Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách QH (ảnh), nói xung quanh việc bổ nhiệm và công tác cán bộ còn có nhiều lỗ hổng dẫn đến sai phạm hàng loạt. “Phải gọi đó là tham nhũng quyền lực, loại tham nhũng này gây ra hậu quả nghiêm trọng, mất niềm tin của nhân dân đối với cán bộ, đối với Đảng” - ĐB Lê Thanh Vân nhấn mạnh.
Đưa công tác cán bộ vào BLHS
. Phóng viên: Thưa ông, công tác cán bộ thời gian qua đã lộ rõ nhiều bất thường, vi phạm nghiêm trọng theo kiểu nối dõi, cả nhà cùng làm cán bộ… Liệu có phải việc xử lý các vi phạm này chưa nghiêm nên mới dẫn đến tình trạng này trở thành phổ biến?
+ ĐB Lê Thanh Vân: Đúng là thời gian qua dù Đảng đã quyết liệt xử lý một số trường hợp vi phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ nhưng tôi cho rằng việc xử lý cần quyết liệt, có tính trừng phạt, răn đe chứ không thể chỉ xử lý kỷ luật về hành chính và về mặt Đảng. Xử lý hành chính đối với hành vi này là bỏ lọt tội phạm.
Tôi đã đề nghị có một mục trong Chương XXIII quy định bảy tội về lạm dụng quyền hạn trong công tác cán bộ. Cụ thể, bảy tội đó là: 1- Giới thiệu, đề cử người không đúng tiêu chuẩn; 2- Thẩm định hồ sơ nhân sự sai sự thật; 3- Bổ nhiệm người không đúng tiêu chuẩn; 4- Trù dập, hãm hại người có đức, tài; 5- Dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác nhằm bổ nhiệm người theo ý muốn; 6- Dùng chức vụ gây ảnh hưởng hoặc đe dọa người khác trong công tác cán bộ; 7- Gian lận trong kiểm phiếu hoặc dùng thủ đoạn làm sai lệch kết quả bỏ phiếu.
. Như vậy, theo ông, cần có quy định cụ thể các hành vi tham nhũng quyền lực chứ không nên mơ hồ, chung chung như các quy định hiện hành?
+ Tôi đi tiếp xúc cử tri, đi làm việc với nhiều địa phương thấy rằng người dân rất bức xúc công tác cán bộ và bổ nhiệm thời gian qua. Bởi bổ nhiệm một cán bộ yếu kém năng lực, đạo đức thì hậu quả khôn lường. Thực tế đã có nhiều vụ vi phạm pháp luật hình sự như tham nhũng, tham ô… khiến người dân suy giảm niềm tin.
Xã hội đã lên tiếng đòi phải trừng phạt, có biện pháp xử lý hình sự những hành vi vi phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ. Trong khi các tội danh về kinh tế thì được đưa vào BLHS còn với các hành vi lạm dụng quyền hạn trong công tác cán bộ thì chưa được cụ thế hóa và chế tài bằng pháp luật hình sự.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 của Đảng đã nhấn mạnh việc kiểm soát quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn. Theo tôi, để kiểm soát quyền lực thì phải tập trung vào công tác cán bộ, bổ nhiệm, xử lý cán bộ vi phạm, nếu xử lý không nghiêm thì không có tác dụng răn đe.
Ông Trịnh Xuân Thanh, người có trách nhiệm trong việc để PVC lỗ ngàn tỉ nhưng vẫn được cất nhắc, lên chức một cách bất thường. Ảnh tư liệu
Không xử hình sự là có vấn đề
. Thưa ông, dù Đảng có quyết liệt xử lý nhiều cán bộ cấp cao vi phạm trong công tác bổ nhiệm nhưng dư luận nhân dân cho rằng việc xử lý vẫn chưa thật nghiêm, chưa đủ sức răn đe. Theo ông, liệu nhóm tội danh ông đề xuất có được QH ghi nhận?
