Tạm khép vụ ly hôn vợ chồng Cà phê Trung Nguyên

Chiều 5-12, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên án vụ ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên).

Sau khi HĐXX tuyên án, ông Vũ ngồi im lặng hết gần cả phút mới trao đổi với báo chí. Trước đó, khi đến tòa, ông Vũ chia sẻ với cá nhân và gia đình đây là chuyện đau đớn dù kết quả có thế nào đi nữa và cái sợ lớn nhất của ông là gặp mấy đứa nhỏ…

Mong muốn của người trong cuộc và quan điểm của VKS

Theo thông báo là 14 giờ, ông Vũ cùng người nhà và các luật sư có mặt trước 40 phút. Đúng 14 giờ, theo điểm danh của thư ký, bà Thảo vẫn chưa xuất hiện tại phiên tòa. Sau khi điểm danh, thư ký phổ biến nội quy phiên tòa. Đáng chú ý, thư ký thông báo đây là vụ án được xử kín, tuyên án công khai. HĐXX phúc thẩm chỉ tiến hành tuyên án công khai phần quyết định bản án. Nội dung và nhận định của tòa là kín (không đọc công khai) do trước đó vụ án được xử kín theo yêu cầu của đương sự.

Sau khi nghe thư ký báo cáo, chủ tọa thông báo bên nguyên đơn - bà Thảo vắng mặt cùng một số người liên quan. Tuy nhiên, việc này không ảnh hưởng đến việc tuyên án.

Bản án sơ thẩm tuyên vào tháng 3 năm nay bị kháng cáo của cả hai bên lẫn kháng nghị của VKS cùng cấp. Cụ thể, bà Thảo mong muốn hủy án sơ thẩm. Bà Thảo cho rằng là một người vợ, người mẹ, bà chỉ muốn nỗ lực cứu ông Vũ, cứu Trung Nguyên và cứu một gia đình. 

Trong khi ông Vũ chỉ có kháng cáo án sơ thẩm về tỉ lệ chia tài sản là 7/3, không phải 6/4 như án sơ thẩm đã tuyên. Đối với việc ly hôn và con cái, ông Vũ không có kháng cáo. Hiện nay ông Vũ chia sẻ mong muốn vụ án sớm kết thúc. Phía bị đơn cũng đưa ra quan điểm không đồng tình với việc nguyên đơn đưa lý do trên để yêu cầu hủy án sơ thẩm…

Trước đó, cuối phần tranh luận, ông Vũ đề nghị HĐXX ghi nhận sự tự nguyện của ông để lại tài sản của mình tại Công ty TNHH Trung Nguyên International - TNI tại Singapore cho bà Thảo. Còn bà Thảo cho rằng giá trị của TNI “chỉ bằng cái móng tay” so với tài sản của tập đoàn…

Đại diện VKS tại phiên xử phúc thẩm đề nghị HĐXX hủy một phần bản án về tài sản, giao về cho cấp sơ thẩm xét xử lại. Tài sản chung vợ chồng này trước đó TAND TP.HCM đã tiến hành chia, cụ thể là tài sản trong Tập đoàn Trung Nguyên và các bất động sản

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Ảnh: HOÀNG GIANG

tòa bác kháng cáo của bà Thảo lẫn ông Vũ

HĐXX phúc thẩm đã bác kháng cáo của nguyên đơn - bà Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn - ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Đồng thời tòa chấp nhận một phần kháng nghị của VKS trước đó.

Cụ thể, tòa tuyên xử công nhận thuận tình ly hôn giữa bà Thảo và ông Vũ. Về cấp dưỡng, tòa công nhận sự thuận tình của bà Thảo là nuôi bốn đứa con, ông Vũ cấp dưỡng 2,5 tỉ đồng mỗi cháu/năm, từ năm 2013 đến khi mỗi cháu học xong đại học. 

Về tài sản, tòa tuyên y án sơ thẩm. Bản án sơ thẩm ghi giao cho ông Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần tại các công ty trong Tập đoàn Trung Nguyên và các bất động sản. Cụ thể, ông Vũ được sở hữu toàn bộ số cổ phần của ông và bà Thảo trong công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, tương đương với số tiền trị giá là hơn 5.700 tỉ đồng. 

Ông Vũ có trách nhiệm liên hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Đắk Lắk và TP.HCM để làm thủ tục thay đổi giấy phép kinh doanh theo quy định. 

Về bất động sản, tòa sơ thẩm tuyên giao cho ông Vũ sở hữu tất cả sáu tài sản nhà và đất mà ông Vũ đang quản lý và sử dụng có giá trị 350 tỉ đồng tại quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình (TP.HCM), Nha Trang và Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Ông Vũ liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương nơi có tài sản làm thủ tục chuyển đổi quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.

Còn với bà Thảo, cấp sơ thẩm giao cho sở hữu khối tài sản gồm tám bất động sản với tổng trị giá gần 376 tỉ đồng tại các quận 2, 3, 9 (TP.HCM) và Đà Nẵng. Bà Thảo liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương nơi có tài sản để làm thủ tục chuyển đổi quyền sở hữu. Đồng thời giao cho bà Thảo sở hữu số tài sản và tiền, vàng cùng các loại ngoại tệ đang nằm trong các ngân hàng, tổng cộng là 1.764 tỉ đồng.

Ông Vũ có trách nhiệm thanh toán chênh lệch tài sản cho bà Thảo gần 1.224 tỉ đồng kể từ ngày bà Thảo có đơn thi hành án…

Ngoài ra, tòa phúc thẩm ghi nhận sự tự nguyện của ông để lại tài sản của mình tại Công ty TNHH Trung Nguyên International - TNI tại Singapore cho bà Thảo.

Nhận định của tòa về “khởi nguồn” của Trung Nguyên

Theo tòa, khối tài sản chung của hai đương sự sở hữu (trừ bất động sản) là 7.502 tỉ đồng. HĐXX phân xử ông Vũ có quyền sở hữu 60% khối tài sản này, tương đương 4.501 tỉ đồng; bà Thảo sở hữu 40%, tương đương 3.001 tỉ đồng.

Theo HĐXX, ngoài cổ phần tại Tập đoàn Trung Nguyên, các công ty thuộc tập đoàn, vợ chồng ông Vũ - bà Thảo còn sở hữu nhiều bất động sản, tài sản tại một số ngân hàng lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Tòa án xác định tổng khối tài sản mà hai người sở hữu tại các công ty là 5.737 tỉ đồng.

Tạm khép vụ ly hôn vợ chồng Cà phê Trung Nguyên ảnh 2
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ ngồi trầm ngâm sau khi tòa tuyên án. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đối với khối tài sản đứng tên bà Thảo ở ba ngân hàng là tiền, vàng, ngoại tệ có giá trị hơn 1.764 tỉ đồng, tòa án cho rằng đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ. Nếu không đưa ra được chứng cứ thì tòa sẽ sử dụng chứng cứ có trong hồ sơ hoặc chứng cứ thu thập được. Nếu không bên nào chứng minh được tài sản riêng thì tòa sẽ xử chia đôi. Do đó, bà Thảo phải chịu trách nhiệm đối với 1.764 tỉ đồng.

Tòa nhận định Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên có được thành công như ngày nay nhờ khởi điểm từ phần vốn của cha mẹ ông Vũ bán hai căn nhà. Sau đó ông Vũ lấy tiền này để xây dựng công ty chế biến cà phê rồi nhân rộng mô hình. Vì vậy, cấp sơ thẩm giao ông Vũ quản lý tất cả cổ phần tại các công ty thuộc Trung Nguyên. Ông Vũ trả lại bằng tiền mặt cho bà Thảo tương đương số cổ phần bà nắm giữ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm