Chính phủ vừa ban hành Nghị định điều chỉnh tăng lương cơ sở; lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng. Theo đó, từ ngày 1-7, lương cơ sở tăng 30%; lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng được điều chỉnh tăng 15%.
Vì sao lương cơ sở chỉ tăng 15%?
Luật BHXH hiện hành giao Chính phủ quy định việc điều chỉnh lương hưu, dựa trên cơ sở mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và Quỹ BHXH.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, tăng trưởng kinh tế đạt 5,05% và CPI tăng 3,25%. Năm 2024, thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ quyết tâm tăng trưởng kinh tế đạt mức trên 6% và CPI dưới 4%.
Như vậy, việc đề xuất điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH 15% là mức tăng cao so với CPI và tăng trưởng kinh tế. Nếu tính từ năm 1995 đến nay, đây là lần tăng lương hưu cao nhất.
Sở dĩ mức tăng lương hưu và trợ cấp cao hơn trước đây là do Nghị quyết 104/2023 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 quy định từ ngày 1-7 điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở.
Trong khi đó, lương cơ sở đang được dự kiến sẽ tăng từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, tương ứng 30%.
“Như vậy, việc tăng lương hưu lên 15% nhằm giảm tác động của việc điều chỉnh tiền lương cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đối với việc thực hiện chính sách BHXH…” - Bộ LĐ-TB&XH lý giải.
Thêm vào đó, BHXH Việt Nam khẳng định mức điều chỉnh tăng 15% còn dựa vào khả năng cân đối ngân sách nhà nước và nguồn Quỹ BHXH.
“Tỉ lệ tăng này đảm bảo công bằng, hợp lý, hài hòa, có sự chia sẻ giữa những người đang hưởng lương hưu và người đang đóng BHXH, giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, giữa các thế hệ tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH…” - BHXH Việt Nam cho hay.
Việc đề xuất điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH 15% là mức tăng cao so với CPI và tăng trưởng kinh tế. Nếu tính từ năm 1995 đến nay, đây là lần tăng lương hưu cao nhất.
Sẽ điều chỉnh tiếp
Theo Bộ LĐ-TB&XH, do mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng 30%, trong khi mức lương, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng chỉ được điều chỉnh tăng 15% nên phát sinh chênh lệch giữa người hưởng trước và sau khi thực hiện điều chỉnh lương hưu, mức lương cơ sở đối với một số trường hợp.
Cụ thể là tác động đến người lao động (NLĐ) có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, do tiền lương làm căn cứ đóng BHXH được điều chỉnh theo mức lương cơ sở tại thời điểm nghỉ hưu. Vì thế, những người nghỉ hưu từ tháng 7-2024 trở đi sẽ có mức lương hưu cao hơn 13,04% so với những người nghỉ hưu trước tháng 7-2024 dù các đối tượng này có cùng quá trình tham gia, mức lương, chức vụ, chức danh...
Thêm vào đó, NLĐ khi nghỉ hưu có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc nhưng có mức hưởng thấp hơn mức lương cơ sở được điều chỉnh lên bằng mức lương cơ sở tại thời điểm bắt đầu hưởng. Do đó, người nghỉ hưu từ tháng 7-2024 trở đi sẽ được điều chỉnh lên bằng 2,34 triệu đồng/tháng, người nghỉ hưu trước tháng 7-2024 được điều chỉnh lên bằng 2.070.000 đồng/tháng, chênh lệch 13,04%.
Như vậy, việc điều chỉnh tăng lương hưu 15% hạn chế được một phần tác động của việc điều chỉnh mức lương cơ sở đến việc thực hiện chính sách BHXH.
Những tác động trên cũng được Chính phủ lường trước. Chính vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng sắp tới cần tiếp tục nghiên cứu để có cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền trong những lần điều chỉnh lương hưu kế tiếp. Mục đích để xử lý những hạn chế, vướng mắc sau khi thực hiện nghị định trên của Chính phủ…•
Không được cắt giảm các chế độ tiền lương khi làm thêm giờ
Chính phủ ban hành Nghị định 73/2024 điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng. Theo đó, từ ngày 1-7, lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6% so với mức hiện hành.
Cụ thể, vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng thêm 280.000 đồng).
Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng).
Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220.000 đồng).
Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200.000 đồng).
Về lương tối thiểu theo giờ, Chính phủ cũng điều chỉnh tăng cụ thể như sau: Vùng I tăng từ 22.500 đồng/giờ lên 23.800 đồng/giờ; vùng II tăng từ 20.000 đồng/giờ lên 21.200 đồng/giờ; vùng III tăng từ 17.500 đồng/giờ lên 18.600 đồng/giờ; vùng IV tăng từ 15.600 đồng/giờ lên 16.600 đồng/giờ.
Cạnh đó, Chính phủ quy định khi thực hiện mức lương tối thiểu, người sử dụng lao động có trách nhiệm rà soát các chế độ trả lương trong hợp đồng lao động đã thỏa thuận với NLĐ, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của người sử dụng lao động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Đối với các nội dung trả lương đã thỏa thuận, cam kết mà có lợi hơn cho NLĐ thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Người sử dụng lao động không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.