Từ biển Đông đến vùng biển bờ tây châu Phi, từ Indonesia đến vùng biển Argentina, các tàu đánh cá của Trung Quốc (TQ) liên tục bị bắt giữ và xử phạt mạnh tay vì khai thác trái phép nguồn hải sản của những nước này. Những cuộc “viễn chinh” của ngành ngư nghiệp TQ đang gây nhiều lo ngại.
Càn quét từ biển Đông đến châu Phi
Theo The Guardian, một nghiên cứu do nhóm chiến dịch môi trường Hòa bình xanh thực hiện hồi năm ngoái cho thấy những tàu cá treo cờ TQ hoặc đăng ký tại TQ hoạt động ngoài khơi vùng biển châu Phi tăng vọt trong những thập niên gần đây, từ 13 tàu vào năm 1985 lên đến 462 tàu vào năm 2013. Nghiên cứu của nhóm Hòa bình xanh chỉ ra rằng trong tổng cộng tám năm qua đã có 114 trường hợp đánh bắt cá bất hợp pháp liên quan tới các tàu treo cờ TQ hoặc đăng ký tại TQ ở ngoài khơi Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Mauritania, Senegal và Sierra Leone. Các tàu này chủ yếu hoạt động không giấy phép hoặc hoạt động trong các khu vực bị cấm. Theo Ahmed Diame, đại diện Hòa bình xanh của châu Phi, nói rằng trong khi TQ bắt đầu bãi bỏ các cách thức đánh cá nguy hại cho môi sinh trong nước thì lại áp dụng phương thức đánh cá làm hủy hoại môi sinh tại Phi châu.
Trong số đó, 60 trường hợp liên quan tới các tàu đánh cá của Công ty China National Fisheries Corporation (CNFC), là công ty quốc doanh được thiết lập để đánh cá các biển xa. Công ty CNFC nói số tàu đánh cá tại Tây Phi là 44 nhưng thực sự là có tới 59 tàu tham gia đánh bắt. Theo báo cáo của Hòa bình xanh, CNFC lấp liếm con số thực là để tránh lệ phí xin giấy phép và có cơ hội xâm nhập vùng biển cấm đánh cá mà không bị lộ tung tích. Theo Rashid Kan, thành viên chi nhánh Hòa bình xanh Đông Á giám sát các hoạt động đại dương của TQ, các công ty đánh cá đã lợi dụng sự thiếu kiểm soát và luật pháp lỏng lẻo của chính quyền TQ tại các địa phương để quấy nhiễu ngư dân địa phương và phá hoại môi trường. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới những gì mà TQ gọi là hợp tác đôi bên cùng có lợi với Tây Phi, theo The Guardian.
Các công ty TQ đã đánh bắt cá vô độ, bất kể số lượng hay giới hạn loại cá. Điều này cũng đang xảy ra tại biển Đông, nơi TQ trắng trợn tuyên bố chủ quyền với gần hết lãnh thổ nơi đây. Tàu đánh cá TQ cũng đã từng bị các nước như Indonesia, Philippines, Nga, Triều Tiên, Hàn Quốc, Sri Lanka và Argentina bắt giữ, cũng với cáo buộc đánh bắt cá trái phép trong vùng biển các nước trên. Trong tháng 3-2016, các tàu cá TQ liên tục bị một số nước cáo buộc đánh bắt cá trái phép ở ngoài khơi vùng biển của nước này. Cảnh sát tuần duyên Argentina đã đánh chìm một tàu cá TQ cũng với lý do trên. Một tuần sau, Indonesia đã bắt giữ một tàu cá TQ hoạt động bên trong vùng 200 hải lý của Indonesia.
Hiện có hơn 500 tàu cá TQ đang thường xuyên hoạt động trái phép ngoài khơi Nam Phi. Ảnh minh họa: AFP
Một tàu cá bất hợp pháp bị hải quân Indonesia đánh chìm. Ảnh: REUTERS
Mạnh tay trừng phạt
Trước những hoạt động đánh bắt cá trái phép ngày một dày đặc của tàu cá TQ, các quốc gia đã tăng cường mức độ phản ứng của mình. Tháng 4-2016, Bộ Ngoại giao Malaysia cũng đã triệu tập đại sứ của TQ sau khi phát hiện khoảng 100 tàu đánh cá TQ trái phép ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Sarawak. Philippines cũng là nạn nhân chịu tác động nặng nề của nạn đánh bắt trộm. Phía nam bãi cạn Scarborough có hơn 300 tàu thuyền đánh cá TQ được phát hiện mỗi ngày. Để bảo vệ nguồn tài nguyên biển đang dần suy yếu, Philippines đã mua lại 100 tàu tuần tra mới để tăng cường giám sát.
Mới đây nhất, ngày 27-5, Indonesia đã bắt giữ thêm một tàu TQ cùng tám thủy thủ trên tàu với cáo buộc đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển ngoài khơi đảo Natuna. Theo phát ngôn viên hải quân Indonesi, Đại tá Budi Amin, tàu tuần tra của Indonesia đã nổ súng bắn trúng vào lớp vỏ đuôi của tàu cá TQ để buộc tàu dừng lại nhưng không gây ra thương vong gì khác. “Vụ bắt giữ này nhằm chứng minh cho thế giới thấy Indonesia sẽ có những hoạt động cứng rắn trước những tàu nào xâm phạm chủ quyền của chúng tôi” - ông Amin cho biết.
