‘Tham’ nguyện vọng, dễ mất cơ hội trúng tuyển

Theo thông tin mới nhất từ Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 nhìn chung vẫn tương tự năm trước về đề thi, thời gian... Tuy nhiên, những điểm mới về tổ chức thi, chấm thi, xét công nhận tốt nghiệp và cộng với việc đa dạng phương thức tuyển sinh từ các trường ĐH-CĐ sẽ khiến nhiều thí sinh (TS) cần cẩn trọng hơn trong việc đăng ký bài thi và nguyện vọng xét tuyển để có kết quả tốt nhất.

Cân nhắc chọn bài thi tổ hợp

Theo công văn về việc hướng dẫn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp năm 2019 vừa được Bộ GD&ĐT công bố cuối tuần qua, HS sẽ đăng ký thi và xét tuyển ĐH-CĐ từ ngày 1-4 đến 17 giờ ngày 20-4. Sau thời gian này, TS không được quyền thay đổi cụm thi và các thông tin về bài thi/môn thi đã đăng ký.

Kỳ thi có năm bài thi, diễn ra từ ngày 25 đến 27-6. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, TS phải dự thi bốn bài thi, gồm ba bài thi độc lập (Toán, Văn, Ngoại ngữ) và một bài thi tự chọn trong số hai bài thi tổ hợp là khoa học tự nhiên (KHTN) gồm các môn Lý, Hóa, Sinh; Khoa học xã hội (KHXH) gồm tổ hợp các môn Sử, Địa, Giáo dục công dân. TS giáo dục thường xuyên chỉ dự thi ba bài thi, gồm hai bài thi độc lập (Toán, Văn) và một bài thi tự chọn trong hai bài thi tổ hợp KHTN hoặc KHXH (Sử, Địa).

Học sinh lớp 12 tại TP.HCM thi THPT Quốc gia năm 2018. Ảnh: PHẠM ANH

Đặc biệt, trong việc chọn bài thi tổ hợp, Bộ lưu ý TS được chọn đăng ký thi cả hai bài thi tổ hợp. Điểm bài thi nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, khi đã đăng ký TS bắt buộc phải thi cả hai bài. Nếu TS bỏ một trong hai bài thi sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài thi và không được xét tốt nghiệp THPT.

Còn để xét tuyển ĐH, CĐ, trung cấp, TS phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp xét tuyển vào ngành/nhóm ngành theo quy định của trường ĐH, CĐ, trung cấp.

Đáng nói, việc xét tốt nghiệp năm nay có thay đổi lớn khi lấy đến 70% từ điểm thi THPT Quốc gia, còn 30% điểm học bạ (trước đây là 50-50%). Do đó, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý TS cần cân nhắc hơn trong việc chọn bài thi sao cho phù hợp sức học để có kế hoạch ôn tập tốt nhất, vì các em phải đậu tốt nghiệp THPT mới có thể đăng ký xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Dễ rớt vì... tham nguyện vọng

Việc đăng ký nguyện vọng (NV) là phần khiến hầu hết TS lúng túng nhất trong quá trình đăng ký thi THPT. Bởi theo thống kê Bộ GD&ĐT, kỳ tuyển sinh năm 2018, trung bình mỗi TS chọn 3 NV xét tuyển. Tuy nhiên, tỉ lệ TS chọn nhiều NV cũng khá nhiều, đáng chú ý có TS đăng ký tới 50 NV. Cũng có những em dù điểm thi cao nhưng lại không trúng tuyển NV nào do xác định việc chọn NV chưa tương ứng với thế mạnh các bài thi.

Th.S Hoàng Thúy Nga, Chuyên viên chính Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), cho biết năm 2018 có gần 50% số TS điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Theo bà Nga, nguyên nhân của việc này là do TS chọn ngành không đúng, chọn đại, không tìm hiểu kỹ ngành học nên sau khi thi xong lại muốn thay đổi.

