'Tăng lương để cán bộ sống được bằng chính đồng lương của mình'

(PLO)- ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng lương trả cho cán bộ công chức hiện nay thấp hơn mức người ta cần có để sống ở đô thị như TP.HCM.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 13-10, tại buổi làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn ĐBQH TP.HCM với UBND TP.HCM, các ĐBQH TP đã nêu nhiều kiến nghị về cơ chế đột phá cho TP phát triển.

Lương trả cho cán bộ thấp hơn mức sống

ĐB Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, khẳng định TP.HCM sở hữu tiềm năng, tiềm lực sâu xa nên trở thành đầu tàu, động lực của cả nước.

ĐBQH TP.HCM Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTBC

ĐBQH TP.HCM Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTBC

Tuy nhiên, nếu nhìn vào vấn đề hạ tầng đô thị, chúng ta thấy thu nhập bình quân đầu người ở TP cao, “xài sang” nhưng lại không sạch, không đẹp và chưa đủ an toàn. Ông cho rằng hạ tầng của TP phát triển không đồng bộ, trong đó có sự chậm trễ của tuyến đường sắt đô thị.

TP còn nhiều người nghèo, lao động có thu nhập thấp, an sinh xã hội chưa đảm bảo, lạm phát cao.

Đáng chú ý, ông cho rằng cần phải có đột phá về thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC). “Có người nói không phải cứ tăng thu nhập là chống được tham nhũng, điều đó không đúng. Trong một triệu công nhân viên chức, có thể không đúng với 10% người, nhưng với 80-90% còn lại, phải tăng lương để người ta sống được bằng chính đồng lương của mình” – ông Nghĩa nói.

Ông tiếp: “Với thu nhập, đồng lương mà chúng ta trả cho CBCC hiện nay thấp hơn mức người ta cần có để sống ở đô thị như TP.HCM. Đó là bất cập của TP”.

Theo ĐB Nghĩa, có sự mất công bằng trong phát triển ở TP. Ông dẫn chứng vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp được đặt ra từ 20-30 năm trước nhưng đến nay vẫn không giải quyết được; bất động sản chủ yếu phục vụ cho người có thu nhập trung bình và thu nhập cao.

ĐB Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh phải có sự đột phá ở sáu yếu tố để TP.HCM trở thành đầu tàu, động lực tăng trưởng, lôi kéo phát triển cùng cả nước đến năm 2030 và xa hơn.

Gồm tài chính ngân sách; nguồn lực đất đai, nhà cửa; mở cửa hội nhập, thu hút đầu tư nước ngoài; ứng dụng khoa học công nghệ; tổ chức bộ máy; nhân lực.

Trong đó, về tài chính ngân sách, ông đề nghị phải có mức độ tự chủ cao hơn mặt bằng pháp lý và cơ chế hiện hữu. Ông dẫn chứng thời điểm khi bàn chi tiết về Nghị quyết 54, TP.HCM muốn thế này nhưng các bộ, ngành trung ương lại muốn thế kia, cuối cùng phải chọn “giải pháp trung du”, dẫn đến “không làm được gì cả”.

Hay cơ chế bán tài sản công là nhà đất của cơ quan trung ương để TP lấy nguồn thu cũng không được thực hiện. “Các cơ quan trung ương không chịu dời đi, TP đành đứng đó bất lực, không làm được gì” – ĐB Nghĩa nói.

Theo ĐB Nghĩa, nhân lực tại TP đang cực kì khó khăn. Với yêu cầu của trung ương giao, yêu cầu phát triển của thời đại và yêu cầu của 10 triệu người dân TP thì nhân lực hiện nay không thể đáp ứng được, thiếu những người ngang tầm nhiệm vụ từ cấp sở trở xuống. Do đó, TP cần tự chủ về vấn đề này.

Ông phân tích, vừa qua TP thu hút nhân tài “chỉ được mấy người”. Nhiều con em được đưa đi nước ngoài đào tạo, kể cả con em của cán bộ, nhưng số này hoặc ở lại nước ngoài, hoặc về làm cho khu vực tư, trong khi đó bộ máy nhà nước lại rất cần đội ngũ này.

TP.HCM phải xếp hàng để đầu tư là bất cập

ĐB Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao, cho rằng TP.HCM không xin tiền, không xin nguồn lực mà chỉ xin cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển tốt nhất, phát huy được tiềm năng, nguồn lực sẵn có.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với UBND TP.HCM. Ảnh: TTBC

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với UBND TP.HCM. Ảnh: TTBC

Ông cho rằng, TP có nguồn lực, có điều kiện nhưng phải “xếp hàng” để đầu tư ngân sách là rất bất cập. Theo ông, biện pháp phù hợp nhất cho vấn đề này là xã hội hóa.

Nhắc đến chính sách kích cầu đầu tư bằng cách hỗ trợ lãi vay cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp mà TP đã từng làm, ông Trí nhìn nhận: “Chỉ có cách đó mới huy động được nguồn lực lớn cho sự phát triển chứ xin ngân sách thì khó”.

Ông Trí cũng cho rằng TP là địa phương có nhiều thế mạnh, nhưng mặt trái của thế mạnh đó bao giờ cũng tiềm ẩn rủi ro. Bởi đây là địa phương có dân số lớn nhất nước, tăng cơ học rất nhanh. Dù có thể coi đây là nguồn lực cho sự phát triển nhưng mặt trái là quá tải giao thông, y tế, giáo dục, kể cả tội phạm, tệ nạn xã hội, nhà ở.

Theo Viện trưởng VKSND tối cao, TP.HCM cần chọn những mục tiêu, sản phẩm phát triển và xin trung ương cơ chế để phát triển chúng. "Không cần xin nhiều, vì mình xin, chỗ khác cũng xin" - ông Lê Minh Trí nói và nhìn nhận TP.HCM đi đầu là tốt nhưng cũng để lại nhiều hệ lụy nên một số khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp tại TP hiện chưa hiệu quả cao.

Ông ví dụ như KCN Tân Bình, thời điểm 15 năm trước được xem là lý tưởng nhưng bây giờ thì không. Hiện công nhân làm việc tại các khu công nghiệp đa phần là người dân từ các tỉnh khác đến, điều này dẫn đến việc gia tăng dân số cơ học. Trong khi đó, các địa phương lân cận cũng dần hình thành các KCN.

Ông Trí gợi mở việc cần di dời các KCN cho địa phương có nhu cầu để giảm tình trạng dân số đông cơ học, giảm tải về giao thông...

Cụ thể, TP cần dám chọn, rà soát lại những KCN không hợp lý cho sự phát triển của TP, dám mạnh dạn đền bù, hỗ trợ, chính sách cho doanh nghiệp khi dời đến chỗ khác. “Nhưng về mặt chính sách, nên cho TP.HCM quyền”- ông nói.

Ông nhấn mạnh thêm: “Còn nếu với cơ cấu hiện tại thì mở đường kiểu gì cũng kẹt, nhà ở kiểu gì cũng thiếu, y tế kiểu gì cũng quá tải, giáo dục kiểu gì cũng khó… Chỉ có thay đổi chiến dịch cơ cấu kinh tế của TP với mục tiêu sản phẩm chất lượng cao, giá trị cao, tiếp nhận người lao động có chất lượng cao, có kĩ năng thì lúc đó mới thay đổi”.

ĐBQH Lê Minh Trí nhìn nhận, TP có mục tiêu phấn đấu trở thành Trung tâm tài chính quốc tế là đúng. Ông rất mong Bộ chính trị trình Chính phủ làm sao có được cơ chế này.

Ông cũng đề xuất nên xin mở rộng dư nợ vay cho TP để huy động nguồn lực xã hội.

Liên quan đến tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM trong thời gian tới, ĐB Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học quốc gia TP.HCM, đề nghị nên để lại tỉ lệ 23% cho TP.HCM trong giai đoạn 2023-2025; giai đoạn sau tăng lên 26%.

Ông Quân cho rằng tỉ lệ 2% gia tăng thêm, nên dùng để đầu tư cho khoa học công nghệ, nhân lực… cho TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm