“Các tàu ngầm nguyên tử tành hình của Mỹ đã từng có một lợi thế không gì sánh nổi, đó là gần như biến mất hoàn toàn khi lặn xuống biển, tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ đang làm mất dần sự vượt trội này, điều chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng tới các tham vọng của Mỹ ở những khu vực biển xa”, giáo sư về chiến lược, James Holmes ở Học viện chiến tranh hải quân, cho biết.
“Nếu Mỹ không thích nghi với những sự cạnh tranh mới, kỉ nguyên của những sự thiếu vượt trội từ Mỹ đang đến rất gần”, Bryan Clark, nhà phân tích đến từ Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách (CSBA), cũng là cựu chỉ huy hải quân, nhận định.
Tàu ngầm Mỹ sắp mất đi các lợi thế tàng hình đã có trong 60 năm qua
Gần 60 năm qua, các tàu ngầm tàng hình của Mỹ được mệnh danh như một “kẻ thay đổi cuộc chơi” trong chiến tranh dưới nước, trong khi đó sự ra đời của động cơ đẩy hạt nhân cũng cho phép các tàu ngầm duy trì dưới mặt nước trong thời gian dài hơn. Chính vì vậy, không còn lực lượng chống tàu ngầm nào có thể sử dụng radar để phát hiện tàu ngầm Mỹ.
Tuy nhiên, một bước nhảy vọt về công nghệ mới sắp khiến tàu ngầm Mỹ phải hiện nguyên hình. Công nghệ dò tìm phi âm thanh (non-acoustic) và kiểm soát hỏa lực (fire-control) sẽ cho phép các lực lượng chống tàu ngầm (ASW) phát hiện các dấu vết của một tàu ngầm tàng hình Mỹ, sau đó biến đổi thông tin thành các dữ liệu theo dõi.
"Sự thay đổi đột ngột này chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều tới các tổ chức lớn như lực lượng hải quân. Thật khó để có thể đi trước được quá trình này", giáo sư Holmes thừa nhận.
Tuy nhiên, ông Holmes cho biết, tàu ngầm Mỹ vẫn chưa hoàn toàn hết hi vọng do nó có thể được nâng cao khả năng phòng thủ chủ động và bị động nhờ các nghiên cứu mới. Nó có thể học theo các máy bay chiến đấu tành hình F-22 và F-35, vốn đang dựa vào các hệ thống tác chiến điện tử để chủ động ngăn cản sóng radar thay vì tìm cách tàng hình.
Theo Đặng Vũ (ANTĐ /Sputnik)