Nhưng cho đến thời điểm này ngân sách vẫn trụ vững, phát hành trái phiếu chính phủ vẫn được thị trường đón nhận tốt.
Khó khăn về ngân sách lần này mang lại chuyển biến tích cực hơn là tiêu cực. Khó khăn khiến chi tiêu co lại, tạo áp lực để thông qua được Luật Đầu tư công, khiến Bộ Tài chính quyết tâm khoán xe công và phải lập kế hoạch tài khóa năm năm thay vì “ăn đong” từng năm như trước đây.
Khó khăn ngân sách còn khiến Thủ tướng Chính phủ cắt giảm bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhà nước. Khó khăn ngân sách cũng khiến Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh cổ phần hóa. Khó khăn ngân sách còn khiến các cán bộ thuế phải mời những người có thu nhập cao như giới showbiz đến để yêu cầu nộp thuế thu nhập cá nhân. Khó khăn ngân sách khiến Bộ Tài chính phải gấp rút nâng cấp quy định chống chuyển giá tương ứng với tiêu chuẩn của OECD.
Vậy nhưng, quyết định trình phương án tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu lên kịch khung là 8.000 đồng/lít có thể sẽ là bước đi kém tiến bộ nhất của Bộ Tài chính. Có thể có người nói đây mới chỉ là khung thuế chứ chưa phải là quyết định tăng thuế. Đây chỉ là một lối thoát hiểm để khi nào quá khó khăn thì có thể sử dụng để đỡ bị động. Nhưng quyết định này sẽ đánh mất “cơ hội vàng” để cải cách hệ thống tài chính quốc gia.
Các nguồn thu từ tài nguyên, thu từ thuế nhập khẩu hay thuế hạn chế tiêu dùng luôn được xem là những nguồn thu kém bền vững hơn so với thu thuế từ thu nhập hay thuế tài sản. Đương nhiên, với thuế thu nhập và thuế tài sản thì thu khó hơn do phải có thông tin minh bạch về thu nhập và tài sản của mỗi cá nhân, chủ đề luôn là điều khó nói ở Việt Nam.
Trong chúng ta, ai ai cũng hiểu rằng để đi đến một xã hội văn minh hơn thì thu nhập và tài sản của mỗi người nên được công khai. Nhưng cũng chẳng ai muốn công khai thu nhập và tài sản của chính mình. Chúng ta chỉ dám làm điều này khi rơi vào đường cùng và buộc phải đương đầu.
Việc mở ra một lối thoát hiểm bằng cách nâng khung thuế đối với xăng, dầu chỉ làm chúng ta tiếp tục thói quen chạy trốn thay vì đương đầu với thử thách.