Tạo điều kiện để kiều bào tham gia xây dựng chính sách hiệu quả

(PLO)- Các cơ quan nhà nước đang tìm giải pháp để người Việt hải ngoại tham gia xây dựng chính sách hiệu quả hơn. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Người Việt Nam ở nước ngoài luôn được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia vào quá trình hoạch định, thực thi, đánh giá chính sách pháp luật. Các cơ quan nhà nước đang tìm kiếm các giải pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả của kênh xây dựng chính sách này.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo do Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật - Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua, 15-11.

Theo ông Phan Hồng Nguyên - Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, nhìn chung, việc truyền thông chính sách với người Việt hải ngoại nên tập trung vào nhóm các lĩnh vực như quốc tịch, chứng thực; xuất cảnh, nhập cảnh; pháp luật về đất đai, xây dựng, nhà ở; chính sách về bảo hộ đối với công dân Việt Nam tại nước ngoài.

Ông Phan Hồng Nguyên - Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) - cho rằng các cơ quan chủ trì soạn thảo cần tập trung vào các chính sách pháp luật thiết thực. Ảnh: MINH TRÚC

Ông Phan Hồng Nguyên - Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) - cho rằng các cơ quan chủ trì soạn thảo cần tập trung vào các chính sách pháp luật thiết thực. Ảnh: MINH TRÚC

Hẹp hơn nữa là các chính sách về khuyến khích, ưu đãi, thu hút đầu tư của Nhà nước trong lĩnh vực thu hút chuyên gia, trí thức, kiều bào; thông tin về lĩnh vực đầu tư, kinh doanh; về các điều ước quốc tế liên quan…

Để nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách ngay từ khâu soạn thảo, bà Thu Hương - đại diện Vụ Pháp chế Thanh tra, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao cho rằng cần khắc phục cách làm lâu nay vốn chỉ qua kênh tiếng Việt. "Đây là một rào cản cho kiều bào khi tiếp cận chính sách do không phải cá nhân nào cũng biết tiếng Việt" - bà nói.

Quang cảnh hội thảo chiều 15-11. Ảnh: Minh Trúc.

Quang cảnh hội thảo chiều 15-11. Ảnh: Minh Trúc.

Từ góc nhìn cơ quan truyền thông đối ngoại, bà Cao Thị Mai Phượng - Tổng biên tập Tạp chí Vietnam Law and Legal Forum thuọc TTXVN nhận xét công tác truyền thông dự thảo chính sách cho người Việt Nam ở nước ngoài có những đặc thù về đối tượng, địa bàn, ngôn ngữ… Do đó cần lựa chọn loại hình thông tin phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn, tăng cường các hình thức trao đổi, thảo luận để thu hút ý kiến đóng góp đối với các dự thảo chính sách.

Bà Cao Thị Mai Phượng - Tổng biên tập Tạp chí Vietnam Law and Legal Forum - đánh giá truyền thông pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài có những đặc thù nhất định. Ảnh: Minh Trúc.

Bà Cao Thị Mai Phượng - Tổng biên tập Tạp chí Vietnam Law and Legal Forum - đánh giá truyền thông pháp luật cho người Việt Nam ở nước ngoài có những đặc thù nhất định. Ảnh: Minh Trúc.

Còn theo đại diện Ban đối ngoại, Đài Tiếng nói Việt Nam, cần lưu ý tới các đặc điểm mới của truyền thông trong thời đại công nghệ 4.0. Chẳng hạn, truyền thông chính sách với người Việt ở nước ngoài có thể thông qua các sản phẩm TVC (Television Commercials) đăng phát ngay tại phòng chờ lãnh sự, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.

Cũng góp ý nâng cao hiệu quả công tác này, ông Phan Hồng Nguyên cho rằng cần huy động sự tham gia của 3 bên: Cơ quan chủ trì soạn thảo chính sách pháp luật, cơ quan quản lý về thông tin đối ngoại và các cơ quan báo chí.

“Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ, tích cực từ phía các cơ quan thông tin, truyền thông với các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, cơ quan ngoại giao sẽ giúp truyền thông chính sách đảm bảo thông tin đa chiều, khách quan, chính xác và đầy đủ. Có như vậy mới nâng cao chất lượng của văn bản pháp luật, cũng như thực hiện tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài” - ông Nguyên nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm