Từ ngày 1-3, Thông tư liên tịch của Bộ Y tế - Bộ Tài chính số 37 về điều chỉnh mức giá viện phí có hiệu lực. Tuy nhiên, còn nhiều danh mục kỹ thuật tương đương chưa được "chuyển đổi" theo thông tư mới do lúng túng của các BV, nên có khả năng nhiều dịch vụ không được BHYT thanh toán.
Độ vênh giữa hai thông tư
Quy định trong Thông tư 37 có khoảng 1.800 kỹ thuật nhưng chỉ có vài trăm kỹ thuật tương đương với danh mục kỹ thuật của Thông tư 43 và Thông tư 50 (phân loại phẫu thuật, thủ thuật và định mức nhân lực trong từng ca phẫu thuật, thủ thuật). Như vậy sẽ có độ vênh rất lớn giữa danh mục kỹ thuật của hai thông tư, nhiều danh mục kỹ thuật không tương đương sẽ không được BHYT thanh toán vì không nằm trong danh mục được Bộ Y tế quy định.
Theo quy định, các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chưa được quy định mức giá cụ thể tại Thông tư 37 thì áp dụng theo mức giá của các dịch vụ tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện. Các phẫu thuật, thủ thuật chưa được xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện đồng thời chưa quy định mức giá cụ thể: Áp dụng mức giá tương ứng với từng loại phẫu thuật, thủ thuật tại mục “phẫu thuật, thủ thuật còn lại khác” của từng chuyên khoa. Tuy nhiên, việc áp tương đương thế nào là vấn đề gây rối và lúng túng cho các bệnh viện (BV) vì giá dịch vụ y tế rất phức tạp không trùng với nhau quá nhiều.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc BV Việt Đức (Hà Nội), cho biết trước đây khi áp dụng Thông tư 37, các dịch vụ kỹ thuật, đặc biệt là các phẫu thuật, thủ thuật theo hình thức gom nhóm. Cho nên BV Việt Đức khoảng vài trăm kỹ thuật nhưng bây giờ không gom nhóm nữa, đi theo chi tiết theo danh mục phẫu thuật, thủ thuật, theo Thông tư 43 và Thông tư 50 sẽ ra hàng ngàn dịch vụ kỹ thuật khác nhau. Vì vậy BV phải làm lại bộ bảng mã, bộ hướng dẫn và các quy trình khác.
Nói về khó khăn trong việc thực hiện quy định tăng giá viện phí lần này, lãnh đạo một BV cho biết sự không thống nhất tên gọi trong danh mục kỹ thuật, thông tư này quy định có kỹ thuật này, còn thông tư kia lại không khiến việc triển khai phần mềm của các BV gặp khó. Hiện cơ quan quản lý chưa thống nhất ban hành danh mục chuẩn thì hệ thống phần mềm của các BV chưa thể hoạt động hiệu quả được, do đó người chịu thiệt sẽ là người bệnh.
Việc điều chỉnh giá viện phí theo Thông tư 37, người bệnh có BHYT được lợi ích nhiều hơn. Ảnh: H.HÀ
“Ví dụ Thông tư 43 quy định danh mục gồm có viêm phổi trẻ em, viêm phổi người già, viêm phổi cấp, còn Thông tư 37 chỉ có danh mục viêm phổi và BHYT không thanh toán vì “viêm phổi” không khớp với kỹ thuật “viêm phổi” nào của Thông tư 43” - vị này dẫn chứng.
Các BV đang mong cơ quan quản lý nhà nước khẩn trương thống nhất, ban hành danh mục kỹ thuật tương đương với danh mục kỹ thuật cũ để đồng nhất cách hiểu giữa các cơ sở y tế và cơ quan BHXH để các cơ sở y tế căn cứ vào đó thanh toán BHYT cho bệnh nhân.
Sớm ban hành danh mục tương đương
Ngày 2-3, đại diện của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết lẽ ra các BV nên chuẩn hóa toàn bộ các kỹ thuật đang làm tại BV nhưng các BV lại vẫn sử dụng danh mục cũ, do vậy khi triển khai Thông tư 37 sẽ rất khó. Bộ Y tế đang đồng bộ (đã thông qua hội đồng, chờ thủ tục phê duyệt) danh mục kỹ thuật khám, chữa bệnh tương đương giữa Thông tư 43, Thông tư 50 với Thông tư liên tịch 37 để hướng dẫn các đơn vị áp dụng giá thanh toán cho người bệnh BHYT.
“Danh mục tương đương đã có dự thảo nhưng phải chờ BHXH Việt Nam thẩm định vì có liên quan đến giá. Hiện tại đã có các chuyên khoa sau đây đã được BHXH Việt Nam thẩm định xong: Ngoại khoa, phẫu thuật nội soi, vi phẫu, ung bướu, da liễu” - đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết.
Cũng theo đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh, bảng danh mục tương đương của Bộ sẽ ban hành nhiều đợt vì có rất nhiều kỹ thuật cần phải thẩm định.
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho biết đối với các cơ sở khám, chữa bệnh chưa được phê duyệt danh mục dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư số 43 thì các dịch vụ có tên trùng khớp với tên trong Thông tư số 43 được áp dụng theo giá dịch vụ mới. Các dịch vụ có tên khác với Thông tư số 43 sẽ tạm thời thực hiện theo giá hiện hành cho đến khi cấp có thẩm quyền phê duyệt danh mục dịch vụ kỹ thuật theo Thông tư số 43.
Trước những khó khăn trên, Bộ Y tế cũng đề nghị đối với các danh mục kỹ thuật chưa có tên trong thông tư 43, các cơ sở y tế khẩn trương báo cáo Bộ Y tế bổ sung.
Người bệnh ít chịu tác động Theo BS Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc BV Việt Đức (Hà Nội), khi thực hiện điều chỉnh giá viện phí theo Thông tư 37, người bệnh có BHYT được lợi ích nhiều hơn. Về chi phí, người bệnh có nhiều khoản trước đây vì cơ cấu giá không đủ phải nộp thêm. Bây giờ trong cơ cấu giá có rồi thì người bệnh không phải chi trả thêm nữa. Đợt tăng này sẽ thay đổi quan điểm, cách nhìn nhận và định hướng của tất cả đơn vị BV trong ngành y tế. Tất cả BV phải thấy rằng chỉ có nâng cao chất lượng mới có bệnh nhân. Ngày trước, đặc biệt BV tuyến dưới vắng tanh nhưng kinh phí lại cấp theo giường bệnh, có bao nhiêu giường thì nhân lên được cấp từng đấy kinh phí mà không biết là công suất sử dụng bao nhiêu. Bây giờ giá viện phí tính đủ, Nhà nước không cấp nữa, ngân sách BV thu từ phí dịch vụ bao gồm từ phía người bệnh và quỹ BHYT chi trả. Có thực hiện dịch vụ mới có tiền thu về, muốn thế BV phải có người bệnh, người bệnh không đến thì không có thu. Vì thế bắt buộc các BV phải vào cuộc phấn đấu để nâng cao chất lượng dịch vụ. |