TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa quyết định tái thẩm hủy hai bản án sơ và phúc thẩm vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa ông LQD với vợ chồng ông VC (cùng ngụ tỉnh Bình Phước).
Thanh tra nguồn gốc đất sau khi bị đơn tự sát
Theo hồ sơ, năm 2010, ông D. mua 254,4 m2 đất ở thị xã Đồng Xoài (Bình Phước) với giá 400 triệu đồng. Việc mua bán đã làm thủ tục chuyển tên chủ sở hữu đầy đủ. Lúc đó gia đình ông C. xây nhà sát bên.
Cho rằng hàng xóm xây dựng lấn sang mảnh đất gia đình mình khoảng 39,5 m2, ông D. khởi kiện đòi đất. Tuy nhiên, vợ chồng ông C. nhất quyết không trả đất.
Ông C. nói đây là tài sản vợ chồng mua từ người chủ cũ chưa làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do chưa có điều kiện. Việc chuyển nhượng có chứng cứ là giấy tay và cả người làm chứng.
Xử sơ và phúc thẩm, hai cấp tòa đều chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông D., buộc bị đơn trả cho nguyên đơn 39,5 m2 đất.
Bẵng đi đến năm 2018, chính quyền địa phương bất ngờ thông báo phát hiện tình tiết mới của vụ án dân sự và đề nghị tòa án xem xét lại vụ việc.
Đồng thời, VKSND Cấp cao tại TP.HCM cũng kháng nghị bản án phúc thẩm, đề nghị tòa cùng cấp xét xử tái thẩm theo hướng hủy án, giao tòa sơ thẩm giải quyết lại. Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM chấp nhận đề nghị của chính quyền địa phương và VKS.
Theo quyết định tái thẩm, trong quá trình giải quyết vụ án cấp sơ và phúc thẩm, người bán đất không thừa nhận việc bán đất cho gia đình bị đơn. Với căn cứ này, các cấp tòa đã xử cho nguyên đơn thắng kiện.
Tuy nhiên, sau đó gia đình bị đơn chống đối quyết liệt việc thi hành án. Đỉnh điểm là bức xúc kết quả xét xử nên ông C. gây thương tích cho nhiều người trong gia đình nguyên đơn rồi tự sát và qua đời.
Như vậy, từ vụ tranh chấp đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Hai bản án khiến người dân bức xúc nên cơ quan chức năng địa phương lập đoàn thanh tra xác minh lại nguồn gốc phần đất.
Chữ ký của hộ giáp ranh phía đông là giả
Đoàn thanh tra trưng cầu giám định chữ ký trong giấy tay mua bán đất bị đơn nộp tòa án trước đó. Kết quả, lời khai của ông C. về việc ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tháng 12-2004 với ông BL là có cơ sở.
Theo đó, tháng 1-2010, ông L. ký hợp đồng chuyển nhượng hết sổ quyền sử dụng đất cho người khác với diện tích 232,5 m2, trong đó bao gồm cả phần diện tích đất mà ông đã ký hợp đồng bán cho ông C. Điều này vi phạm nguyên tắc trung thực trong giao kết hợp đồng được quy định tại Điều 395 Bộ luật Dân sự 1995. Đây cũng là nguyên nhân phát sinh tranh chấp khiếu kiện đất đai.
Quá trình làm thủ tục chuyển nhượng đất này, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai thị xã Đồng Xoài lập biên bản để đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do tăng diện tích từ 232,5 m2 lên 254,4 m2. Biên bản đo đạc có in sơ đồ thửa đất và chữ ký ông C. hộ giáp ranh phía đông. Tuy nhiên, kết luận giám định cho thấy chữ ký và chữ viết tại biên bản đo đạc này không phải của ông C. Chữ ký, chữ viết của ông C. tại biên bản nêu trên là giả mạo...
Như vậy, trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới của UBND thị xã Đồng Xoài là không đảm bảo dẫn đến cấp sai diện tích. Sau đó, chủ mới đã chuyển nhượng toàn bộ thửa đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mới cho nguyên đơn là ông D.
Làm việc với đoàn thanh tra, ông L. thừa nhận diện tích thửa đất mà vợ chồng ông C. đang sử dụng hiện nay thuộc phần diện tích mà ông đã chuyển nhượng cho ông C. năm 1999 (diện tích đất tranh chấp trong vụ án).
Cạnh đó, lời khai của các nhân chứng là người sinh sống lâu năm và gần đất tranh chấp đều khẳng định ranh giới thửa đất gia đình ông C. quản lý, sử dụng ổn định từ khi xây dựng nhà năm 2001 đến nay.
HOÀNG YẾN
Tình tiết mới thay đổi nội dung vụ án
HĐXX tái thẩm nhận thấy đây là những tình tiết mới mà các đương sự đã không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án và làm thay đổi toàn bộ nội dung vụ án, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình bị đơn.
Do đó, HĐXX tái thẩm đã chấp nhận kháng nghị của viện trưởng VKSND Cấp cao, hủy hai bản án sơ và phúc thẩm, giao tòa sơ thẩm giải quyết lại.