Ông Hoàng Văn Tuynh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Phúc Tình vừa có văn bản phản ánh với Pháp Luật TP.HCM vụ tai nạn giữa hai tàu hàng trên biển Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận đã bảy tháng nay chưa được giải quyết.
Lỗi do thuyền viên tàu Hải Đạt 36
Theo báo cáo của Cảng vụ Hàng hải Nha Trang, tàu Phúc Tình 26 chở 3.260 tấn tôn cuộn đang hành trình từ Quảng Ngãi vào Đồng Nai. Tàu Hải Đạt 36 đang chở 2.550 tấn gạo từ An Giang đi Hải Phòng.
Tàu Hải Đạt 36 tại cảng Ba Ngòi sau tai nạn. Ảnh: CẢNG VỤ |
Lúc 22 giờ 10 ngày 20-4, hai tàu đang trên vùng biển Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận. Lúc này, sĩ quan boong tàu Hải Đạt 36 là ông Trịnh Quốc Hải phát hiện tàu Phúc Tình 26 đi đối hướng. Ông Hải đã dùng vô tuyến liên lạc với thuyền trưởng tàu Phúc Tình 26 là ông Đặng Văn Đoan cùng thống nhất tránh nhau qua mạn phải.
Đến khoảng 22 giờ 23, tàu Phúc Tình 26 vẫn giữ hướng và hành trình ổn định nhưng tàu Hải Đạt 36 bị chuyển hướng đột ngột sang phải. Thuyền trưởng Đoan phát hiện đã ra hiệu lệnh cho thủy thủ bẻ lái tàu Phúc Tình 26 sang trái để tránh.
Tuy nhiên, khoảng cách hai tàu đã quá gần nên chưa đầy một phút sau, mũi tàu Hải Đạt 36 chuyển hướng đột ngột đã đâm va vào chính diện giữa thân mạn phải tàu Phúc Tình 26. Tàu Phúc Tình 26 đã bị chìm sau khi bị đâm khoảng 30 phút. Các thủy thủ trên tàu được tàu Hải Đạt 36 cứu vớt.
Kết quả điều tra của Cảng vụ Hàng hải Nha Trang xác định nguyên nhân vụ đâm va là do công tác cảnh giới của thuyền viên đi ca tàu Hải Đạt 36 chưa mẫn cán, còn chủ quan. Thời điểm xảy ra tai nạn, trên buồng lái tàu Hải Đạt 36 có mặt sĩ quan boong là ông Trịnh Quốc Hải và thủy thủ Lê Xuân Thái thực hiện nhiệm vụ.
Trước thời điểm xảy ra tai nạn khoảng 15 phút, ông Hải yêu cầu ông Thái ra cánh gà cabin mạn trái để thực hiện nhiệm vụ cảnh giới. Ông Hải thực hiện việc lái tàu. Tuy nhiên, ông Thái nhận nhiệm vụ cảnh giới lại tập thể dục cá nhân, quay mặt ngược với hướng tới của tàu Phúc Tình 26. Cảng vụ Hàng hải Nha Trang khẳng định như vậy là lơ là cảnh giới.
Hải đồ vụ tàu Hải Đạt 36 chuyển hướng đâm va tàu Phúc Tình 26. Ảnh: CẢNG VỤ |
“Thuyền viên đi ca tàu Hải Đạt 36 đã không duy trì công tác cảnh giới bằng mắt nhìn, tai nghe một cách thích đáng. Đồng thời, phải sử dụng tất cả các thiết bị sẵn có phù hợp hoàn cảnh và điều kiện hiện tại để đánh giá đầy đủ tình hướng và nguy cơ đâm va.”- báo cáo điều tra nêu.
Bên cạnh đó, hành động xử lý tình huống của thuyền viên tàu Hải Đạt 36 là không phù hợp với kinh nghiệm của thuyền viên đi biển lành nghề. Khi tàu Phúc Tình 26 đang ở gần chính ngang bên phải với khoảng cách là 80 m, thuyền viên tàu Hải Đạt 36 lại bẻ lái sang phải trong khi khu vực xảy ra tai nạn không có một hạn chế nào để tàu Hải Đạt 36 hành trình về bên trái.
Ngoài ra, Cảng vụ Hàng hải Nha Trang cũng cho rằng thuyền viên của hai tàu đều chưa đánh giá đầy đủ nguy cơ đâm va với nhau, còn chủ quan cho hai tàu đi qua nhau với khoảng cách chính ngang quá gần (khoảng 80 m).
Tàu bị nạn nằm dưới biển bảy tháng chưa giải quyết
Trong văn bản gửi báo Pháp Luật TP.HCM, ông Hoàng Văn Tuynh cho biết sau bảy tháng kể từ khi vụ tai nạn xảy ra, tàu Phúc Tình 26 cùng hàng hóa vẫn còn nằm dưới biển sâu. Tổng thiệt hại khoảng 82 tỉ đồng vẫn chưa được khắc phục.
Tàu Hải Đạt 36 bị đứt neo phải, thủng vỏ tàu phía mũi sau khi đâm va. Ảnh: CẢNG VỤ |
Chủ tàu Phúc Tình 26 cho rằng Cảng vụ Hàng hải Nha Trang xác định vụ đâm giữa hai tàu là lỗi do thuyền viên đi ca của tàu Hải Đạt 36 chưa mẫn cán, chủ quan lơ là, đánh giá chưa đầy đủ nguy cơ đâm va. Các thuyền viên này đã thực hiện hành động tránh đâm va chưa phù hợp quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va tàu thuyền trên biển đã được Bộ Giao thông Vận tải quy định. Đây là lỗi để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại cho tàu Phúc Tình 26. Hành vi này vi phạm Bộ luật Hình sự và Luật Giao thông đường thủy nội địa.
Ông Hoàng Văn Tuynh cho biết đã gửi đơn tố giác đến cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, vụ việc này thuộc trách nhiệm, thẩm quyền điều tra của Cảng vụ Hàng hải Nha Trang.
“Cảng vụ Hàng hải Nha Trang cho rằng chưa phát hiện dấu hiệu cấu thành tội phạm và chưa chuyển hồ sơ cho cơ quan CSĐT có thẩm quyền để giải quyết theo quy định”- ông Tuynh thông tin.
Về phía tàu Hải Đạt 36, trả lời PV, ông Trịnh Quốc Đạt, chủ tàu Hải Đạt 36, cho rằng vụ tai nạn là do lỗi hỗn hợp đã được Cảng vụ Hàng hải Nha Trang kết luận. Ông Đạt cho biết tàu Hải Đạt 36 có mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự hai chiều. Vì vậy, công ty đang làm thủ tục bảo hiểm để hỗ trợ cho tàu Phúc Tình 26.
Cũng theo ông Đạt, tàu Hải Đạt 36 do công ty ông sở hữu và đang hoạt động bình thường. Tuy nhiên, sau đó ông Đạt lại nói tàu Hải Đạt 36 đã đổi tên thành tàu Anh Viên 36 và chuyển nhượng cho Công ty TNHH vận tải biển Anh Viên.
Chưa xác định trách nhiệm, nghĩa vụ pháp lý các bên
Trả lời khiếu nại của ông Hoàng Văn Tuynh về hành vi của thuyền viên tàu Hải Đạt 36 đã vi phạm Bộ Luật Hình sự và Luật Giao thông đường thủy nội địa, ông Phạm Văn Chương, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nha Trang, cho rằng cần có đầy đủ chứng cứ và tin để xác định hành vi vi phạm của thuyền viên Trình Quốc Hải và Lê Xuân Thái có cấu thành tội phạm hay không.
Theo ông Chương, Cảng vụ Hàng hải Nha Trang chưa phát hiện các yếu tố cấu thành tội phạm trong quá trình điều tra.
Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nha Trang cũng cho rằng theo quy định thì mục đích và yêu cầu của điều tra tai nạn hàng hải là xác định điều kiện, hoàn cảnh, nguyên nhân gây ra tai nạn nhằm có biện pháp hữu hiệu phòng tránh, hạn chế; không xác định trách nhiệm hay nghĩa vụ pháp lý các bên.