Tham nhũng, tiêu cực là khuyết tật của quyền lực

(PLO)- Ngoài tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, tham nhũng chính sách, tham nhũng quyền lực, chính trị cũng nguy hại không kém. 

Đó là các ý kiến trao đổi của đại biểu tham dự tại tọa đàm Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sáng 21-4.

Tọa đàm do Đảng uỷ Khối Dân - Chính - Đảng TP.HCM phối hợp với Sở TT&TT, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tổ chức.

Các đại biểu tham gia tọa đàm. Ảnh: T.T

Cái gốc của tham nhũng là sự suy thoái tư tưởng, đạo đức

Phát biểu đề dẫn, TS Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Giám đốc Chi nhánh Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật tại TP.HCM, cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ cái “gốc” của tham nhũng chính là do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở cán bộ, đảng viên.

Do đó, để đấu tranh PCTNTC có hiệu quả, điều quan trọng trước nhất là mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm và dũng khí trước Đảng, trước nhân dân. Đặc biệt, phải phát huy được vai trò tiên phong, gương mẫu, đó là nền tảng, là cơ sở quan trọng để làm nên uy tín của người đảng viên.

TS Nguyễn Thị Quỳnh Nga phát biểu đề dẫn tại tọa đàm. Ảnh: T.T

Trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết với tiêu đề “Cái gì làm nên uy tín đảng viên”. Trong đó, Tổng Bí thư đã phân tích hình ảnh của một người cộng sản chân chính, đồng thời cũng là những biểu hiện làm nên uy tín của người đảng viên cộng sản.

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phai nhạt lý tưởng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, mà những biểu hiện đó khiến “rất nhiều đảng viên và những người cách mạng chân chính không khỏi đau xót, nhức nhối”.

Tổng Bí thư cũng đã chỉ ra nguyên nhân sâu xa nhất “chính là ở bản thân đội ngũ đảng viên”.

Một bộ phận đảng viên “sống xa dân, vô trách nhiệm với dân, tự biến mình thành “quan cách mạng”, lộng quyền, tham nhũng, phè phỡn, đè đầu cưỡi cổ dân... Chính những người này đã làm hại thanh danh, uy tín của Đảng, làm giảm lòng tin của quần chúng đối với Đảng.

Vì vậy, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, đòi hỏi “Đảng phải tự đổi mới mình, nâng cao uy tín, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng”.

Muốn vậy, “Đảng phải ra sức củng cố đội ngũ của Đảng, nâng cao vai trò, trách nhiệm và uy tín đảng viên”.

Tham nhũng chính trị, quyền lực nguy hại không kém

Tại tọa đàm, PGS.TS Hà Minh Hồng- Nguyên trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM đưa ra góc nhìn về vấn đề tự soi, tự sửa trong cuốn sách của Tổng Bí thư.

Theo PGS.TS Hà Minh Hồng, có hai dạng cán bộ, đảng viên không dám tự soi, tự sửa; không dám nhận khuyết điểm để sửa sai.

Thứ nhất, cán bộ có chức, có quyền không dám nhận trách nhiệm. Thứ hai, là việc đổ trách nhiệm, đổ cái sai cho người khác.

“Mình không đánh thắng được mình mà đòi thắng được địch. Tự mình không cải tạo được mình mà muốn cải tạo xã hội. Điều đó thật là vô lý”- PGS.TS Hà Minh Hồng nhắc lại lời dạy của Bác Hồ và cho rằng cuốn sách của Tổng Bí thư cũng đã đi sâu vào việc tự soi, tự sửa, tự phê bình của cán bộ, đảng viên; xem đó là việc cần làm hàng ngày để tự sửa mình, tu dưỡng bản thân để tránh tham nhũng.

PGS.TS Nguyễn Viết Thông- Nguyên phó Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Tổng thư kí hội đồng lý luận Trung ương chia sẻ, có nhiều vấn đề mới được Tổng Bí thư đưa ra trong cuốn sách.

Trước hết là vấn đề nhận diện tham nhũng. Tổng Bí thư nêu rõ, ngoài tham nhũng kinh tế, vật chất thì nguy hiểm hơn là tham nhũng chính sách, luật pháp.

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ vấn đề tiêu cực gắn với tham nhũng, là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đồng thời đưa ra nhận thức rất mới về nguy cơ.

Về phạm vi đấu tranh, ngoài khu vực công, Tổng Bí thư còn đưa vào khía cạnh đấu tranh ở khu vực tư. Hay về phương châm chỉ đạo, Tổng Bí thư có khái quát thành phương châm bốn không gồm “không muốn, không thể, không dám, không cần tham nhũng”.

Về vấn đề xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm, Tổng Bí thư đưa ra phương châm năm không là: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không nghỉ không ngừng, không chịu bất kì sức ép nào”. Đi kèm đó là phương châm ba nhân: “nhân văn, nhân ái, nhân tình”.

Nói thêm, PGS.TS Vũ Tình- Nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM chia sẻ, hoạt động PCTNTC sẽ có hiệu quả tối ưu khi trở thành phong trào cách mạng của quần chúng. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong người dân về nội dung này một cách có bài bản, sâu và rộng; bình dân hóa các khái niệm để người dân hiểu.

PGS.TS Vũ Tình cho rằng, tham nhũng quyền lực và tham nhũng chính trị nguy hại không kém. Ảnh: T.T

Theo PGS.TS Vũ Tình, phải trả lời được câu hỏi vậy tham nhũng là gì? Có những loại hình tham nhũng nào, biến tướng của tham nhũng, các cấp độ của tham nhũng ra sao…

Cũng theo PGS.TS Vũ Tình, hiện nay, khi đề cập đến tham nhũng, người dân chỉ nghĩ đến các hành vi tham nhũng ở góc độ kinh tế, của cải vật chất.

“Trong khi đó, có loại hình tham nhũng nguy hiểm hơn là tham nhũng quyền lực và tham nhũng chính trị. Tham nhũng quyền lực phá nát chính sách cán bộ. Tham nhũng chính trị làm đường lối, chủ trương, chính sách trở nên lệch lạc, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ, nguy hiểm hơn tham nhũng về kinh tế nhưng dường như mức độ hiểu của người dân còn hạn chế”- PGS.TS Vũ Tình nhìn nhận.

Vì thế, ông cho rằng cần xem đây là công việc vừa có tính chất trước mắt vừa có tính thường xuyên, liên tục, lâu dài.

PGS.TS Vũ Tình nói thêm, ranh giới giữa việc phát hiện đến việc xử lý có khoảng cách nhất định, ảnh hưởng rất khác nhau đối với cuộc sống của con người. Việc xử lý quan trọng nhất vẫn là phải dựa vào cơ sở luật pháp.

Nếu phải xử lý thì cần đảm bảo tính khách quan, đúng người, đúng tội. Cạnh đó, phải đảm bảo tính nhân văn, với tinh thần sửa để cứu người chứ không phải là chà đạp nhau. Cuối cùng phải nhanh, công khai minh bạch. Nếu đảm bảo được ba yếu tố trên thì người dân mới có niềm tin.

Cụ thể, đã phát hiện, xử lí kỉ luật 2.470 tổ chức đảng, 167.700 cán bộ, Đảng viên. Trong đó có 190 người thuộc diện Trung ương quản lý; 50 người là cấp tướng. Việc thu hồi tài sản cũng đã tăng lên gần 35% so với trước đây, chỉ 10%.

Đảng cũng đã ban hành 250 văn kiện; Quốc hội ban hành 300 văn bản, pháp luật, pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 20 nghị định liên quan đến các cơ chế, ngày càng chặt chẽ hơn trong công tác PCTNTC.

Tham nhũng, tiêu cực là khuyết tật của quyền lực

Theo Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo, để thực hiện tốt công tác PCTNTC thì trước hết cần có nhận thức đúng đắn, đầy đủ, biến nhận thức thành hành động, quyết tâm cao, hành động quyết liệt dưới sự lãnh đạo tập trung của Đảng. Theo bà, cần kiên trì để theo đuổi công tác PCTNTC, vì đây là việc khó thực hiện trong thời gian ngắn.

Nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Phương Thảo tại tọa đàm. Ảnh: T.T

Tiếp theo, phải làm tốt công tác cán bộ, từ việc đánh giá, chọn lựa, bố trí đến xử lý cán bộ. Kết hợp chặt chẽ giữa việc phòng ngừa, xem đây là việc cơ bản, lâu dài để chấn chỉnh kịp thời…

Song song đó, phải tập trung kiểm soát quyền lực. “Làm thế nào để kiểm soát cho tốt vì quyền lực luôn có nguy cơ bị tha hóa. Tham nhũng, tiêu cực là khuyết tật của quyền lực, cần kiểm soát bằng cơ chế, trách nhiệm, và tu dưỡng, rèn luyện, nêu gương của cán bộ”- bà Phạm Phương Thảo cho hay.

Cùng đó, phải phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng PCTNTC; phải đủ bản lĩnh để phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Đồng thời, gắn PCTNTC với xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, phụ trách Đảng bộ khối Dân- Chính- Đảng TP:

Các ý kiến tại tọa đàm đã đưa ra các giải pháp có tính cảnh báo, nhắc nhở để từng cán bộ, đảng viên, cấp ủy, cơ quan, đơn vị chủ động nhận diện và đấu tranh, PCTNTC, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị.

Giám đốc Sở TT&TT Lâm Đình Thắng và TS Nguyễn Thị Quỳnh Nga tặng sách của Tổng Bí thư cho đoàn khối Dân- Chính- Đảng TP.HCM. Ảnh: T.T

Để đẩy mạnh công tác PCTNTC trong thời gian tới, bà yêu cầu cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nghiên cứu về giá trị lý luận và ý nghĩa thực tiễn của tác phẩm; khẳng định PCTNTC là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược”.

Tiếp tục triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung tác phẩm gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo Kết luận 21 và Kết luận 14.

Tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ; chú trọng nâng cao chất lượng công tác tự phê bình và phê bình, “tự soi, tự sửa” gắn với kiểm điểm việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ hằng năm của tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên một cách thực chất. Kịp thời giúp đỡ đảng viên sửa chữa những thiếu sót, ngăn ngừa sai phạm, đồng thời xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình sai phạm.

Tăng cường công tác quản lý đảng viên, nhất là quản lý chặt chẽ đảng viên chấp hành sinh hoạt đảng tại chi bộ; nắm chắc vấn đề chính trị hiện nay của đảng viên; nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên mới, thường xuyên sàng lọc kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người không còn đủ tư cách đảng viên.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTNTC. Tập trung kiểm tra, giám sát việc khắc phục những hạn chế, thiếu sót, những biểu hiện đã được cấp ủy cơ sở giới thiệu, kiên quyết xử lý các trường hợp sai phạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới