Trong phiên tòa ngày 3-2 đã đình chỉ sắc lệnh cấm người nhập cư bảy nước Hồi giáo, thẩm phán James L. Robart xuất hiện với một chiếc cà vạt nơ, mở đầu bằng một câu đùa dí dỏm và kết thúc với một phán quyết đanh thép. Quyết định của ông đã chặn đứng sắc lệnh của tổng thống và có thể sẽ thay đổi số phận người dân bảy nước này và hàng vạn người tị nạn khác, những người đã bị khước từ đường vào nước Mỹ.
Phán quyết của ông thách thức Nhà Trắng, vốn đã dành suốt tuần bảo vệ lệnh cấm. Tổng thống Donald Trump ngay lập tức phản pháo trên Twitter: “Quan điểm của cái gã mang danh thẩm phán này, muốn tước đi kỷ cương pháp luật của nước ta, là lố bịch và sẽ bị lật ngược!”.
Thế nhưng ông Robart đã giữ cương vị thẩm phán hơn một thập niên. Cựu Tổng thống George W. Bush đã tiến cử ông lên tòa án liên bang vào năm 2004, chọn ra ông từ danh sách chung khảo do ủy ban hai đảng gửi lên.
Dù chưa từng giữ vị trí thẩm phán, ông Robart vẫn được thượng nghị sĩ cả hai đảng đánh giá cao. Thượng nghị sĩ Orrin G. Hatch gọi Robart là người “đại diện cho những kẻ yếu đuối thế cô” - nhắc tới việc ông đã làm khi đứng về phía “những người tị nạn Đông Nam Á”.
Người biểu tình phản đối sắc lệnh cấm người nhập cư từ bảy nước Hồi giáo ở Washington ngày 4-2. Ảnh: AP
Trong phiên điều trần phê chuẩn làm thẩm phán, ông Robart đã nói: “Tôi đã được tiếp xúc với những người nhiều lần cảm thấy hệ thống pháp lý chống lại họ hoặc không công bằng. Được làm việc với những người lâm vào cảnh ngộ khó khăn, hoạn nạn và có thể giúp đỡ họ là khía cạnh đem lại cho tôi cảm giác thỏa mãn nhất khi thực thi pháp luật”.
Dĩ nhiên, tất cả đều nhất trí bổ nhiệm ông.
Suốt 13 năm trên ghế tòa án liên bang, thẩm phán Robart đã phán quyết trừng phạt những tên tội phạm một cách công minh, đúng như pháp luật quy định. Trong suốt nghiệp thẩm phán của ông, đáng nhớ nhất là vụ án năm 2010, khi cảnh sát Seattle bắn chết John T. Williams, một người thợ khắc gỗ khiếm thính, khi ông này không nghe cảnh sát bảo bỏ dao khắc xuống.
Vụ việc đã gây chấn động, khiến nhiều người xuống đường biểu tình phản đối bạo lực cảnh sát và dẫn đến một cuộc điều tra liên bang nhằm xem xét cải tạo lực lượng an ninh.
Trong một phiên tòa năm đó, khi đến lượt mình phát biểu, ông Robart đã làm nhiều người sửng sốt. Ông mở đầu như sau: “Bây giờ tôi sẽ tạm thời rời khỏi cương vị thực thi pháp luật đòi hỏi chính xác tuyệt đối của mình và xin trình bày với các bạn quan sát của tôi”.
“Những người đàn ông, phụ nữ đi ra ngoài, hiên ngang trong bộ đồng phục của Cục Cảnh sát Seattle có nghĩa vụ phải biết họ có thể và không thể làm gì” -ông nói.
Tiếp theo, ông nhắc tới những vụ biểu tình phản đối cảnh sát đã lan rộng khắp đất nước và các số liệu của FBI cho thấy người da đen có khả năng bị cảnh sát bắn chết cao gấp đôi.
Thẩm phán liên bang James Robart là một người nổi tiếng chính trực và luôn bảo vệ người yếu đuối thế cô. Ảnh: Daily Headlines
“Sinh mạng của người da đen cũng rất quan trọng” - vị thẩm phán nhấn mạnh. Cả phòng xử án “ngỡ ngàng”, tờ Seattle Times viết. Không dừng lại ở đó, Robart còn tiếp: “Không chỉ có người da đen. Người gốc Tây Ban Nha, gốc Á, thổ dân bản địa cũng thế. Cuối cùng và không kém phần quan trọng: Cái chết của cảnh sát ở Dallas, Baton Roughe Minneapolis và đừng quên Lakewood, Washington nhắc chúng ta nhớ về tầm quan trọng của việc ta đang làm”.
Mike McKay, cựu công tố viên Mỹ, nhận xét: “Quá rõ rồi, ông ấy đang cố gắng chứng tỏ rằng mình luôn lắng nghe và thấu hiểu tất cả các bên”. Jenny Durkan, một công tố viên từng tranh luận trước thẩm phán Robart trong vụ Seattle, cũng nhận định: “Ông ấy sẽ ra phán quyết mà ông ấy cho là đúng đắn, không lo ngại ai bất đồng với mình, dù người đó có là tổng thống Mỹ đi nữa”.
Trong phiên tòa ngày 4-2, ông đã chăm chú lắng nghe lý lẽ của chính quyền liên bang và những người phản đối lệnh cấm nhập cư, cảm ơn vì những ý kiến sâu sắc của họ. Sau đó, ông cho biết công việc của một thẩm phán “không phải là suy xét tính đúng sai của một chính sách” mà chỉ xét tính hợp pháp của nó. Lúc này, ông nói ông chỉ cân nhắc xem liệu có nên đình chỉ tạm thời lệnh cấm của ông Trump để tránh “tổn hại tức thời và không thể sửa chữa được” tới những người chịu ảnh hưởng.
Và thế là phán quyết đã được ban hành, lệnh cấm mất hiệu lực trên toàn nước Mỹ.