+ Quả thật việc xử lý một số lãnh đạo cấp cao đã nghỉ hưu cho thấy Đảng rất quyết liệt. Việc cắt các chức vụ đã từng có trong Đảng làm mất đi danh dự của cán bộ vi phạm. Tuy nhiên, xử lý vậy người dân không đồng tình cũng là điều đáng suy nghĩ. Bởi một trẻ chưa thành niên đói bụng đi ăn cắp ổ bánh mì bị xử lý hình sự, còn quan chức sai phạm ngàn tỉ mà không bị xử lý hình sự, chỉ chuyển công tác khác thì quả thật rất có vấn đề trong vận dụng quy định pháp luật.
Lâu nay, công tác xử lý cán bộ vi phạm dư luận nhân dân cho rằng chưa minh bạch. Việc chỉ xử lý hành chính đối với cán bộ vi phạm là thiếu tính trừng phạt, răn đe.
Gần đây nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý là một tín hiệu cho thấy có sự chuyển biến trong công tác xử lý cán bộ sai phạm. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi tiếp xúc với cử tri đã nhấn mạnh các sai phạm của lãnh đạo cấp cao đang được tiếp tục xử lý. Nếu không đưa nhóm tội danh lạm dụng quyền lực vào BLHS sửa đổi tới đây thì quyết tâm xử lý các sai phạm trong công tác cán bộ có thể sẽ hạn chế.
Công nghệ “biến vịt thành thiên nga”
. Từng công tác qua nhiều cơ quan, ông đánh giá việc bổ nhiệm cán bộ hiện nay như thế nào?
+ Thực trạng này có thể gọi là “công nghệ biến ngang, vịt thành thiên nga trong công tác cán bộ”. Một trật tự ưu tiên được lần lượt sắp xếp như sau:
Một là con trai, con gái, con rể, con dâu, em trai, em gái, vợ, chồng, anh, em chú bác, họ hàng gần xa... tạm gọi là TRỰC HỆ. Hai là đôla, ngoại tệ mệnh giá cao, vàng, kim cương, ô tô sang, biệt thự, thẻ tín dụng, sản vật quý hiếm đắt tiền... tạm gọi là TIỀN TỆ. Ba là tình nhân, ân sủng từ chủ nhân tiền bối, từ thỏa thuận “có đi, có lại”... tạm gọi là QUAN HỆ. Bốn là kẻ hầu hạ, điếu đóm, xun xoe nịnh bợ, môi giới buôn vua, bán chúa… tạm gọi là ĐỆ TỬ.
Một “trật tự ưu tiên” như vậy dường như đang phổ biến, lộng hành, tác oai tác quái nhiều năm nay với không ít bằng chứng mà báo chí đã vạch mặt, chỉ tên.
TRÍ TUỆ, vì thế, không còn chỗ!
Phải lên án mạnh mẽ, phải đưa những kẻ ăn cắp quyền lực công ra trước ánh sáng pháp luật! Phải trừng trị hành vi ấy bằng pháp luật hình sự với hình phạt nghiêm khắc hơn cả trừng phạt hành vi tham nhũng. Bởi tham nhũng quyền lực là hành vi phá nát bộ máy, hủy hoại lòng tin, làm lung lay chế độ, mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Nó tạo ra những nhân sự yếu kém về năng lực, sa sút về phẩm chất với cái danh lãnh đạo, được núp dưới vỏ bọc “quy trình”.
Loại tội ấy phải xếp vào nhóm tội rất nặng!
. Xin cám ơn ông.
Tiến cử cán bộ: Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã Có câu “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, nó cũng có ý nghĩa trong việc chọn người. Khi một người tiến cử, đề cử hay bổ nhiệm một ai đó vào bộ máy thì cũng đồng nghĩa với phản ánh phẩm chất, nhân cách của chính người đó. Vì thế, ai cũng biết chỉ có người tài, đức mới chọn được người tài, đức; kẻ tham nhũng đương nhiên sẽ chọn kẻ tham nhũng. Đảng, Nhà nước ta đã ban hành một số chủ trương đề cập đến việc lựa chọn, tiến cử hiền tài. Nhưng thử hỏi xem có mấy ai là lãnh đạo đã thực tâm, chí thành giới thiệu, tiến cử, bổ nhiệm hiền tài chưa? Nói một đằng, làm một nẻo thì sao nhân dân có thể tin được! ĐBQH LÊ THANH VÂN |