Các mẫu xe tăng do phương Tây sản xuất được giao tới Ukraine là đặc biệt, song cũng đặt ra những vấn đề riêng cho quân đội Ukraine. Xe tăng hiện đại phức tạp và đòi hỏi nhiều về bảo trì và phụ tùng thay thế và mỗi loại có những đặc điểm và yêu cầu riêng.
Theo trang Business Insider, với ba mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực của ba nước phương Tây khác nhau sắp được giao tới Ukraine, các đội lái xe tăng, thợ cơ khí và sĩ quan hậu cần của Ukraine sẽ phải học cách thích ứng với nhiều kiểu thiết giáp khác nhau.
Xe tăng M1A2 Abrams
Lấy xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams của Mỹ làm ví dụ đầu tiên. Dự kiến sẽ có 31 xe tăng M1A2 Abrams sẽ đến Ukraine. Trong khi hầu hết xe tăng hiện đại chạy bằng động cơ diesel thì M1A2 Abrams lại sử dụng động cơ tuabin khí Honeywell 1.500 mã lực hoạt động tốt nhất khi đốt nhiên liệu máy bay phản lực JP-8.
Binh sĩ Mỹ trườn vào khoang lái của xe tăng M1A1 Abrams tại căn cứ quân sự Fort Benning thuộc bang Georgia (Mỹ) tháng 5-2016. Ảnh: US ARMY |
Điều này mang lại cho xe tăng máy phát điện mạnh mẽ có khả năng tăng tốc nhanh chóng trong khi vẫn giữ được độ yên tĩnh đáng kể, song lại rất hao xăng.
Xe tăng M1A2 Abrams đi gần 1 km thì “uống” gần 4 lít nhiên liệu. Năm 1993, Thụy Điển đặt xe tăng M1A2 Abrams và xe tăng Leopard 2 của Đức lên bàn cân, và phát hiện xe tăng của Đức tiết kiệm xăng gấp đôi xe tăng của Mỹ.
Vấn đề là các đội xe tăng của Ukraine do Liên Xô và Nga thiết kế khi chưa nổ ra xung đột cũng như xe tăng Leopard 2 của Đức và Challenger 2 của Anh mà nước này đang nhận đều chạy bằng động cơ diesel.
Điều này đồng nghĩa Ukraine sẽ phải đảm bảo nguồn cung nhiên liệu riêng biệt dành cho xe tăng M1A2 Abrams. Xe tăng này của Mỹ có thể sử dụng động cơ diesel nhưng như vậy sẽ đặt ra nhu cầu bảo trì bổ sung.
Xe tăng Challenger 2
Ukraine sẽ nhận 14 chiếc xe tăng Challenger 2 của Anh. Trong khi hầu hết xe tăng ngày nay được trang bị pháo nòng trơn thì Challenger 2 được trang bị pháo nòng xoắn L30 120 mm.
Đa phần súng xe tăng sử dụng đạn lõm hoặc đạn xuyên giáp để xuyên thủng lớp giáp của xe tăng đối phương.
Xe tăng Challenger 2. Ảnh: RHEINMETALL |
Tuy vậy, Challenger 2 còn có thể bắn đạn nổ mạnh dẻo (HESH), về cơ bản bắn ra một lượng lớn thuốc nổ dẻo lên bề mặt của xe tăng mục tiêu, khiến lớp giáp bên trong bắn ra các mảnh gây thương tích hoặc giết chết tổ lái và làm nổ đạn dược.
Đạn HESH đặc biệt phù hợp với pháo nòng xoắn, nhưng điều này đồng nghĩa xe tăng Challenger 2 cần một loại đạn khác với đạn của xe tăng M1A2 Abrams và Leopard 2.
Một điểm khác thường nữa là đạn pháo của L30 có hai phần (thuốc nổ và thuốc phóng) thay vì đạn đơn nhất. Mặc dù điều này mang lại một số lợi thế về tính an toàn và cất giữ, song các xạ thủ và người nạp đạn của Ukraine sẽ phải học các quy trình mới để sử dụng chúng.
Thân của Challenger 2 là thân của mẫu xe tăng Challenger 1 từ những năm 1990 đã được hiện đại hóa và có một tháp pháo mới. Điều đáng tiếc của sự kết hợp này là Challenger 2 yêu cầu ít nhất hai bộ dụng cụ vì tháp pháo sử dụng phép đo hệ mét còn thân sử dụng phép đo hệ mẫu Anh, tờ Daily Telegraph của Anh lưu ý.
Xe tăng Leopard 2
Xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất vốn chưa tham chiến nhiều.
Các xe tăng M1A2 Abrams và Challenger 1 – xe tăng đời trước của Challenger 2 đã có một trận chiến khá tốt chống lại xe tăng T-72 của Iraq và các xe tăng khác của Nga trong Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất. Xe tăng Challenger được cho đã phá hủy 300 xe tăng của Iraq.
Khi xe tăng Leopard 2 của Thổ Nhĩ Kỳ tham gia chống các chiến binh tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria năm 2016, kết quả thu được không mấy ấn tượng.
Xe tăng Leopard 2 của Đức. Ảnh: Sascha Schuermann/GETTY IMAGES |
Lữ đoàn thiết giáp số 2 của Thổ Nhĩ Kỳ được cho đã mất 10 chiếc Leopard trước vũ khí chống tăng và chất nổ tự chế trong cuộc chiến giành TP Al-Bab của Syria, theo tạp chí Der Spiegel của Đức. Nhiều khả năng những tổn thất trên là do chiến thuật phối hợp vũ khí kém của Thổ Nhĩ Kỳ, chứ không phải bất kỳ thiếu sót rõ ràng nào của xe tăng Leopard 2. Các xe tăng M1A2 Abrams của Iraq và Saudi Arabia cũng bị phá hủy vì lý do tương tự.
Vấn đề đặt ra với Leopard 2 có thể là bảo trì và tính khả dụng. Quân đội Đức, từ lâu đã vật lộn với các vấn đề về sự sẵn sàng hoạt động và phụ tùng thay thế, chỉ có 350 xe tăng Leopard 2 và không còn nhiều để gửi cho Ukraine.
Rheinmetall, nhà sản xuất xe tăng Leopard có 22 chiếc Leopard 2 và 88 chiếc Leopard 1 cũ hơn trong kho, song chúng không thể sẵn sàng chiến đấu cho tới ít nhất là năm 2024.
Có những lý do hoàn toàn chính đáng giải thích tại sao xe tăng giữa các quốc gia lại khác nhau.
Chẳng hạn, đạn HESH thích hợp nhất với pháo nòng xoắn, và động cơ tuabin khí thì không phải là lựa chọn không hợp lý để quân đội các nước sẵn sàng trả giá hậu cần.
Cuối cùng, điều quan trọng không phải là đặc tính kỹ thuật của những mẫu xe tăng trên. M1A2 Abrams của Mỹ, Challenger 2 của Anh hay Leopard 2 của Đức đều đáng gờm. Vấn đề nằm ở việc Ukraine sẽ nhận được bao nhiêu xe tăng và quân đội Ukraine sẽ sử dụng chúng như thế nào.