Tăng quyền cho VKS trong giai đoạn điều tra

Tại một hội nghị vừa được tổ chức tại TP Đà Nẵng, góp ý về định hướng sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát VKSND Tối cao Nguyễn Thị Thủy cho rằng không nên hạn chế thẩm quyền của VKS trong việc khởi tố bị can.

Chủ động khởi tố trong giai đoạn điều tra

Theo bà Thủy, trong giai đoạn điều tra, khi phát hiện có người thực hiện hành vi phạm tội chưa bị khởi tố, BLTTHS hiện hành không cho phép VKS quyết định khởi tố bị can. VKS chỉ có quyền này sau khi cơ quan điều tra (CQĐT) kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang cho VKS.

Quy định này đang hạn chế quyền khởi tố bị can của VKS, chưa tạo điều kiện để VKS thực hành quyền công tố ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng. Từ đó, bà Thủy đề xuất luật nên quy định bất cứ thời điểm nào trong giai đoạn điều tra, nếu phát hiện còn người phạm tội chưa được khởi tố hoặc hành vi phạm tội của bị can không phạm vào tội đã khởi tố thì VKS yêu cầu CQĐT ra quyết định khởi tố hoặc thay đổi quyết định khởi tố. Nếu đã yêu cầu mà CQĐT không thực hiện thì VKS trực tiếp ra quyết định khởi tố thay đổi quyết định khởi tố bị can.

Cạnh đó, bà Thủy cũng cho rằng cần bổ sung quyền của VKS trong việc chủ động ra quyết định chuyển vụ án để điều tra đúng thẩm quyền thay vì phải chờ đề nghị của CQĐT. Đối với những trường hợp xét thấy không cần thiết truy tố ra tòa thì VKS có quyền miễn truy tố. “Để thực hiện được quyền này thì luật cần quy định cụ thể những trường hợp quyết định miễn truy tố, đồng thời bổ sung các cơ chế để kiểm soát chặt chẽ việc áp dụng chế định miễn truy tố, tránh việc lạm dụng” - bà Thủy nhấn mạnh.

Cần tạo điều kiện để VKS thực hành quyền công tố ngay từ giai đoạn điều tra. Ảnh: HTD

Kiểm sát chặt hơn việc giải quyết tố giác

BLTTHS hiện hành quy định CQĐT phải gửi kết quả giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố đến VKS cùng cấp. VKS có trách nhiệm kiểm sát lại việc giải quyết của CQĐT.

Thực tế, theo đánh giá của bà Thủy thì luật còn thiếu các cơ chế để VKS kiểm sát đầy đủ, kịp thời “đầu vào” của tình hình tội phạm. Có những địa phương CQĐT chỉ gửi kết quả giải quyết mà không gửi hoặc không thông báo cho VKS việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Năm 2013, liên ngành tư pháp có ban hành thông tư liên tịch quy định về trách nhiệm của CQĐT phải thông báo việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Thông tư quy định sau khi tiếp nhận thông tin liên quan đến tội phạm, CQĐT sẽ tiến hành xác minh ban đầu và nếu xác định thông tin đó là tố giác, tin báo về tội phạm thì trong thời hạn ba ngày sẽ gửi cho VKS để kiểm sát.

Bà Thủy nhận xét thông tư này vẫn chưa bảo đảm để VKS nắm được đầy đủ thông tin về tội phạm mà chỉ nắm sơ bộ qua xác minh ban đầu của CQĐT rằng đó là tố giác, tin báo. Thông tư này cũng không quy định thời hạn từ khi tiếp nhận về tội phạm đến khi xác minh sơ bộ ban đầu (tố giác, tin báo về tội phạm) là bao lâu. Vì vậy, cần phải quy định trách nhiệm và thời hạn CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải thông báo tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đã tiếp nhận cho VKS.

Về vấn đề này, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng đề xuất dự thảo BLTTHS sửa đổi phải quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Thay đổi trình tự xét hỏi

Theo luật sư Phan Trung Hoài (Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam), quá trình tranh luận đối đáp tại phiên tòa giữa bên buộc tội và bên gỡ tội thường không được diễn ra đến tận cùng để xác định sự thật khách quan. Thực tế nhiều trường hợp kiểm sát viên không đối đáp lại ý kiến bào chữa của luật sư nhưng tòa vẫn chấp nhận hoặc không có chế tài để bắt buộc kiểm sát viên tiếp tục tranh luận.

Để nâng chất tranh luận tại phiên tòa, nhiều ý kiến cho rằng cần phải thay đổi cách xét hỏi tại phiên tòa như hiện nay. Theo một thẩm phán TAND TP Đà Nẵng, BLTTHS cần sửa đổi theo hướng nếu tại phiên tòa, bị cáo nhận tội thì đại diện VKS không cần xét hỏi trước HĐXX, luật sư. Tuy nhiên, nếu bị cáo không nhận tội thì đại diện VKS phải hỏi trước để làm sáng tỏ hành vi phạm tội như VKS truy tố, sau đó mới đến lượt HĐXX, luật sư hỏi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm