Những con số hàng ngàn tỉ cứ bị tham nhũng gặm nhấm quá dễ dàng trong khi quy mô nền kinh tế Việt Nam vẫn còn ở mức thấp, không khỏi khiến nhân dân xót lòng, bức xúc.
Công cuộc phòng, chống tham nhũng, như Đảng đánh giá là vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc tiếp xúc với cử tri Hà Nội hôm qua (17-10) cũng cho rằng việc chống tham nhũng ở nước ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn. “Vì tự ta đánh vào ta, ai dám tự phê bình, ai nhận mình khuyết điểm, ai nhận kỷ luật đâu. Kiểm điểm rất nghiêm túc nhưng xin được rút kinh nghiệm thế thôi” - ông Trọng nói.
Nhân dân, với tư cách là người chủ đất nước và làm chủ quyền lực nhà nước, rất chia sẻ với những khó khăn gặp phải trong công cuộc chống tham nhũng hiện nay. Nhưng nhìn vào hiệu quả chống tham nhũng của các nước gần ta như Singapore, Trung Quốc thôi thì dân không thể không sốt ruột. Hơn ai hết người dân hoàn toàn có quyền đặt ra những yêu cầu cấp bách, mạnh mẽ hơn nữa trong cuộc chiến trước nạn “nội xâm” này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội) sáng 17-10. Ảnh: Tuổi trẻ thủ đô
Quyết tâm chính trị về chống tham nhũng của Đảng ta là vô cùng mạnh mẽ và điều đó đòi hỏi những hành động cũng phải đạt tầm cao tương xứng với quyết tâm ấy. Thực tế cho thấy đã có rất nhiều vụ tham nhũng được phanh phui, đưa ra xét xử với các hình phạt thích đáng nhưng tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp, hành vi tham nhũng ngày một tinh vi hơn. Chưa bao giờ những đòi hỏi của người dân lại trực tiếp và rõ ràng như vậy đối với người đứng đầu Đảng. Đòi hỏi đó cấp bách như chính sinh mệnh của họ đang ngày ngày đối mặt với các nguy cơ về an toàn thực phẩm. Và để con đường từ bao tử đến nghĩa địa ngắn như hiện nay chắc chắn cũng có sự can dự của tham nhũng.
Nhiều lần nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, Trung tướng Trần Văn Độ, tâm sự về chống tham nhũng rằng: Vấn đề cốt yếu trong phòng, chống tham nhũng là phải nghiêm minh chứ không phải nghiêm khắc. Giả dụ có 100 trường hợp tham nhũng thì phải xử lý nghiêm minh 100 trường hợp ấy với những mức xử lý tương xứng với hành vi.
Sự nghiêm minh ấy đòi hỏi “dây kinh nghiệm” không thể được sử dụng để bao biện cho bất cứ hành vi tham nhũng nào, dù là ở mức độ nguy hiểm thấp nhất. Sự nghiêm minh cũng đòi hỏi Đảng phải dũng cảm đại phẫu những “ung nhọt” tham nhũng và cắt bỏ nó ra khỏi cơ thể của mình.
Có thể sẽ có những tổn thất về nhân sự khi “thượng phương bảo kiếm” ra tay nhưng niềm tin của nhân dân vào công cuộc chống tham nhũng lại được gia tăng và đó là cái đích lớn nhất, xứng đáng nhất.
Sự ổn định của quốc gia, khi được xây dựng từ niềm tin của nhân dân, đó mới là sự ổn định bền vững, thực chất. Điểm khởi đầu cho sự ổn định ấy, chắc chắn phải là lời nói đi đôi với việc làm như Tổng Bí thư yêu cầu tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XII kết thúc mới đây.