Do Thái đang trốn chạy phát xít Đức trước Thế chiến thứ hai. Thoạt đầu, Tổng thống Franklin D. Roosevelt tỏ ý sẵn lòng tiếp nhận số người tị nạn chính trị nhưng Ngoại trưởng Hull cùng một số thành viên đảng Dân chủ miền Nam phản đối với đe dọa rút lui sự ủng hộ Roosevelt trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1940.
Thế là ngày 4-6-1939, Roosevelt ra lệnh cấm SS St. Louis vào Mỹ (lúc đó đang neo chờ tại Caribê giữa Florida và Cuba). Bị Cuba từ chối tiếp theo, con tàu chẳng còn cách nào khác là quay lại châu Âu và kết quả là hơn 1/4 số hành khách bị giết chết trong các trại tù kinh hoàng Nazi… Cách đây hơn 10 năm, khi Nobel Hòa bình 2004 được trao cho Wangari Maathai, dư luận lại một phen xì xầm. Tờ Standard (Kenya) và Radio Free Europe nhắc lại việc bà Maathai từng nói rằng bệnh AIDS bị gieo rắc bởi chính giới khoa học phương Tây nhằm làm giảm dân số châu Phi. Tất nhiên Maathai bác bỏ nhưng sau đó cũng úp mở trong cuộc phỏng vấn tuần báo Mỹ Time về nguyên cớ “phi tự nhiên” (ám chỉ do con người gây ra) của AIDS, rằng “ai đó” phải biết căn bệnh đến từ đâu và “hẳn nhiên không phải từ khỉ” (như quan niệm phổ biến và thống nhất của giới nghiên cứu)…
Câu hỏi bỏ ngỏ
Nhiều câu hỏi đặt ra cho PPC trong suốt hơn 100 năm qua nhưng dường như không bao giờ có lời giải. Thứ nhất, một ủy ban được chỉ định bởi Hội đồng lập pháp Na Uy mà thành viên thông thường là các cựu chính trị gia Na Uy liệu có hoàn toàn độc lập trong hành xử? Người ta dễ có khuynh hướng cho rằng quan hệ ngoại giao cùng các lợi ích quốc gia sẽ ảnh hưởng và chi phối quyết định chọn lựa của PPC. Thứ hai, việc “chấm điểm” của PPC dựa trên cơ sở nào, trong khi bối cảnh chính trị thế giới mỗi năm mỗi thay đổi và cán cân quyền lực trên bàn cờ chính trường thế giới cũng không ổn định? Còn nữa, liệu một ủy ban gồm vài thành viên ở một nước Tây Âu nhỏ bé như Na Uy có đủ khả năng thật sự và quyền hạn để đánh giá một người nào đó - trên phạm vi toàn thế giới - có nỗ lực đáng kể nhất cho hòa bình nhân loại? Chưa hết, liệu quyết định của họ có bị sức ép nào từ bên ngoài hay đơn giản hơn không bị ảnh hưởng bởi vấn đề sắc tộc hay thành kiến tư tưởng? Việc một vĩ nhân như Mahatma Gandhi - từng được đề cử năm lần (1937, 1938, 1939, 1947 và 1948 - vài ngày trước khi ông bị ám sát vào tháng 1-1948) mà không bao giờ được PCC để ý - có minh chứng điều gì cho câu hỏi này?
Năm 1973, những câu hỏi trên một lần nữa đã tụ lại và dồn lên PPC khi họ chấm giải Nobel Hòa bình cho Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger. Hai thành viên PPC đã từ chức sau khi bỏ phiếu phản đối việc chấm giải và đại diện Sosialistisk Valgforbund - liên minh cộng sản và các nhà hoạt động xã hội chủ nghĩa - đã lên tiếng yêu cầu xem xét lại vai trò của PPC. Người ta đưa ra ba đề nghị: Ba thành viên còn lại của PPC phải được thay; PPC phải được quốc tế hóa (với mỗi thành viên thuộc một quốc gia Nordic - Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy và Thụy Điển); và các nghị sĩ Na Uy không được phép có mặt trong PPC.
Cả ba yêu cầu đều bị đa số Hội đồng lập pháp Na Uy khước từ nhưng sau đó người ta ngầm thỏa thuận rằng thành viên PPC từ đó về sau phải là người không là nghị sĩ. Năm 1977, thái độ tự nhìn lại trên đã thể hiện ở việc đổi tên thành “Ủy ban Nobel Na Uy” (tên chính thức của PCC) thay vì “Ủy ban Nobel của Hội đồng lập pháp Na Uy”. Tuy nhiên, việc quốc tế hóa PPC không phải đơn giản: Dựa vào yếu tố cơ bản nào để có thể chọn thành viên PPC và rồi một ủy ban thành viên đa quốc gia liệu có đơn giản hóa hay lại làm phức tạp thêm, vì lúc đó từng thành viên đều đứng trước ảnh hưởng của lợi ích riêng dân tộc? Vấn đề trên đến nay tiếp tục bỏ lửng…