Ông Amin khẳng định Indonesia đã theo đúng các quy trình tiêu chuẩn quốc tế khi đối phó với tàu nước ngoài tiến vào vùng biển nước mình. Đã có nhiều trường hợp tàu hải cảnh TQ hộ tống hoặc trợ giúp tàu đánh cá TQ tiến vào vùng biển này, bất chấp các phản ứng và cảnh báo của tàu chấp pháp Indonesia. Kể từ khi trở thành tổng thống Indonesia, ông Joko Widodo đã tiến hành chính sách quản lý đánh bắt cá nghiêm ngặt, xử lý mạnh tay các trường hợp đánh bắt cá trái phép trong vùng biển Indonesia. Chính quyền Jakarta cũng mạnh tay cho nổ mìn đánh chìm các tàu cá TQ bị bắt giữ khi đánh bắt trái phép trong vùng biển nước mình.
Những cuộc “viễn chinh” của tàu cá Trung Quốc
Những cuộc “viễn chinh” của ngành ngư nghiệp TQ đã được lên tiếng cảnh báo từ năm 2013. Tờ Bloomberg bình luận chỉ trong vòng chín tháng cuối năm 2013, Hàn Quốc đã bắt giữ đến 266 tàu cá TQ hoạt động trái phép. Những con số này là không hề lạ lẫm đối với người Hàn Quốc. Tờ Yonhap News cho biết trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, có tổng cộng hơn 4.600 tàu cá TQ xuất hiện trong vùng biển nước này. Tuy nhiên, dường như các ngư dân TQ còn muốn cuộc “viễn chinh” của mình mở rộng hơn nữa.
Lượng tiêu thụ cá tại TQ nhiều gấp đôi so với mức trung bình của toàn thế giới, theo tờ Shanghaiist. Trong khi đó, tại các vùng biển TQ đã cạn kiệt nguồn cá, buộc ngư dân phải bơi thuyền ra xa hơn để đánh bắt. Các đoàn tàu đánh cá của TQ ngày càng có sự phối hợp với giới chức địa phương, đôi khi còn được sự “bảo kê” của chính quyền TQ, tờ Shanghaiist cho biết. Trong khi đó, phần lớn hoạt động buôn bán ngư sản tại TQ lại được thực hiện “chui” không qua sổ sách, tạo điều kiện tiêu thụ ngư sản đánh bắt trái phép, theo Bloomberg.
Theo hãng tin Bloomberg, TQ thường xuyên báo cáo khống số lượng ngư sản đánh bắt ngoài đại dương cho Tổ chức Lương thực và Thực phẩm Liên Hiệp Quốc (FAO). Trong khi đó lại báo cáo cắt xén rõ rệt số lượng ngư sản đánh bắt được bởi các đoàn thuyền “viễn chinh” của mình. Báo cáo này được đưa ra bởi một nghiên cứu liên kết giữa ĐH British Colombia và Ủy ban Nghề cá của Nghị viện châu Âu. Từ năm 2000 đến 2011, hoạt động đánh bắt cá “viễn chinh” của TQ khai thác hằng năm hơn 4,6 triệu tấn cá, trị giá hơn 12 tỉ USD. Trong số đó, hơn 80% số cá được khai thác ở các vùng biển châu Phi.
Chuyên gia Katie Lebling, thuộc Trung tâm nghiên cứu Woodrow Wilson, cho rằng các hoạt động đánh cá trái phép và không được quản lý của TQ sẽ gây khó khăn lớn cho việc phát triển các hoạt động đánh bắt cá thân thiện hơn với môi trường. Việc các cuộc “viễn chinh” đánh bắt cá ngày càng tăng cho thấy nguồn cá ở nhiều nơi trên thế giới và đặc biệt là tại TQ đang cạn kiệt. Trong khi đó, Tabitha Grace Mallory, chuyên gia về TQ và quản lý đánh bắt cá toàn cầu, cho rằng động lực kiềm chế tình trạng đánh bắt cá trái phép khó có thể đến từ chính quyền Bắc Kinh. Theo bà Mallory, TQ vẫn luôn hỗ trợ mạnh tay cho nền ngư nghiệp nước này. Trong khi đó, việc phát triển đội tàu đánh cá xa bờ luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu của ngành ngư nghiệp TQ.
Hồi tuần trước, hải quân Nam Phi đã bắt giữ ba tàu cá TQ chở 600 tấn thủy hải sản, cùng 100 thuyền viên với cáo buộc hoạt động trái phép trong vùng biển nước họ. Theo trang tin Algoafm, ba tàu cá TQ đã được yêu cầu di chuyển về cảng Đông London (Nam Phi) tối Chủ nhật 22-5. Đây là hoạt động phối hợp trên biển của ba đơn vị: Bộ Môi trường Nam Phi (DAFF), Cơ quan An toàn hàng hải Nam Phi và hải quân Nam Phi. Bộ trưởng Nông lâm ngư nghiệp Nam Phi Senzeni Zokwana cho biết việc bắt giữ ba tàu cá TQ cho thấy quan điểm nghiêm túc của Nam Phi trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như khu vực đặc quyền kinh tế của họ. Senzeni Zokwana bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng đánh bắt cá trộm ngoài khơi biển Nam Phi đang gia tăng. “Chúng tôi không thể dung túng cho hành vi xâm phạm các nguồn tài nguyên biển của mình. Chúng tôi cũng đang điều tra về việc một loạt tàu loại này đang bất ngờ xâm nhập vùng biển của chúng tôi” - vị bộ trưởng nhấn mạnh. |