Do đó,  bà Nga cho biết, năm nay Bộ vẫn quy định không giới hạn số lượng NV đăng ký xét tuyển, các NV đều có giá trị như nhau. Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, TS được quyền thay đổi NV một lần duy nhất (từ ngày 22-7 đến 31-7) sao cho phù hợp với kết quả thi và sở thích ngành học mình mong muốn.

Bà Nga cũng lưu ý, ngay khi Bộ công bố đáp án các môn thi THPT quốc gia, TS cần nhẩm tính điểm mình đạt mức nào, so sánh với điểm chuẩn năm trước xem mình có cần phải điều chỉnh NV hay không. Như vậy thí sinh có thêm thời gian cân nhắc kỹ việc điều chỉnh NV để tăng cơ hội trúng tuyển phù hợp hơn.

Từ kinh nghiệm thực tế, lãnh đạo các trường ĐH đều cho rằng TS chỉ cần chọn 4 - 6 NV là đủ, quan trọng là chọn ngành, chọn trường phải vừa sức học, phù hợp sở thích và năng lực của bản thân. Các TS nên tìm hiểu kỹ thông tin các trường ĐH-CĐ trước khi đặt bút chọn, không nên chọn NV kiểu “thả cửa” để phòng hờ hoặc chọn theo đám đông. Bởi lẽ như vậy, một là cơ hội trúng tuyển thấp, hai là có thể trúng tuyển nhưng việc theo học sẽ khó lâu dài.

Theo TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng Ban Công tác Sinh viên (ĐHQG TP.HCM), các trường ĐH có thể có một hoặc nhiều đợt xét tuyển. TS đã xác nhận nhập học thì không được tham gia các đợt xét tuyển tiếp theo. Hoặc năm nay các trường có thêm nhiều phương thức tuyển sinh khác ngoài lấy điểm thi THPT Quốc gia. Do đó, bà Mai khuyên các TS nên cân nhắc sức học, tìm hiểu về phương án tuyển sinh của các trường. So sánh điểm chuẩn các năm và nhất là cần nắm quy định của Bộ GD&ĐT về tuyển sinh một số ngành đặc thù để có lựa chọn và sắp xếp các phương án dự phòng nhằm tăng cơ hội trúng tuyển hơn.

Lưu ý những hồ sơ đăng ký thi THPT quốc gia 2019

1. Đối với TS chưa tốt nghiệp THPT: 2 phiếu đăng ký dự thi giống nhau; bản sao học bạ THPT hoặc học bạ giáo dục thường xuyên cấp THPT (có chứng thực hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu); các giấy chứng nhận hợp lệ để được hưởng chế độ ưu tiên, khuyến khích (nếu có); 2 ảnh cỡ 4 x 6cm; 2 phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ, số điện thoại liên lạc của TS.

2. Đối với TS tự do (thi lại) chưa có bằng tốt nghiệp THPT: Ngoài các hồ sơ quy định trên phải có thêm giấy xác nhận của trường phổ thông nơi TS học lớp 12 hoặc nơi TS đăng ký dự thi về xếp loại học lực đối với những học sinh xếp loại kém về học lực; bằng tốt nghiệp THCS hoặc trung cấp (bản sao được chứng thực hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu); giấy xác nhận điểm bảo lưu (nếu có) do hiệu trưởng trường THPT nơi TS đã dự thi năm trước xác nhận.

3. Đối với TS tự do đã tốt nghiệp THPT: 2 phiếu đăng ký dự thi giống nhau; bằng tốt nghiệp THPT hoặc trung cấp (bản sao); 2 ảnh cỡ 4 x 6cm; 2 phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của TS.

Riêng đối với TS đã tốt nghiệp trung cấp không có học bạ THPT hoặc học bạ giáo dục thường xuyên cấp THPT đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ, trung cấp nhóm ngành đào tạo giáo viên phải học và được công nhận đã hoàn thành các môn văn hóa THPT theo quy định.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm